Quán triệt mục tiêu và yêu cầu đối với nền hành chính nhà nước là phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp, trong những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính; triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 90,29%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố
Theo kết quả công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính nhà nước năm 2023 (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2 cả nước về Chỉ số SIPAS, đây cũng là năm tỉnh Thái Nguyên đạt được mục tiêu đề ra theo Chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 - 2025 (mức độ hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính đạt từ 90% trở lên).
Biểu đồ xếp hạng, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số SIPAS
Trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới, để nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ. Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025; hằng năm ban hành các kế hoạch CCHC, kế hoạch nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng đối với sự phục vụ hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và sát hợp với tình hình thực tiễn; bố trí đủ nhân lực, phương tiện, kinh phí để đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ hành chính nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của tổ chức, cá nhân, nhất là đáp ứng được yêu cầu tăng cường giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thực hiện liên thông hồ sơ TTHC...
Đồng chí Trần Xuân Trường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên cho biết, thành phố đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào giải quyết công việc hành chính; thường xuyên sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn theo hướng hiện đại hoá hành chính. Đẩy mạnh trao đổi công việc qua Hệ quản lý văn bản và điều hành, hoặc quan thư điện tử. Từ đó, góp phần giảm tải số lượng văn bản giấy. Nhờ đó, các hoạt động về CCHC của thành phố luôn nề nếp, góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, giúp địa phương ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực vào phát triển.
Người dân đến làm thủ tục tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố Phổ Yên
Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật; tuyên truyền các nội dung Luật Thực hiện dân chủ cơ sở đến người dân tại xóm, tổ dân phố, hộ gia đình; đồng thời mở rộng các kênh thông tin tuyên truyền để người dân dễ dàng nắm bắt, góp ý, phản ánh đối với các chủ trương, chính sách và chính quyền phản hồi, giải trình những khúc mắc của người dân, doanh nghiệp...
Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa 38/41 TTHC, đạt tỷ lệ 92,68% trên tổng số TTHC nội bộ được công bố; cắt giảm bình quân 33,2% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ban hành các quyết định công bố 1.240 danh mục TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của tỉnh. Các TTHC sau khi ban hành được công khai đầy đủ thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, mức phí, lệ phí nếu có.... dưới nhiều hình thức, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu và thực hiện.
Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, 09 bộ phận một cửa cấp huyện và 177 bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu việc cung cấp giấy tờ, hồ sơ của người dân, tổ chức.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên
Ông Nguyễn Văn Hoà, tổ 2, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên cho biết, vừa qua, giấy phép lái xe của ông đã hết hạn, vì vậy phải làm thủ tục đổi Giấy phép lái xe. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông được biết thủ tục này đã được Sở Giao thông Vận tải giải quyết qua hình thức trực tuyến. Thay vì phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, ông chỉ cần vào Cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện thủ tục. Trong Cổng đã có sẵn các biểu mẫu và hướng dẫn chi tiết cách thức kê khai, điền thông tin. Thời gian giải quyết đã rút ngắn hơn trước, việc trả phí đều được công khai, minh bạch. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp chủ động hơn thay vì phải mất công, mất thời gian chờ đợi như trước đây...
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 90,29%, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Thái Nguyên giành vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng SIPAS.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 “Mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính đạt tối thiểu 90%” thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các quy định của pháp luật đến người dân, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến các nhu cầu thiếu yếu, cấp bách; kịp thời giải quyết vướng mắc, các vấn đề người dân còn bức xúc. Đảm bảo thông tin và các điều kiện cần thiết để người dân nắm bắt, tìm hiểu và tham gia vào việc xây dựng, triển khai các chủ trương, chính sách tại địa phương. Thực hiện tốt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử; tăng cường rà soát cắt giảm, đơn giản hoá các quy định TTHC, đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC để cá nhân, tổ chức giảm thiểu chi phí, thời gian khi giải quyết TTHC. Tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và tái sử dụng kết quả số hoá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ, đề xuất xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; giải quyết công việc chậm, muộn, yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thành phần hồ sơ trái quy định, tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên trong công tác CCHC, tin tưởng rằng mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục được cải thiện, là tiền đề để Thái Nguyên xây dựng nền công vụ phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Thu Hương