Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá Di tích Đình chùa Phương Độ

Thứ ba - 22/08/2023 00:10 0
Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có 291 di tích lịch sử, văn hoá đã được kiểm đếm, trong đó 56 di tích được xếp hạng (gồm 07 di tích xếp hạng quốc gia và 49 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Những năm qua, chính quyền các cấp và Nhân dân địa phương đã nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di tích này. Đình Phương Độ thuộc xã Xuân Phương là một trong những di tích đó.
Công trình kiến trúc nghệ thuật đình làng tiêu biểu
image 20230822111105 1
Đình Phương Độ nằm ngay cạnh bên bờ sông Cầu, giữa làng cổ Phương Độ, thuộc xã Xuân Phương, huyện Phú Bình
Dẫn chúng tôi thăm đình Phương Độ vào một ngày thời thu tháng Tám, ông Đồng Văn Vừa, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Đình chùa Phương Độ cho biết: Theo sử sách ghi chép lại, đình Phương Độ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15. Đây là ngôi đình cổ lớn nhất trong số những ngôi đình còn lại đến ngày nay ở Thái Nguyên, đồng thời di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng cũng là một trong những loại hình kiến trúc đặc trưng của Việt Nam. Đình thờ Thành Hoàng của làng là Cao Sơn Quý Minh đại vương, tức Dương Tự Minh, một phò mã thời nhà Lý, người có công lớn trong việc giữ gìn biên cương phía Bắc đất nước và phát triển kinh tế phủ Phú Lương xưa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Đình còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người dân xã Xuân Phương, huyện Phú Bình nhiều đời nay. Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, công trình kiến trúc thời Lê này vẫn còn nguyên những nét độc đáo, uy nghiêm, cổ kính.
image 20230822111105 2
Ông Đồng Văn Vừa, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Đình chùa Phương Độ giới thiệu với du khách
về sắc phong cổ còn lưu giữ trong đình
Ông Vừa cho biết thêm, trước kia đình Phương Độ nằm ở giữa làng, hai Nghè ở hai bên, cách đình khoảng 500m. Trải qua quá trình bồi lấp và sạt lở của lòng sông, đến năm 1903, đình được di chuyển dần vào sâu bên trong và ở vị trí như ngày nay.
image 20230822111105 3
Trong đình Phương Độ hiện vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ
Du khách đến thăm đình Phương Độ không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp thanh bình nơi làng quê mà còn được chiêm ngưỡng nét cổ kính, trang nghiêm của mái đình xưa làng Việt. Được biết, đình Phương Độ mang đặc trưng của kiến trúc thời Lê với hệ thống 48 cột. Mái đình được làm bằng ngói mũi, bốn góc mái cong vút. Trên mái đình được trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”. Gian chính của đình là nơi đặt điện thờ gồm: Một bàn hương án trang trọng lộng lẫy gọi là Thượng Cung Đình. Trên Thượng Cung Đình có Cửa Vọng được sơn son thiếp vàng. Phía trong Nội Cung đặt tượng đức thánh Dương Tự Minh tạc bằng gỗ hình nổi. Bên tả và bên hữu của bàn hương án là bộ “Hạc đứng lưng Quy” thể hiện cho sức mạnh và sự chiến thắng. Trong gian chính còn có câu đối, các bức tranh, bộ bát cửu…được bố trí hài hoà làm tôn thêm vẻ uy nghiêm của ngôi đình.
image 20230822111105 4
Năm 1993, đình Phương Độ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia
Trong đình hiện vẫn còn lưu giữ các hiện vật có giá trị như: Một sắc phong và 2 bức Đại tự thờ Dương Tự Minh thời Khải Định; bàn hương án của cuối thời Lê đầu thời Nguyễn; bát hương sành cổ (thời Lê); hai cây nến đồng cao 0,8m (thời Lê) và các đồ vật quý như: Kiệu, bát hương, hương án…được trang trí và trạm trổ hoa văn tinh tế...
Ngay phía sau đình là ngôi chùa cổ, tên chữ là “Úc Tân tự”, tạo nên một quần thể văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân. Trong khuôn viên đình còn có Nhà thờ Bác Hồ. Đây là “địa chỉ đỏ” để chính quyền, Nhân dân địa phương tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu, thể hiện tấm lòng của người con đất Việt đối với vị cha già của dân tộc.
Di sản kiến trúc nghệ thuật, văn hoá quốc gia - Gắn kết đời sống tinh thần dân tộc
Không chỉ là ngôi đình cổ mang kiến trúc độc đáo của Việt Nam, đình Phương Độ còn là cơ sở hoạt động quan trọng của Đảng trong quá trình vận động cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 9/1945, đình Phương Độ được chọn làm nơi tổ chức Lễ tế cờ chào mừng thành công của Cách mạng Tháng Tám. Đình tiếp tục là nơi mở các lớp tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; các phong trào như “Bình dân học vụ”, “Tuần lễ vàng” cũng được tổ chức tại đây…
Ông Dương Văn Vận, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý di tích Đình chùa Phương Độ cho biết, hằng năm, tại đình Phương Độ diễn ra 3 kỳ lễ: Lễ khai đài cầu phúc diễn ra vào ngày 14 và 15 tháng Giêng; Tiểu lệ (hay còn gọi là Lễ Cầu mác) vào ngày 10/4 và Đại lệ (Lệ của làng) diễn ra vào ngày 10/10 âm lịch.
image 20230822111105 5
Lễ hội đình Phương Độ thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham dự, hành lễ Ảnh: tư liệu
Trong 3 kỳ lễ thì ngày Đại lệ là ngày lễ quan trọng nhất năm. Bà con trong làng tổ chức gói bánh chưng, giã bánh dày dâng lên đức Thánh. Sau phần tế lễ, đến phần khai hội với các trò chơi dân gian thu hút đông khách thập phương. Cũng tại đây, người dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, những người con xa quê có dịp trở về, thắt chặt tình làng nghĩa xóm…
Ông Vận cho biết thêm, vào những dịp lễ hội, đình Phương Độ thu hút khoảng 4.000 - 5.000 lượt khách đến tham quan, hành lễ.
Với những giá trị tiêu biểu về nghi lễ truyền thống cũng như những giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng và những nét kiến trúc cổ kính; năm 1993, đình Phương Độ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội đình Phương Độ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đình Phương Độ tồn tại đến nay đã trên 600 năm và vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, một số hạng mục trong đình đã bị xuống cấp. Vì thế, công tác bảo tồn, tu bổ đình để nghi lễ truyền thống này tồn tại mãi trong tâm thức người dân địa phương cũng như du khách gần xa cần tiếp tục được quan tâm thực hiện” - ông Dương Văn Vận chia sẻ.
Đình Phương Độ là minh chứng của một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, là nguồn động lực để người dân hăng say lao động, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Hy vọng, thời gian tới, Di tích sẽ tiếp tục được quan tâm tôn tạo, bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa của cha ông đến các thế hệ mai sau.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm99
  • Hôm nay30,273
  • Tháng hiện tại1,161,053
  • Tổng lượt truy cập24,078,344
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây