Từ chủ trương đến nhận thức và hành động
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm Hợp tác xã Chè Hảo Đạt,
xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (ngày 10/01/2023)
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Thái Nguyên là xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai, ban hành nhiều văn bản kịp thời và đồng bộ, cụ thể hoá các nội dung để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng ban hành các nghị quyết, quyết định và các văn bản triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh như: Nghị quyết điều chỉnh Đề án xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên; Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; Nghị quyết thông qua phương án phân bổ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023 tỉnh Thái Nguyên… Quyết định ban hành các bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu và xóm NTM kiểu mẫu…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan gian hàng sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên
tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh và thành phố Phổ Yên (ngày 09/10/2022)
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp của tỉnh đã thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách; tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch; phân bổ vốn, hướng dẫn và giám sát tình hình thực hiện vốn trong Chương trình NTM; thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đảm bảo đạt các mục tiêu của Chương trình.
Theo đó, trong năm 2022, tỉnh đã huy động được gần 1.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 450 km đường giao thông; về thuỷ lợi đã xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp được 48,5 km kênh, mương và 34 hồ, đập, kè, trạm bơm; xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp gần 400 phòng học, 28 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 168 nhà văn hóa và khu thể thao xóm, 10 chợ nông thôn, trạm y tế xã, trụ sở xã… Hỗ trợ gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng NTM cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Từ Chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM; tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng NTM đạt trên 95%. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 119/137 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 04 xã NTM kiểu mẫu và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc với các địa phương rà soát tiêu chí cần hoàn thành, tiến độ thực hiện, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn… từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ban hành quyết định công nhận kịp thời.
Xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc
Sau hơn 10 năm kiên trì, nỗ lực, đến nay huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 xã đạt NTM nâng cao. Phú Bình đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh đánh giá, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, các bộ, ngành chức năng xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền công nhận huyện nông thôn mới. Những kết quả trong xây dựng NTM gắn với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất bền vững đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của huyện thuần nông này. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, đời sống người dân được nâng cao... là nền tảng vững chắc để Phú Bình trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên có 100% xã đạt chuẩn NTM.
Phú Bình là huyện đầu tiên trong tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Huyện cũng đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2023 - 2025 mỗi năm có 2 xã đạt chuẩn NTM mới nâng cao, đến hết năm 2025 đảm bảo có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 02 xã NTM kiểu mẫu và huyện Phú Bình đạt chuẩn NTM nâng cao. Với sự hỗ trợ của tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân; từ một huyện thuần nông, sau hơn 10 năm, nông thôn huyện Phú Bình khởi sắc rõ rệt từ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, an sinh xã hội… Đời sống người dân được nâng lên với thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 4%.
Quang cảnh Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Định Hóa đánh giá kết quả thực hiện
Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới (ngày 28/11/2022)
Cũng giống như Phú Bình, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM để huyện Định Hóa đạt huyện NTM năm 2023; trong quá trình triển khai, Định Hóa lựa chọn các hạng mục ưu tiên đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình trọng điểm như: Xây dựng các tuyến đường liên xã, hạ tầng cụm công nghiệp; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương... Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai một số công trình hạ tầng nâng cấp hệ thống thu gom nước thải; cải tạo, nâng cấp chợ, nhà văn hóa thị trấn…
Ông Nguyễn Đức Lực, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Định Hoá cho biết: Nhờ thực hiện chương trình, nhận thức của người dân đã thay đổi, từ suy nghĩ phải làm NTM chuyển sang sẵn sàng làm NTM và mong muốn làm NTM. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn của các địa phương. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng khang trang, khởi sắc hơn. Phát huy kết quả đạt được, Định Hóa đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2023.
Nhờ có định hướng đúng đắn mà phong trào xây dựng NTM ở tỉnh Thái Nguyên đã thực sự đi vào lòng dân, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Người dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho các công trình, dự án. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang với nhiều tuyến đường giao thông được bê tông hóa, nhiều nhà cao tầng khang trang mọc lên, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” Thái Nguyên đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 04 huyện đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2025, tỉnh có 07 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có một huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng NTM đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.
Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh, đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống… Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong những năm tiếp theo.
Thu Hương
Ý kiến bạn đọc