Thái Nguyên đẩy mạnh các giải pháp thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công

Thứ hai - 15/04/2024 00:33 0
Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Thái Nguyên luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, được Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao; UBND tỉnh Thái Nguyên xác định xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm CCHC; đồng thời quán triệt phương châm “lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”.
Kết quả Chỉ số CCHC (Par index) tỉnh Thái Nguyên năm 2022 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Để có được những kết quả đó; trước hết, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, trên cơ sở bám sát Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ Chương trình CCHC của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 26/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; đồng thời ban hành kế hoạch CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công hằng năm.
image 20240506113305 1
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên
Thứ hai, tăng cường kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức kiểm tra theo kế hoạch tại 35 đơn vị; kiểm tra công vụ đột xuất tại 43 đơn vị, địa phương. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, Đoàn kiểm tra công vụ của tỉnh đã tổ chức kiểm tra đột xuất tại 27 đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm nhiều vướng mắc kéo dài tại cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thi hành công vụ.
Thứ ba, đẩy mạnh cải TTHC, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đơn giản hóa TTHC với 38 TTHC, đạt tỷ lệ cắt giảm đạt 33,2% chi phí tuân thủ TTHC, bên cạnh đó thực hiện công khai, minh bạch TTHC; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, 09 bộ phận một cửa cấp huyện và 177 bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp giảm thiểu việc cung cấp giấy tờ, hồ sơ của người dân. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hồ sơ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được giải quyết đúng hạn đạt trên 99,7%.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Hiện nay tỉnh Thái Nguyên  có 21 sở, ban, ngành và tương đương; 132 phòng trực thuộc sở, ban và tương đương, chi cục; số lượng phòng và tương đương trực thuộc UBND cấp huyện: 116 tổ chức; tổng số đơn vị SNCL là 782 đơn vị, giảm 15 đơn vị so với năm 2021, tỷ lệ giảm đạt 1,89%. Công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện cải cách tài chính công, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí trong quản lý hành chính đối với 217 đơn vị; giao quyền tự chủ tài chính đối với 796 đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên tự đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, trở thành địa phương thứ 16 toàn quốc có điều tiết về ngân sách Trung ương.
Thứ sáu, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vận hành ổn định phục vụ hoạt động điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Cung cấp 932 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 718 dịch vụ công trực tuyến một phần trên cổng dịch vụ công Quốc gia; đẩy mạnh việc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC phục vụ việc tái sử dụng dữ liệu, đến nay tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của tỉnh đạt 81,02%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 52,81%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá đạt 78,05%; triển khai thanh toán trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, kết nối đồng bộ giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo khai thác thông tin của người dân giải quyết TTHC; nhiều ứng dụng số được triển khai có hiệu quả như: Sàn giao dịch Thương mại điện tử, sổ sức khỏe điện tử, sổ bảo hiểm xã hội điện tử; thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp điện tử; thiết lập thêm nhiều kênh cung cấp thông tin cung cấp khả năng liên kết truy cập thông tin về TTHC qua các ứng dụng mạng xã hội, qua các ứng dụng số như: ứng dụng công dân số C-Thainguyen, xã hội số Thainguyen-ID...
Để thực hiện có hiệu quả CCHC trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025; Chương trình CCHC nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch CCHC tỉnh Thái Nguyên năm 2024.
Hai là, rà soát, kiến nghị xử lý những vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật. Nâng cao chất lượng ban hành văn bản pháp luật; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Ba là, rà soát, đơn giản hóa TTHC, TTHC hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bãi bỏ, sửa đổi nhằm giảm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. Tập trung rà soát, đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, xử lý hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã.
Bốn là, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị. Rà soát, hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm của tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền được giao làm cơ sở triển khai chế độ tiền lương mời từ ngày 01/7/2024. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm. Tập trung hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo lộ trình đề ra.
Năm là, nghiên cứu, xây dựng và triển khai Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 04/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Sáu là, tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra đột xuất, tập trung vào kiểm tra việc “tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp”; đồng thời đề xuất xử lý nghiêm cán bộ, công chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; giải quyết công việc chậm, muộn, yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thành phần hồ sơ trái quy định, tiêu cực.
Bảy là, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh để hình thành các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung. Đến năm 2025 có 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước thực hiện trên môi trường số theo đúng mục tiêu Chương trình CCHC của tỉnh; tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.   
Nguyễn Thành Minh,
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập291
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm286
  • Hôm nay34,678
  • Tháng hiện tại1,165,458
  • Tổng lượt truy cập24,082,749
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây