Phát huy giá trị cây chè, văn hoá Trà - Vùng chè đặc sản Tân Cương bảo đảm “Đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế”

Thứ ba - 16/04/2024 23:58 0
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 33-NQ/TW) nhấn mạnh: “Phát triển văn hoá đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội”, coi đây là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đối với thành phố Thái Nguyên, phát huy vị trí, vai trò, vị thế đô thị trung tâm của tỉnh, những năm qua, Đảng bộ thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW. Trong đó, chú trọng xây dựng và phát huy giá trị cây chè và văn hóa Trà vùng chè đặc sản Tân Cương theo hướng “đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm “tạo chuyển biến trong xây dựng văn hóa, con người thành phố Thái Nguyên văn minh, thanh lịch”, góp phần “xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân từ cây chè
Nước ta hiện có 34 tỉnh, thành phố trồng chè. Và “Thủ phủ của cây chè” hay danh xưng “Đệ nhất danh Trà” gắn liền với mảnh đất Thái Nguyên, với diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm chè đứng đầu cả nước. Trong đó, vùng chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà được coi là “đất Tổ”, một trong “Tứ đại danh Trà xứ Thái”, là vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng, đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
image 20240417110822 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác thăm, động viên hoạt động sản xuất tại HTX Chè Hảo Đạt,
vùng chè đặc sản Tân Cương, TP Thái Nguyên
 (ngày 10/01/2023)
Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX, với những giá trị đặc sắc. Người có công lớn khai khẩn đất hoang, gây dựng cây chè trên vùng đất Tân Cương là ông Vũ Văn Hiệt, thường gọi là ông Đội Năm (sinh năm 1883, quê xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên). Ông là người đem cây chè miền trung du Phú Thọ về trồng và phát triển làng nghề tại Tân Cương. Như được kết duyên gặp người, gặp đất, cây chè ở đây phát triển tốt. Trong lần tham gia đấu xảo đầu tiên tại Hội chợ Thương mại Hà Nội năm 1935, trà Tân Cương lấy tên “Cánh Hạc” đã đoạt giải Nhất. Hương trà thơm Tân Cương cứ vậy bay xa hơn làm đắm say người mê trà cả nước.
Xác định cây chè là sản phẩm mũi nhọn trong trồng trọt, gắn với văn hóa truyền thống, con người địa phương, tháng 8/2021, UBND thành phố Thái Nguyên đã ban hành, triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương, giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu là ngày càng nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm trà Tân Cương, đồng thời phát triển cây chè, sản phẩm trà gắn với phát huy văn hóa Trà và thúc đẩy phát triển du lịch, từ đó tạo đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững. Sau 3 năm triển khai, với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đến nay diện tích đất trồng chè trên địa bàn thành phố đã đạt 1.500 ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 22.300 tấn/năm, với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Sản phẩm chè Tân Cương được xếp TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Năm 2023, “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” vinh dự được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
image 20240417110822 3
 
image 20240417110822 4
Cây chè trở thành cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu của bà con nông dân ở 6 xã phía Tây thành phố Thái Nguyên
Nhiều nông hộ ở vùng chè đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm chè, hoặc kinh doanh các dịch vụ cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị máy móc phục vụ cho nông dân trong vùng. Kết hợp chế biến thủ công truyền thống và máy móc hiện đại, bà con trồng và chế biến chè ở vùng chè Tân Cương đã tạo được các sản phẩm chè xanh cao cấp, với nhiều mẫu mã, chủng loại khác nhau, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế, cây chè còn mang lại tiềm năng lớn về phát triển du lịch cho địa phương. Với những nỗ lực của các cấp, ngành và bà con nhân dân vùng chè, năm 2022, vùng chè Tân Cương đã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là điểm du lịch cộng đồng, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến thăm, tìm hiểu về lịch sử nghề làm chè; nét đặc trưng văn hóa Trà; trải nghiệm thực tế quy trình trồng, sản xuất, chế biến chè và thưởng thức các loại trà ngon nổi tiếng của địa phương. Những nương chè xanh mướt trở thành địa điểm check-in độc đáo. Cây chè trở thành sản phẩm du lịch, đem lại lợi nhuận “kép” cho bà con nơi đây, làm thay đổi diện mạo của vùng đất phía Tây thành phố. Tính riêng 3 năm gần đây, vùng chè đặc sản Tân Cương đã đón hơn 1 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
image 20240417110822 6
 
image 20240417110822 5
Vùng chè đặc sản Tân Cương là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
(Trong ảnh: Đoàn công tác của Đại sứ quán Canada tại Việt Nam thăm và trải nghiệm quy trình trồng và chế biến chè
tại HTX Tâm Trà Thái, Vùng chè đặc sản Tân Cương, tháng 12/2023)
Phát huy văn hóa Trà vùng chè đặc sản Tân Cương
Có thể nói, cây chè và văn hóa Trà - vùng chè đặc sản Tân Cương, thành phố Thái Nguyên đã ăn sâu, bén rễ trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân địa phương, trở thành bản sắc văn hóa vùng miền, mang giá trị biểu tượng mà ai ai cũng nhớ đến khi nhắc tới mảnh đất Thái Nguyên. Trong cuộc sống hằng ngày hay mọi sự kiện quan trọng, Trà Tân Cương không chỉ hiện diện như thức uống bổ dưỡng, mà còn mang đậm nét văn hóa trong giao tiếp hàng ngày. Uống trà là một thói quen, thú vui tao nhã; pha trà là cả một nghệ thuật; mời trà thể hiện sự ân cần, trân trọng của người mời với khách và mang đậm nét văn hóa trong giao tiếp của người Việt. Đặc biệt, với địa thế nửa đồng, nửa núi, những nương chè Tân Cương thơ mộng đã trở thành các “tác phẩm nghệ thuật”. Cây chè và văn hóa trà Tân Cương đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, say đắm lòng người: “Vị ngọt thấm vào từ đất/ Hương thơm chắt lọc khí trời/ Anh về Thái Nguyên vui hội/ Nước chè sóng sánh vành môi....”
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với quảng bá hình ảnh về cây chè và Trà Tân Cương cũng được tổ chức và duy trì, trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân thành phố, như: Tết Nguyên Tiêu, Lễ hội Hương sắc Trà xuân, Lễ hội Trung thu Xứ Trà, các hoạt động kỉ niệm thành lập thành phố Thái Nguyên,…Trong đó, việc phát huy giá trị văn hóa trà vùng chè đặc sản Tân Cương thông qua Lễ hội Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương (trước đây là lễ hội Chè xuân) được thành phố đặc biệt quan tâm, mang lại nhiều hiệu quả và tạo sức lan tỏa lớn.
image 20240417110822 7
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
tham dự Lễ hội Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương năm 2018
Lễ hội Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương bắt nguồn từ xóm Guộc, xã Tân Cương, được tổ chức hằng năm vào dịp đầu xuân. Lễ hội được nâng tầm mỗi năm với nhiều hoạt động đặc sắc, như: thi hái chè, chế biến chè, quảng bá sản phẩm trà và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Năm 2024 là năm thứ 20, Lễ hội được tổ chức tại Không gian Văn hóa Trà Tân Cương - Một công trình biểu tượng của văn hóa Trà Thái Nguyên đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho mọi du khách gần xa.
Đạt được những kết quả nổi bật đó, bám sát Nghị quyết số 33-NQ/TW, Đảng bộ thành phố Thái Nguyên đã chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng tổ chức Lễ hội hằng năm qua một số nội dung. Trong đó, tập trung nâng tầm Lễ hội theo hướng quy mô, chuyên nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch thành phố nói chung, vùng chè đặc sản Tân Cương nói riêng. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ngày càng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân trong tham gia và tổ chức các hoạt động tại Lễ hội, như: Giải chạy phong trào, thi cây chè và mô hình trình diễn sản phẩm Trà,…
image 20240417110822 9
image 20240417110822 8
Giải chạy phong trào mang tên Lễ hội “Hương sắc Trà xuân - vùng chè đặc sản Tân Cương” - Xuân Giáp Thìn 2024
thu hút hơn 1.200 vận động viên chuyên và không chuyên từ các tỉnh, thành phố trong cả nước
Từ Lễ hội Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương, hoạt động văn hóa ý nghĩa này đã được nhân rộng và nâng tầm, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Thái thông qua các kỳ Festival Trà Thái Nguyên (được tổ chức vào các năm 2011, 2013 và 2015)
Có thể nói, cây chè và văn hóa Trà đã trở thành nét bản sắc văn hóa vùng miền, mang giá trị biểu tưởng mà ai ai cũng nhớ đến khi nhắc tới vùng đất Tân Cương nói riêng và mảnh đất Thái Nguyên nói chung. Bởi vậy, gìn giữ, phát huy giá trị của cây chè và văn hóa Trà đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế chính là sự cụ thể hóa rõ nét, hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, trở thành phương châm hành động của Đảng bộ thành phố Thái Nguyên; góp phần thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng./.
Bài và ảnh: Trần Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập205
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm166
  • Hôm nay54,997
  • Tháng hiện tại76,690
  • Tổng lượt truy cập13,927,820
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây