Tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đang ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo. Cùng với định hướng đúng, đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu... Điều này góp phần quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm khu sản xuất của Samsung Thái Nguyên
(ngày 03/9/2021)
Sự đột phá về thu hút FDI của Thái Nguyên gắn liền với định hướng, khơi thông nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu với các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo... Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát huy lợi thế, tiềm năng về nhân lực, hạ tầng kết nối và sự chủ động trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch và nỗ lực nhiều mặt của tỉnh đã góp phần tạo kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên; có ý nghĩa lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể thấy, sự tăng trưởng dòng vốn FDI của Thái Nguyên đã thể hiện kết quả đột phá trong những năm gần đây. Đơn cử, năm 2013, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD, sau một năm tăng vốn thêm 3 tỷ USD. Tháng 02/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất. Sự đầu tư của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy khu công nghiệp này mà còn đầu tư tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam khẳng định, thành công của Samsung Việt Nam là kết quả của sự kiên định với định hướng đầu tư lâu dài tại Việt Nam, luôn tin tưởng và đồng hành với Việt Nam ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Với nền tảng vững chắc tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng, thời gian qua, Tổ hợp Samsung Việt Nam tiếp tục đầu tư rất lớn để mở rộng, phát triển sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành của các cấp, ngành và người dân trong tỉnh. Thời gian tới, Samsung sẽ luôn là đối tác tin cậy trên hành trình phát triển.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny Optical Technology
với tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD (ngày 07/3/2023)
Theo thống kê, mặc dù phải đối mặt với khó khăn chung của tình hình chính trị bất ổn và suy thoái kinh tế thế giới cũng như trong nước nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 30 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 202,3 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đạt 10,35 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 200 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 10,6 tỷ USD.
Đóng góp của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn duy trì vị trí thứ tư cả nước trong những năm gần đây, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút đầu tư nói riêng.
Lễ khánh thành nhà máy DBG thuộc Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình
với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD (ngày 10/5/2023)
Lý giải cho sự thành công trong thu hút FDI của Thái Nguyên những năm qua, PGS-TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế khẳng định, đặt trong bối cảnh cuộc đua tranh của Việt Nam và toàn cầu thì vị thế vùng đã giúp Thái Nguyên định vị rõ hơn, biến lợi thế tiềm năng thành lợi thế hiện thực, thành một trung tâm công nghiệp công nghệ cao, mà nền tảng cốt lõi chính là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Trên cơ sở phân tích bối cảnh thực tiễn và dự đoán hướng phát triển trong giai đoạn tới, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược về thu hút đầu tư; bên cạnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh tích cực, tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, định kỳ tiếp xúc, đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động. Đặc biệt việc chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường tiềm năng sẽ được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.
Các thành viên Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên tham dự chương trình Diễn đàn
tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Fukuoka, Nhật Bản (ngày 06/10/2023). Ảnh: Nam Hải
Đầu tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản và Australia nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực; UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và các đối tác nước bạn cũng đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư của tỉnh Thái Nguyên tại Hàn Quốc. Qua các buổi làm việc cho thấy, các nhà đầu tư FDI lớn rất ấn tượng về chuyển động của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, nhất là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Đây sẽ được coi là những yếu tố thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư FDI thời gian tới. Cũng thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư sẽ giúp Thái Nguyên tìm kiếm được thêm các giải pháp đổi mới hiệu quả xúc tiến đầu tư. Đồng thời, phục vụ quá trình triển khai các giải pháp của Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã bắt tay ngay vào việc triển khai các khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp trong quy hoạch nhằm đón “làn sóng” đầu tư.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Có thể thấy, bên cạnh việc áp dụng tối đa cơ chế, chính sách mới về thu hút FDI, tỉnh Thái Nguyên sẽ chú trọng công khai, minh bạch về các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu các vướng mắc doanh nghiệp gặp phải để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư FDI đến với Thái Nguyên trong thời gian tới.
Thu Hương