Bảo tồn và phát  huy giá trị lịch sử, văn hoá Chùa Hương Ấp (Vạn Xuân Tự)

Thứ ba - 05/12/2023 19:11 0
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 30 km về phía Đông Nam là quần thể Di tích lịch sử quốc gia Đền Mục và Chùa Hương Ấp, thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên. Đây là khu di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc, Đức vua Lý Nam Đế.
Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của Đức vua Lý Nam Đế
Làng Cổ Pháp xưa thuộc Châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên là quê hương của Lý Nam Đế, vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây có chùa Hương Ấp (Vạn Xuân Tự), ngôi chùa gắn liền với tuổi thơ của Lý Bí, tức Đức vua Lý Nam Đế. Khi lên 5 tuổi thì thân phụ mất, 2 năm sau thì thân mẫu qua đời, người được Pháp Tổ thiền sư đưa vào nuôi dưỡng tại chùa Hương Ấp, từ đó đã hun đúc cốt cách, trí tuệ và nhân phẩm của Lý Nam Đế, niềm tự hào của Nhân dân đất Việt nói chung và Nhân dân tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Vào năm 544, Người đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa thành công, đánh đuổi giặc phương Bắc sau đó lên ngôi vua (tự xưng là Nam Việt Đế), đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân, đánh dấu sự kiện đặc biệt quan trọng, thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước bằng đức độ, tài năng của người Việt Nam.
image 20231206071129 1
Chùa Hương Ấp, ngôi chùa gắn liền với tuổi thơ của Đức vua Lý Nam Đế
Để khẳng định, ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam, người có công khai sinh ra nhà nước Vạn Xuân; đồng thời nhằm bảo tồn di tích lịch sử và giữ gìn các giá trị về văn hóa, tỉnh Thái Nguyên đã thiết lập hồ sơ khoa học, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử chùa Hương Ấp thuộc Khu di tích Lý Nam Đế, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên .
Mảnh đất Phổ Yên, quê hương của Đức vua Lý Nam Đế cũng là một trong những “hậu phương chiến lược”, cung cấp lương thực và lực lượng cho nghĩa quân, góp sức làm nên sự nghiệp của nước Vạn Xuân. Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế bao gồm đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng... Ngoài ra còn có một số địa danh liên quan đến sự nghiệp đánh giặc cứu nước của ông như cánh đồng Tráng, bãi Quần Ngựa, đồi Cao Vương…
Ngày 12/12/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Đền Mục và chùa Hương Ấp là Di tích quốc gia tại Quyết định số 4104-QĐ/BVHTTDL. UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1228/QĐ-UBND, ngày 09/5/2019 về việc quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lý Nam Đế. Theo đó, Khu di tích được quy hoạch tổng thể với diện tích 54,06ha và thực hiện trong giai đoạn đến hết năm 2030. Trong đó, đền Mục được chọn làm trung tâm, điểm nhấn của Khu di tích, với diện tích 44ha, các điểm di tích còn lại là chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng.
Ngược dòng lịch sử
Chùa Hương Ấp được nhân dân xây dựng trên đỉnh một quả đồi rộng 5.130m2. Chùa nằm ở vị trí đắc địa với vẻ đẹp sơn thủy hữu tình; chính điện chùa hướng về phía Tây, nhìn thẳng ra ngòi Gạo, Núi khao Vương, cánh đồng Cháy  Nằm song song với núi Chùa trên có chùa Hương Ấp là núi Ấp. Dưới chân núi Chùa là giếng Chùa, rồi núi Sen. Sau lưng là khu dân cư bao bọc.
image 20231206071129 2
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo thành phố Phổ Yên và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên
tại Khu di tích
Theo lời kể của các cụ trong làng, cách ngày nay đã năm đời (khoảng trên một trăm năm), chùa Hương Ấp bị đổ nát. Khi đó trong làng có cụ Đờn vì không có con trai thờ tự, cụ đã công đức tài sản, ruộng đất cho chùa để xây dựng lại và xin một suất “hậu” thờ cúng cụ sau khi qua đời. Từ đó, nhiều người trong làng gọi là chùa cụ Hậu Đờn, nhưng những người hiểu biết và các nhà chức sắc thì vẫn gọi là chùa Hương Ấp.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1947 - 1954), chùa nằm trong diện tiêu thổ phục kháng chiến. Vào năm 1990, nhân dân địa phương đã quyên góp kinh phí để dựng lại ngôi chùa trên nền cũ bằng đá ong. Ngôi chùa hiện nay có kiến trúc hình chữ đinh, kỹ thuật xây dựng đơn giản, hệ thống vì kèo, cột gỗ làm bằng gỗ bạch đàn, bao trơn đóng bén, bên ngoài có sơn màu cánh gián. Mái chùa lợp ngói vảy rồng; đầu đốc tạo hình vỉ ruồi có 4 đầu đao cong vút. Nhà tiền đường chùa 3 gian; 2 dĩ và hậu cung. Bên trong thờ 3 vị tam thế, Phật Di Đà, Địa Tạng, Ca Na Diếp, Phật bà Quan Âm, Văn Thù Bồ Tát…
Phía bên trái chùa có Đền thờ Đức vua Lý Nam Đế. Ngôi đền nhỏ 3 gian, dài 8m, rộng 5m, hậu cung dài 2,25m, rộng 2,1m. Trong đền có ban thờ, tượng Đức vua Lý Nam Đế và bát hương. Phía ngoài cửa có hai câu đối ca ngợi công đức cũng như nói về quê hương xuất thế, khởi nghĩa giành độc lập của Lý Nam Đế.
Nhân dân trong vùng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội (nơi có Đền Giang Xá, là nơi thờ, nơi tưởng nhớ đến vua Lý Nam Đế) gọi Chùa Hương Ấp với tên trân trọng là “chốn tổ” (quê hương gốc của Đức vua Lý Nam Đế).  Ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng từ ngàn đời nay của Nhân dân trong vùng. Chùa Hương Ấp hiện còn bảo tồn, lưu giữ 24 hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 200 năm, như bia đá, tượng Phật, bình vôi. Ngoài số hiện vật thuộc di tích chùa Hương Ấp, tại Nhà tổ của chùa còn trưng bày 26 di vật cổ do Nhân dân sưu tầm được tại khu vực làng Cổ Pháp.
Tu bổ Chùa Hương Ấp - Tri ân vị Vua đầu tiên của dân tộc
image 20231206071129 3
Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên
thực hiện nghi thức động thổ khởi công Dự án tu bổ chùa Hương Ấp (ngày 02/11/2023)
Trải qua thăng trầm thời gian, Di tích chùa Hương Ấp đã bị xuống cấp, cần phải được tu bổ, tôn tạo để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử liên quan đến quê hương, cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Đức vua Lý Nam Đế đối với dân tộc Việt Nam. Dự án tu bổ di tích chùa Hương Ấp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 8/2023. Ngày 02/11 vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và thành phố Phổ Yên tổ chức Lễ khởi công Dự án tu bổ chùa Hương Ấp. Dự án gồm các hạng mục chính như: Nhà bảo quản, Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông - lầu trống, đền thờ Vua Lý Nam Đế… Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến năm 2025. Đây cũng chính là sự ghi nhận công lao to lớn và thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với Đức vua Lý Nam Đế.
image 20231206071129 4
Phối cảnh tổng thể Di tích chùa Hương Ấp sau khi hoàn thành tu bổ
Sau khi hoàn thành, chùa Hương Ấp sẽ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là công trình kiến trúc nghệ thuật bề thế, uy nghiêm, tạo nên không gian thờ tự tôn nghiêm, góp phần nuôi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và phát huy các giá trị nhân văn, trở thành điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các địa điểm tham quan, du lịch tâm linh hấp dẫn của tỉnh Thái Nguyên.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập305
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay32,044
  • Tháng hiện tại1,444,134
  • Tổng lượt truy cập27,690,784
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây