Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; đồng thời đề ra 15 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 5 định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trên các lĩnh vực. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông vận tải tạo sự liên kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, vùng nguyên liệu với các cụm công nghiệp chế biến là một trong những nhiệm vụ giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc là dự án trọng điểm
của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, cùng với các công trình, dự án giao thông, xây dựng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh, đường địa phương, Thái Nguyên đã tích cực, chủ động trong việc triển khai các dự án đường liên kết, kết nối Thái Nguyên với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Trong đó, tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (Dự án) là dự án hạ tầng giao thông vận tải có quy mô lớn, đang được tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa tuyến đường vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một trong các nội dung nhằm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Dự án có tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng; tuyến chính dài 36,51 km, đoạn nối với tỉnh Vĩnh Phúc và đường tỉnh ĐT261 dài 6,04 km. Điểm đầu là cầu Hòa Sơn, nối với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang; điểm cuối giao đường tỉnh ĐT261 tại Km 11+500 thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Khi dự án hoàn thành, đi vào khai thác sẽ đem lại lợi ích đột phá về hạ tầng giao thông liên vùng; rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian di chuyển, kết nối liên khu vực giữa vùng Thủ đô và các tỉnh vùng trung du miền núi; đồng thời tạo quỹ đất phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hai bên tuyến đường; tạo điều kiện hình thành một số khu vực trọng điểm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp ưu tiên mang tính đột phá… Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Dự án hoàn thành sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư Dự án) cho biết, với diện tích thu hồi lớn, trên 200ha, gần 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng; thời gian vừa qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với thành phố Phổ Yên và huyện Đại Từ (có tuyến đường đi qua) để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), cử cán bộ bám công trường để giám sát chất lượng công trình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và linh hoạt các cơ chế, chính sách bồi thường GPMB nên Dự án nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Đến nay, sau gần 01 năm triển khai, tiến độ Dự án đạt gần 11% khối lượng theo hợp đồng. Đơn vị cũng cho biết, sẽ phấn đấu sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng trước 6 tháng so tiến độ đề ra; góp phần thúc đẩy liên kết tiểu vùng, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.
Được biết, đối với thành phố Phổ Yên, chiều dài tuyến chính là trên 27km, đi qua 08 xã, phường với gần 2.500 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích gần 146 ha đất cần thu hồi. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã chi trả được hơn 833,5 tỷ đồng/tổng số hơn 999 tỷ đồng; cơ bản GPMB toàn bộ đất thuộc phạm vi dự án; trong đó hơn 138,1 ha đủ điều kiện thi công. Không ít hộ dân mặc dù chưa được bố trí tái định cư nhưng đã sẵn sàng di dời để bàn giao đất cho dự án. Quá trình kê khai, kiểm đếm phục vụ công tác bồi thường, GPMB đã được tiến hành bài bản, công khai, đúng quy định và cơ bản nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Để đáp ứng nơi ở mới cho các hộ dân sau khi thu hồi đất, thành phố đã triển khai xây dựng 10 khu tái định cư với tổng diện tích khoảng 33ha, dự kiến thời gian hoàn thành trong năm 2023… Lãnh đạo thành phố cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong phạm vi Dự án nghiêm túc di dời tài sản, công trình trên đất để bàn giao số mặt bằng còn lại để thi công dự án; đồng thời kiên quyết cưỡng chế đối với những hộ cố tình chống đối; các bên liên quan chủ động phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt để sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại để Dự án được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra.
Đối với huyện Đại Từ, chiều dài tuyến đường đi qua khoảng 9,1km thuộc địa bàn 3 xã, thị trấn với trên 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, huyện đã thành lập ban chỉ đạo; giao cho các xã thành lập ban chỉ đạo, các tổ kiểm đếm để thường xuyên nắm bắt, tuyên truyền và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng… Đến thời điểm hiện tại, huyện đã kiểm kê xong 100% số hộ ảnh hưởng của Dự án; đã thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường GPMB cho 387 hộ và tiến hành chi trả tiền cho 383/387 hộ, với tổng số tiền đã chi trả là 123,37 tỷ đồng, tổng diện tích đã bàn giao mặt bằng là 44,98 ha; thực hiện xét giao đất tái định cư được 24 hộ...
Từ chủ trương đúng và được triển khai một cách bài bản, khoa học, dân chủ, đúng quy định đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện. Trong niềm vui, phấn khởi, ông Tạ Văn Tiến, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên (một trong những hộ chịu ảnh hưởng của Dự án) chia sẻ, người dân rất phấn khởi, vui mừng đón nhận Dự án; đồng thời mong muốn, Dự án sẽ hoàn thành đúng theo cam kết để tạo điều kiện giao thương cho người dân và phát triển du lịch của địa phương. Cũng giống như ông Tiến, bà Nguyễn Thị Diệu, xã Cát Nê, huyện Đại Từ cho biết, gia đình bà nhận thấy, đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước, giúp cho người dân có điều kiện phát triển; bà rất ủng hộ việc bàn giao đất để thực hiện Dự án và mong muốn Dự án sớm hoàn thành, đi vào khai thác.
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Hải cùng Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra tiến độ thi công Dự án (ngày 22/02/2023)
Thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra thực tế; tổ chức nhiều buổi giao ban để kịp thời chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, tiến độ, vật liệu đất đắp nhằm đẩy nhanh tiến độ của Dự án. Tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Dự án (ngày 22/02) vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Hải thêm một lần nhấn mạnh, đây là Dự án trọng điểm, là dấu ấn của cả nhiệm kỳ. Vì vậy, các địa phương liên quan, chủ đầu tư và nhà thầu thi công cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng; có khó khăn, vướng mắc gì, cần báo cáo ngay với tỉnh để có phương án giải quyết, không được để chậm tiến độ thi công so với kế hoạch đề ra.
Có thể thấy, nếu như năm 2010, Thái Nguyên chỉ đứng ở vị trí 45/63 địa phương về thu hút FDI, thì đến năm 2013, nhờ tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử tại Thái Nguyên. Và đến nay, dòng vốn FDI tiếp tục “chảy” mạnh vào tỉnh, giúp Thái Nguyên vươn lên đứng trong top đầu cả nước với trên 170 dự án FDI, tổng số vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD. Mới đây, Tập đoàn Sunny Optical Technology thỏa thuận tiếp tục đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào tỉnh Thái Nguyên thêm một lần nữa minh chứng cho chủ trương đúng đắn này của tỉnh.
Kỳ vọng, với sự quyết tâm vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các địa phương cùng sự đồng thuận cao của người dân, Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiếp tục mở ra những cơ hội và sự phát triển mới, toàn diện, bền vững, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030./.
Thu Hương
Ý kiến bạn đọc