Thái Nguyên quan tâm dạy nghề cho lao động nông thôn

Thứ bảy - 02/04/2022 02:59 0
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị, địa phương trong tỉnh và đạt được kết quả tích cực.
Xác định rõ đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, những năm qua, Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề như Chỉ thị số 33-CT/TU, ngày 06/5/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” và các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh để phục vụ các dự án thuộc danh mục khuyến khích đầu tư của tỉnh; chính sách hỗ trợ tuyển dụng đào tạo, bố trí việc làm theo thỏa thuận giữa tỉnh Thái Nguyên với Công ty TNHH SamSung Electronics; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo dưới 03 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg, ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ…
image 20220402140021 1
Một buổi thực hành của sinh viên Trường CĐ Công Thương Thái Nguyên
Xuất phát từ nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ cho quy hoạch và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến nay, Thái Nguyên đã rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo hướng giải thể các cơ sở hoạt động không hiệu quả, sáp nhập một số trường công lập thuộc tỉnh quản lý. Tính đến năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 43 cơ sở GDNN gồm 12 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN công lập và 11 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Hệ thống các cơ sở GDNN phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người có nhu cầu học nghề và cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên về cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các cơ sở đã tích cực thực hiện tuyển sinh, đào tạo trực tuyến từ xa, có nhiều đơn vị vượt chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm 2021 đã tuyển sinh và đào tạo nghề nghiệp cho 36.743 người, đạt 102,06% so với kế hoạch (36.743/36.000), trong đó: trình độ cao đẳng là 2.332 người, trình độ trung cấp là 7.023 người, sơ cấp là 14.428 người và đào tạo thường xuyên là 12.960 người.
Gắn kết với doanh nghiệp, khu công nghiệp được xác định là khâu đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai; cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành, vận hành tốt trong thực tiễn. Để thu hút, tuyển dụng lao động, một số doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng, phối hợp với các cơ sở GDNN để tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi đối với người học. Theo thống kê, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay với mức lương khởi điểm bình quân từ 5,5 - 6,0 triệu đồng/tháng; một số ngành, nghề có mức lương khá cao, từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Việc gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp đã góp phần lớn giải quyết việc làm và cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Khu Công nghiệp Yên Bình, các Khu Công nghiệp của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng nông thôn mới...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Thái Nguyên còn một số vấn đề cần quan tâm: Một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở dạy nghề còn thiếu; có cơ sở dạy nghề chưa quan tâm gắn dạy nghề với giải quyết việc làm; nguồn kinh phí thực hiện cho hoạt động đào tạo nghề lao động nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước nên việc tổ chức triển khai thực hiện đạt kết quả chưa cao...
Để phát triển nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, đời sống cho cho người lao động ở nông thôn. Trong đó quan tâm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.
Hai là, Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, doanh nghiệp trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ba là, Tập trung rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; tăng cường phối hợp, điều tra, dự đoán nhu cầu cần tuyển dụng của các doanh nghiệp, cở sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch dạy nghề. Phát triển hệ thống dạy nghề với 3 cấp trình độ theo hướng đa dạng, linh hoạt, gắn với thị trường lao động. Đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Bốn là, Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên đào tạo nghề nghiệp đủ về số lượng, nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp, huy động các nguồn lực để phát triển GDNN; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung, thay thế thiết bị đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Năm là, Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, kiểm tra liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, biểu dương các mô hình dạy nghề, các hình thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp, hiệu quả với các đối tượng nông dân trên địa bàn.
Hồng Nhung
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay48,899
  • Tháng hiện tại1,108,490
  • Tổng lượt truy cập25,705,243
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây