Nâng tầm giá trị sản phẩm Trà Thái Nguyên lên thành văn hóa Trà, xứng tầm quốc gia

Thứ ba - 12/11/2024 19:26 0
Với diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”. Cây chè mang lại thu nhập, giá trị vượt trội so với các loại cây trồng khác và đây được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. Nhằm phát huy giá trị cây chè và sản phẩm trà, góp phần nâng tầm thương hiệu “Trà Thái Nguyên” trở thành nét văn hoá trà đặc sắc vươn tầm quốc tế, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao giá trị, thương hiệu nghề trồng, chế biến trà phát triển nhanh, bền vững.
 
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm HTX Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (tháng 01/2023)
Cây chè Thái Nguyên: Hương vị từ đồi núi, tình yêu đất trời
Cây chè đã có mặt tại Việt Nam từ lâu đời, nhưng việc trồng chè tại Thái Nguyên chỉ thực sự phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Người dân địa phương bắt đầu nhận thấy tiềm năng của đất đai và khí hậu nơi đây rất phù hợp để trồng chè. Vào thời kỳ này, các giống chè đầu tiên được trồng chủ yếu là giống chè ta, có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc.
Những năm 1920 - 1930, cây chè Thái Nguyên bắt đầu được chú ý nhiều hơn nhờ chất lượng vượt trội của lá chè, tạo nên những sản phẩm trà thơm ngon. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người Pháp bắt đầu thành lập các đồn điền chè và phát triển ngành công nghiệp chè tại đây. Họ mang đến những giống chè mới, kỹ thuật trồng và chế biến hiện đại hơn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chè.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngành chè ở Thái Nguyên tiếp tục phát triển trong nền kinh tế tập trung bao cấp, sau đó là thời kỳ đổi mới. Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất chè, mở rộng diện tích trồng chè và phát triển các hợp tác xã chè. Các giống chè mới như chè cành, chè shan tuyết cũng được đưa vào trồng thử nghiệm và nhanh chóng phổ biến. Chè Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông sản mà còn là một biểu tượng văn hóa, được biết đến trong và ngoài nước. Cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế to lớn cây chè còn mang những nét văn hóa truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương.
Để chè trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, tỉnh đã quan tâm quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, tăng cường quảng bá thương hiệu; đồng thời tạo hành lang khuyến khích, bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm chè. Từ đó xây dựng sản phẩm, thương hiệu “Chè Thái Nguyên” có uy tín trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Cây trồng chủ lực, thế mạnh
Đồng hành cùng chúng tôi thăm vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên vào một buổi chiều thu xanh mát, bà Đào Thanh Hảo (xóm Nam Đồng, xã Tân Cương) - Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt chia sẻ, Tân Cương là vùng đất bán sơn địa có độ dốc vừa phải, với điều kiện tự nhiên đặc trưng về khí hậu và thổ nhưỡng do thiên nhiên ban tặng. Tận dụng lợi thế đó, người dân đã đưa cây chè về trồng từ những năm 20 của thế kỷ 20, tạo nên những đồi chè xanh mướt, thoai thoải hình bát úp đẹp mắt.
Bà Hảo tiếp lời, sinh ra và lớn lên ở vùng đất trồng chè nổi tiếng Tân Cương, nhiều thế hệ trong gia đình gắn bó với cây chè, phát huy lợi thế vùng đất nơi đây, năm 2016, bà Hảo đã thành lập tổ hợp tác, sau đó phát triển thành HTX Chè Hảo Đạt. Từ 8 thành viên với quy mô vùng nguyên liệu 52.000 m2 những ngày đầu thành lập, đến nay, HTX đã có gần 60 thành viên; tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu hàng năm của HTX tăng trưởng đều đặn, năm 2023 đạt doanh 23 tỷ đồng…  Trải qua quá trình nỗ lực phát triển, đến nay HTX không chỉ là đơn vị chế biến chè chất lượng hàng đầu Thái Nguyên mà còn là một điểm đến hấp dẫn về du lịch cộng đồng.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 2 điểm du lịch cộng đồng sinh thái
gắn với văn hóa chè
 Vùng chè đặc sản Tân Cương gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà của thành phố Thái Nguyên với tổng diện tích vùng chè hơn 1.400ha, năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 20.300 tấn, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận Bảo hộ Chỉ dẫn Địa lý Chè Tân Cương. Cùng với việc sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, người dân nơi đây đã mở rộng dịch vụ, phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, từ đó quảng bá các sản phẩm, nâng cao thu nhập.
Anh Lê Trung Kiên, đến từ Hà Nội cho biết “Đã nhiều lần tôi đến với vùng chè Tân Cương. Việc kết hợp phát triển du lịch cộng đồng với các trải nghiệm thú vị về văn hóa chè là mô hình nông nghiệp sinh thái độc đáo, giúp du khách vừa tham quan học tập, vừa thư giãn. Đến tham quan và trải nghiệm tại đây, tạo cho tôi cảm giác hết sức thư thái”.  
Thái Nguyên hiện có khoảng trên 23 nghìn ha diện tích trồng chè. Ngoài vùng chè Tân Cương, Thái Nguyên còn có những vùng chè đặc sản khác: Vùng chè La Bằng (Đại Từ); vùng chè Trại Cài (Đồng Hỷ); vùng chè Khe Cốc (Phú Lương) và Nông trường Chè Sông Cầu (Đồng Hỷ); tổng thu từ chè của Thái Nguyên năm 2023 đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng và thời gian tới, tỉnh đang phấn đấu doanh thu từ chè đạt trên 23 nghìn tỷ đồng.
Theo Đề án Phát triển Du lịch Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xây dựng ít nhất 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa chè, du lịch về nguồn. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận 6 điểm du lịch cộng đồng, trong đó có 2 điểm du lịch cộng đồng sinh thái gắn với văn hóa chè, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần quảng bá thương hiệu Chè Thái Nguyên nói riêng và các sản phẩm nông sản địa phương nói chung, đem lại thu nhập cao, bền vững cho người dân nông thôn.
Nâng tầm thương hiệu Trà Thái Nguyên lên thành văn hóa Trà
Sau 3 lần tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Festival Trà; mới đây nhất, Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể quốc gia. Và đặc biệt, về giá trị phi vật thể, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên.
Mới đây, trong buổi tiếp và làm việc với nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng cùng các văn nghệ sĩ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, văn hoá trà; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Thái Nguyên tiếp tục hoạch định các chủ trương, chiến lược lớn, phát huy giá trị cây chè và sản phẩm trà, đưa thương hiệu “Trà Thái Nguyên” vươn xa hơn nữa trên thị trường trong nước và quốc tế. Sau 3 lần tổ chức Festival trà, dự kiến cuối năm 2025, Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội trà với quy mô lớn chào mừng đại hội đảng bộ các cấp… Từ đây, thương hiệu Trà Thái Nguyên, giá trị cây chè cũng như sản phẩm trà của Thái Nguyên đã ở vị thế mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng tiếp và làm việc với nghệ nhân Hoàng Anh Sướng và các văn nghệ sĩ, doanh nghiệp
Nhằm tiếp tục nâng cao vị thế thương hiệu và giá trị cây chè cũng như sản phẩm trà của Thái Nguyên, cũng tại chương trình làm việc này, sáng kiến, giải pháp hợp tác xây dựng, củng cố nghệ thuật trà Thái Nguyên trở thành nét văn hoá trà đặc sắc được xem là một trong những hướng đi bền vững, đem lại hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân làm chè.
Thái Nguyên là một trong những vùng trà độc nhất Việt Nam và những người yêu trà Việt Nam đều biết đến trà Thái Nguyên. Chính vì thế lần này đến với Thái Nguyên, nghệ nhân sẽ hợp tác cùng với HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công và UBND tỉnh Thái Nguyên kết hợp tổ chức những buổi tập huấn, chia sẻ với những người làm trà ở Thái Nguyên về văn hóa trà Việt Nam, về vẻ đẹp của nghệ thuật thưởng trà Việt Nam” - Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng chia sẻ.  
Nghệ nhân Hoàng Anh Sướng tập huấn nâng cao kiến thức về văn hóa trà cho gần 100 đại biểu của tỉnh Thái Nguyên
Lộ trình “Nâng tầm thương hiệu trà Thái Nguyên lên thành văn hóa trà” đã được khởi động bằng lớp tập huấn nâng cao kiến thức về văn hóa trà; trao đổi phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên giữa nghệ nhân Hoàng Anh Sướng với gần 100 đại biểu là người sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, hội viên Hội Chè Thái Nguyên, các hợp tác xã, làng nghề chè trên địa bàn tỉnh.
Được biết, tỉnh Thái Nguyên xác định hướng đến mục tiêu đầu tư phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX chè trong tỉnh được tham gia giao thương, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè. Tăng cường hướng dẫn các thủ tục về sở hữu trí tuệ; thực hiện nội dung hỗ trợ tạo dựng thương hiệu sản phẩm chè.
Việc xây dựng, phát triển chè Thái Nguyên thành thương hiệu quốc gia sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị để đa dạng hóa các sản phẩm chè, từ đó đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu của mỗi nước.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó đặc biệt quan tâm việc đẩy mạnh nâng tầm thương hiệu Trà Thái Nguyên lên thành văn hóa Trà, sẽ tạo nên sự khác biệt và góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trà; thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu vùng đất, con người, lịch sử của Thái Nguyên.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm210
  • Hôm nay31,232
  • Tháng hiện tại1,443,322
  • Tổng lượt truy cập27,689,972
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây