Tại Đại hội đại biểu các DTTS miền Bắc được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 03/12/1945, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội và khẳng định “Nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào, mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập, và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa. Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới.”
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm thực hiện tốt công tác dân tộc; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, đề án hỗ trợ dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần nâng cao đời sống của bà con…
Công trình nước sạch sinh hoạt phục vụ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: Minh Phương)
Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh Thái Nguyên, Võ Nhai hiện có trên 70 nghìn người với 9 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 72,61%. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chương trình, chính sách dân tộc đã được triển khai trên địa bàn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2022 - 2023, với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã triển khai thực hiện 49 công trình thuộc 10 nhóm dự án. Trong đó có một số dự án nổi bật, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS...
Ông Triệu Văn Lưu, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Nác, xã Liên Minh, Võ Nhai phấn khởi cho biết, từ nguồn vốn của Chương trình, xóm Nác được quan tâm đầu tư xây dựng 2 ngầm tràn qua suối Đá Mài và suối Bứa; kiên cố hóa 700m đường trục chính của xóm; xây dựng 1 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đến nay, các công trình đều cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Từ nguồn ngân sách Nhà nước, huyện Võ Nhai đang đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng công trình đường tràn
xóm Tân Thành - Trung Thành, xã Thượng Nung
Cũng giống như Võ Nhai, thời gian qua, huyện Phú Bình đã phát huy sự hỗ trợ của các nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh, huy động các nguồn lực của huyện để tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện đã triển khai 8 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng nguồn vốn trên 21 tỷ đồng; trong đó tập trung thực hiện giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Đường giao thông được cứng hóa giúp người dân ở xóm Suối Lửa, xã Tân Thành, Phú Bình đi lại thuận tiện
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 50 DTTS sinh sống với trên 384 nghìn người, chiếm gần 30% số dân toàn tỉnh. Có thể thấy, tại tỉnh Thái Nguyên, cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào các DTTS trong tỉnh; những năm qua, kinh tế - xã hội tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng từng bước ổn định và phát triển. Các chương trình, chính sách đầu tư vùng DTTS và miền núi đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng; hệ thống chính sách dân tộc được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, chuyển dần từ các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, 118/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 90 xã vùng DTTS); 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó, có 17 xã vùng DTTS). 05 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Định Hoá đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP, trong đó, có 157 sản phẩm OCOP của 97 chủ thể được công nhận từ 3 sao trở lên thuộc vùng DTTS và miền núi…Toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm, bản có điện lưới quốc gia; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 96,18% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo DTTS hằng năm giảm trên 2,7%/năm.
Có được kết quả trên, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức chính trị và toàn xã hội về công tác dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của các cấp, ngành với công tác dân tộc trong tình hình mới; tích cực đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; tập trung các nguồn lực phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là nhóm DTTS còn nhiều khó khăn và dân tộc thiểu số khó khăn đặc thù. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025).
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người DTTS theo yêu cầu công việc và quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.400 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS, chiếm trên 33% cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc các cơ quan, đơn vị của tỉnh. Đồng thời, việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện kịp thời. Trong năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức Hội nghị biểu dương 50 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS; Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng 58 đại biểu người DTTS, có uy tín tiêu biểu.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Uỷ ban MTTQ tỉnh
cho đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS năm 2023 (ngày 21/6/2023)
Tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp huyện vừa qua của tỉnh, đã có 17 tập thể, 50 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 26 tập thể, 45 cá nhân được tặng Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cũng đã tặng Giấy khen cho 101 tập thể và 191 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024…
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, chính sách dân tộc muốn phát huy hiệu quả, đi vào lòng dân phải xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhu cầu, lợi ích của đồng bào và thực tiễn cơ sở; có sự kết hợp giữa phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội với phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương; quá trình điều hành thực hiện phải sâu sát, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm. Với những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đúng hướng của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Thái Nguyên, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn đang dần được nâng lên; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; khối đại đoàn kết dân tộc giữ vững, lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.
Thu Hương