Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của Thái Nguyên được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; hình thành nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi - trung du thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ, là nơi cư trú tập trung của nhiều dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đồng bào các dân tộc nơi đây đã hun đúc nên truyền thống lịch sử hào hùng và sáng tạo các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, góp phần tạo nên sự đa dạng cho kho tàng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện một cách toàn diện và có hệ thống, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời đã quảng bá rộng khắp những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa, lịch sử tỉnh Thái Nguyên đối với bạn bè trong nước cũng như cộng đồng quốc tế. Chương trình ký kết phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập lịch sử, văn hóa giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên được triển khai thực hiện có hiệu quả. Tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, 17 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản cấp quốc gia, thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Nghệ thuật trình diễn dân gian. Đặc biệt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 13/12/ 2019.
Đại diện các đơn vị ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng,
lịch sử đảng bộ địa phương thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập lịch sử, văn hóa giai đoạn 2022 - 2025
Để phát huy các giá trị văn hóa gắn với giáo dục truyền thống lịch sử, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, về nguồn và trải nghiệm, tỉnh Thái Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách và đã đạt kết quả bước đầu. Nhiều điểm du lịch sinh thái mang đặc trưng khu bảo tồn văn hóa và sinh thái được đầu tư đi vào hoạt động khá hiệu quả, một số mô hình bảo tồn di sản văn hóa bản địa gắn với hoạt động du lịch sinh thái ở địa phương tuy hoạt động chưalâu nhưng đã đạt được hiệu quả đáng khích lệ, như Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải tại xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Hoạt động thực tế tại đây gợi cho chúng ta liên tưởng đến dáng dấp của mô hình “Bảo tàng sinh thái” kết hợp với du lịch sinh thái cộng đồng theo một cấu trúc hoàn chỉnh: Khu bảo tồn - khu nghỉ dưỡng - khu ẩm thực - khu vui chơi giải trí được khép kín, đồng thời duy trì lối sống sinh thái hữu cơ thân thiện với môi trường. Bản Quyên, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - một bản tiêu biểu còn lưu giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất đa dạng của đồng bào dân tộc Tày. Đặc điểm nổi bật của Bản Quyên là ở chỗ cộng đồng cư dân địa phương còn bảo lưu được một quần thể kiến trúc gồm 32 ngôi nhà truyền thống ẩn mình trong không gian cảnh quan thiên nhiên vùng trung du miền núi. Ở Bản Quyên, ta dễ dàng nhận thấy đặc trưng cơ bản là: Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc và phát huy một cách sống động ngay trong môi trường văn hóa/sinh thái - nhân văn - nơi di sản được khởi nguồn, duy trì và được bồi đắp bởi khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của chính cộng đồng chủ thể văn hóa.
Bên cạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị thông qua hình thức gắn phát triển du lịch với giáo dục truyền thống lịch sử thì các di sản văn hóa phi vật thể ngày càng lan tỏa trong cộng đồng nhờ các hoạt động truyền nghề, tôn vinh nghệ nhân. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đều tổ chức tập huấn truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể như: Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao; tiếng nói cho dân tộc Sán Dìu; xây dựng các mô hình câu lạc bộ hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Then (dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao), múa Tắc Xình (dân tộc Sán Chí)... Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về loại hình dân ca, dân vũ cho người học, đảm bảo các học viên có thể biểu diễn và truyền dạy lại…
Qua những hoạt động cụ thể, có thể thấy Thái Nguyên đã và đang có bước đi đúng đắn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển bền vững. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các hoạt động cụ thể trong việc tạo nên những sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa, thiên nhiên đặc thù của địa phương với sự tham gia của cộng đồng và dựa vào cộng đồng. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các tài liệu để giới thiệu về lịch sử, văn hóa phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá, phát triển du lịch địa phương.
Kiều Hoa