Chùa ở huyện Phú Bình với phong trào cách mạng của Nhân dân

Thứ sáu - 21/10/2022 04:46 0
Chùa ở huyện Phú Bình không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó còn là những nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển phong trào cách mạng.
Nếu ví Thái Nguyên là vành đai áo giáp bảo vệ cho phía Bắc Thủ đô thì Phú Bình là một trong những địa bàn có vị trí trọng yếu trong vành đai đó. Đây là vùng đất rộng án ngữ địa đầu phía Nam của tỉnh. Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945), Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chọn Phú Bình làm An Toàn khu, nơi đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự, chính trị; nơi in ấn, phát hành các tài liệu chỉ đạo phong trào cách mạng toàn quốc của Đảng. Phú Bình cũng là điểm nối quan trọng có vị trí huyết mạch giữa căn cứ địa Việt Bắc với phong trào cách mạng ở Hà Nội và toàn quốc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Phú Bình là cửa ngõ phía Nam căn cứ địa Việt Bắc, là nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội chủ lực trước khi xuống trung du, đồng bằng đi đến các chiến dịch. Phú Bình cũng là nơi trung chuyển cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết từ hậu phươngvào căn cứ kháng chiến. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Phú Bình vừa là địa bàn cơ động của bộ đội tên lửa, pháo cao xạ bảo vệ vòng ngoài Thủ đô Hà Nội và thành phố Thái Nguyên, vừa là nơi huấn luyện tân binh bổ sung cho chiến trường, là tuyến vận chuyển quân sự khi các Quốc lộ số 1 và số 3 bị không quân Mỹ đánh phá và cắt đứt.
image 20221021154653 1
Chùa Ha, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từng là kho quân lương của Sư đoàn 312 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Với vị trí quan trọng là cái nôi cách mạng, các thế hệ người dân Phú Bình đã dũng cảm kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, hăng hái góp sức cho phong trào cách mạng. Chùa làng của Phú Bình cũng không nằm ngoài những diễn biến của vận mệnh quê hương, dân tộc.Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng, là địa điểm làm nơi ở, hội họp bí mật, tuyên truyền vận động cách mạng cất giữ tài liệu, lương thực, vũ khí trong những năm kháng chiến. Tiêu biểu như:
Chùa Ca, ở làng Ca, xã Kha Sơn. Trong những năm 1939 - 1945, chùa là nơi đi lại, hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng; từ 1943 - 1945 là nơi cất giấu tài liệu của Xứ ủy Bắc Kỳ.
Chùa Pheo, ở xã Kha Sơn. Trong thời kỳ vận động Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945), chùa Pheo và đình Bằng Cầu là địa điểm liên lạc bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), chùa Pheo và đình Bằng Cầu là nơi cất giữ quân lương, quân trang, vũ khí của quân đội; là nơi đóng quân của Đoàn 81 thuộc Liên khu 3 (1947 - 1948); là trụ sở của Ty Lương thực tỉnh Bắc Giang (1949) và Văn phòng Ty Y tế tỉnh Bắc Ninh (1950 - 1952). Sau ngày hoà bình lập lại (1954), chùa và đình được dùng làm lớp bình dân học vụ.
Chùa Lũ Yên, ở xã Đào Xá. Năm 1944, đây là nơi hội họp của cán bộ Việt Minh và lực lượng tự vệ địa phương; sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa trở thành lớp bình dân học vụ, xoá nạn mù chữ diệt giặc dốt; là nơi làm việc của một số cán bộ lãnh đạo Liên khu I.
Chùa Triều Dương, ở làng Triều Dương, xã Nhã Lộng. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Triều Dương cùng với gò Sở và soi Quýt Vải là nơi các cơ quan, đơn vị bộ đội, bệnh việc đóng quân. Những năm 1947 - 1948, chùa Triều Dương là nơi đón tiếp đồng bào tản cư từ tỉnh Bắc Ninh lên.
Chùa An Mỹ, ở xóm Tân Thịnh, xã Tân Đức. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đình - chùa An Mỹ là nơi cán bộ Việt Minh mở lớp tuyên truyền chính sách của cách mạng; là một trong những điểm bầu cử Quốc hội khoá I, mở các lớp bình dân học vụ. Cũng tại đây, Sư đoàn 304 đã đóng quân, huấn luyện tân binh bổ sung cho các chiến trườngthời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chùa Úc Kỳ, ở làng Úc Kỳ, xã Úc Kỳ. Những năm 1960 - 1964, còn gọi là chùa Hồng Kỳ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), xã Úc Kỳ đã đón nhiều cán bộ của Trung ương Đảng về làm việc, trong đó có đồng chí Trần Huy Liệu - Bộ trưởng Bộ Thông tin, tuyên truyền; Giáo sư Trần Văn Giàu, Dương Bạch Mai và đồng chí Võ Văn Kiệt.
Chùa Ha, tên chữ là Bà Ha tự, được dựng từ đầu thế kỷ XVIII ở làng Lộng, xã Nhã Lộng.  Cùng với đình Lộng và Thành phủ Phú Bình, chùa Ha là nơi cất giấu vũ khí của Bộ Quốc phòng và Liên khu Việt Bắc; là nơi luyện tập quân sự của Tiểu đoàn 160. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa từng là kho quân lương của Sư đoàn 312.
Chùa Lũa, ở xã Tân Đức. Đây là một trong những nơi đặt hòm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Cuối năm 1949 - 1950, công binh xưởng 160 đã sử dụng chùa làm cơ sở sản xuất khí tài. Đến năm 1951, Trường đào tạo y tá của Khu mở tại đây để đào tạo y tá phục vụ chiến tuyến. Năm 1965, là nơi huấn luyện quân của Sư đoàn 304…
Như vậy, nhiều chùa ở Phú Bình đã ghi dấu ấn trong lịch sử, cùng với Nhân dân địa phương góp sức vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Một số chùa bị phá khi thực hiện tiêu thổ kháng chiến trong những năm chống thực dân Pháp xâm lược. Sau chiến tranh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tiến hành tôn tạo, phục dựng lại nhiều hạng mục chùa trên nền đất cũ để có nơi thờ Phật, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trong vùng./.
                                                 Kiều Hoa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập99
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay20,498
  • Tháng hiện tại170,206
  • Tổng lượt truy cập21,795,645
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây