Phú Lương: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 27/02/2024 19:18 0
 Trong những năm qua, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phú Lương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Huyện có diện tích tự nhiên 349,8km2 dân số trên 104 nghìn người với 8 dân tộc anh em cùng sinh sống  (Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu…). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 06 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Múa tắc xình, Hát Sấng Cọ, lễ hội cầu mùa của người Sán Chay, lễ hội Đền Đuổm, trình diễn khèn Mông, hát Pả Dung của người Dao; 05 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, gồm: Đền Đuổm, Di tích nơi tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, địa điểm kỷ niệm Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN, địa điểm thành lập Đại đoàn quân tiên phong đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam...;19 di tích cấp tỉnh và 94 di tích chưa xếp hạng.
Trong những năm qua, huyện Phú Lương đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
image 20240228071809 1
Trình diễn múa Tắc Xình trong Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chay tại sân đình Đồng Tâm, xã Tức Tranh
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện quyết liệt, bài bản đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2021 - 2023, huyện đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 08 di tích, riêng năm 2023 đã có 02 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh: Đình Cúc Lùng xã Phú Đô và Đình Làng Mới xã Hợp Thành. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay trên địa bàn huyện có 04 lễ hội và 70 hội làng được tổ chức thường niên; duy trì hiệu quả các nghi lễ truyền thống tại các lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Đền Đuổm; qua đó, từng bước nâng cao vai trò và phát huy trách nhiệm của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương trong việc chủ trì và thực hành nghi lễ; góp phần giáo dục truyền thống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương. Thành lập 13 Ban quản lý di tích các xã, thị trấn và Ban Quản lý quần thể di tích lịch sử quốc gia Đền Đuổm; 100% Ban quản lý di tích của xã, thị trấn là những người có uy tín, am hiểu về di tích.
image 20240228071809 2
Nghi lễ xin đất tại Lễ hội Đền Đuổm. Ảnh: Báo Thái Nguyên
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong huyện luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa truyền thống, giá trị, ý nghĩa tinh thần của các di sản; thực hiện số hóa di tích Đền Đuổm. Năm 2023, huyện đã đưa 04 đoàn nghệ nhân tham gia quảng bá nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số huyện Phú Lương tại các TP. Cần Thơ, TP. Hà Nội và tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam; tổ chức các hội thi và xây dựng video clip tuyên truyền giới thiệu về di sản văn hóa trên địa bàn; xây dựng chuyên mục giới thiệu lịch sử văn hóa trên Bản tin tuyên truyền nội bộ. Thành lập các Câu lạc bộ Múa Tắc Xình trong cộng đồng người Sán Chay và toàn huyện để phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tổ chức cho các nghệ nhân Sán Chay biểu diễn múa Tắc Xình trên phố đi bộ Hà Nội, thu hút nhiều du khách đến xem và cổ vũ. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo tổ chức truyền dạy múa Tắc Xình cho giáo viên và học sinh tại 100% các trường học trên địa bàn.
Công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá từng bước được chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, huyện đã huy động và thực hiện đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi 06 di tích gồm: Đình Kẻm xã Yên Đổ; Đền Khuân xã Động Đạt; Đình làng Pháng xã Phú Đô; địa điểm thành lập Chính quyền cách mạng huyện Phú Lương với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích. Nhiều di tích đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn như: Đền Đuổm (xã Động Đạt), Đền Trình, Đền Quan núi Đá Xô (thị trấn Giang Tiên), Đền Khuân (xã Động Đạt), góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp quan trọng cho ngân sách của địa phương.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn huyện đã trở trở thành nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến cuối năm 2023, toàn huyện đã có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 37 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (hoàn thành sớm hơn 02 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết).
Thời gian tới, huyện Phú Lương sẽ tập trung huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2025”, góp phần  khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.
Kim Dung


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay43,871
  • Tháng hiện tại1,103,462
  • Tổng lượt truy cập25,700,215
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây