Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Nơi lưu giữ bản sắc văn hóa cộng đồng người Việt

Thứ ba - 09/05/2023 22:33 0
Nằm tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc quy mô, tầm cỡ mang tính nghệ thuật và đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006.
Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, có vị thế chiến lược quan trọng; là “Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn” trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng nổi tiếng; một trong số đó là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Nằm tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc quy mô, tầm cỡ mang tính nghệ thuật và đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006. Cùng với Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến với Thái Nguyên; địa chỉ trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu truyền thống, văn hóa các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc của học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh.
image 20230510092951 1
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại trung tâm thành phố Thái Nguyên
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được thành lập từ năm 1960 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Việt Bắc. Năm 1990 đổi tên thành Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng có diện tích gần 40.000 m2, với hai khu vực trưng bày trong nhà và ngoài trời tái hiện chân thực nhiều nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của các dân tộc Việt Nam; được ví như bức tranh thu nhỏ về lịch sử, văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam anh em.
image 20230510092951 2
Không gian tái hiện chợ phiên vùng cao tại khu trưng bày bên trong nhà của Bảo tàng
Hệ thống trưng bày bên trong nhà của Bảo tàng là nơi lưu giữ gần 50.000 đơn vị tài liệu, hiện vật gốc quý hiếm về văn hóa và bản sắc của 54 dân tộc gắn với cảnh quan môi sinh từng vùng cư trú, có 05 phòng trưng bày gồm: các tộc người nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, các tộc người nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, văn hóa các tộc người thuộc 3 nhóm ngôn ngữ H'mông - Dao, văn hóa 21 tộc người nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer và văn hóa các tộc người nhóm ngôn ngữ Nam Đảo.
Mỗi phòng trưng bày với hệ thống tài liệu và hiện vật phong phú, đa đạng đã tái hiện một cách chân thực cảnh quan cư trú, nét văn hoá và đời sống của 54 dân tộc Việt Nam với những hình ảnh gần gũi như: phiên chợ vùng cao, hình ảnh chọc lỗ bỏ hạt của người dân tộc phía Bắc, lễ hội cồng chiêng của người Ê đê, Ba na ở Tây nguyên; các nghề thủ công truyền thống, các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, lễ hội, lao động sản xuất …
Điểm nhấn đặc biệt của Bảo tàng là hệ thống trưng bày ngoài trời với không gian 6 vùng văn hoá gồm: vùng núi cao phía Bắc, vùng Thung lũng, vùng Trung du - Bắc Bộ, vùng miền Trung - Ven biển, vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, vùng Đồng bằng Nam Bộ. Mỗi khu trưng bày vùng văn hoá có nhiều hiện vật cùng không gian tổ chức lễ hội, cấu trúc cảnh quan… được phục dựng nguyên gốc.
image 20230510092951 3
Vùng văn hóa núi cao phía Bắc
Với vị trí thuận lợi và không gian đặc sắc, Bảo tàng là nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội, nghệ thuật có quy mô lớn của tỉnh Thái Nguyên cũng như cả nước. Hằng năm, Bảo tàng thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan và các nhà nghiên cứu lịch sử đến tìm hiểu. Chỉ tính riêng trong năm 2022, Bảo tàng đã đón trên 60 nghìn lượt khách tham quan; trong đó có hơn 300 đoàn khách trong nước và 18 đoàn khách nước ngoài.
image 20230510092951 4
Thầy và trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú Thái Nguyên tham quan Bảo tàng
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S. Thông qua các hoạt động tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về văn hoá của các dân tộc Việt Nam, qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào và trân trọng truyền thống lịch sử quý báu của dân tộc; góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay./.
Sóng Biển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay37,121
  • Tháng hiện tại1,277,466
  • Tổng lượt truy cập13,698,965
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây