Danh lam thắng cảnh quốc gia Hang Chùa cần sớm được trùng tu, tôn tạo

Thứ tư - 25/05/2022 05:52 0
Mặc dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia tại Quyết định số 3082/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020, song đến nay, Hang Chùa thuộc xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang trong tình trạng hoang sơ, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giữ gìn, phát huy giá trị vẻ đẹp của tự nhiên gắn với du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hang Chùa là hang đá tự nhiên, nằm cao hơn chân núi khoảng 200m, đường lên hang không dễ, có dây leo chẳng chịt. Đứng ở cửa hang nhìn về hướng Bắc là dòng sông Cầu. Cửa hang hình vòm, cao khoảng 4m, rộng 7m - 9m quay hướng Bắc - Đông Bắc. Trần hang không quá cao, nhiều nhũ đá phủ. Hang có diện tích lớn, nền hang hiện nay không còn nguyên vẹn, bị xáo trộn nhiều do hoạt động của con người. Cửa hang dạng hàm ếch, ngay cửa có hòn đá to giống như con voi phủ phục.
image 20220525165326 1
Cửa vào Hang Chùa tại xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Hang được chia thành 3 ngăn, được nhân dân ví như một ngôi chùa thiên tạo trong hang. Mỗi ngăn Hang Chùa rộng rãi có thể chứa đến ngàn người, trong hang nhiệt độ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Ngăn 1 rộng và sâu, đáy là dòng suối ngầm chảy trong hang hun hút dài vô tận, đi vài ngày mới hết, thông sang tận đất thuộc huyện Phú Lương. Trong hang có chỗ bằng phẳng trông như được trải một lớp đá cuội, có nhiều chỗ mang dấu vết sinh sống của người xưa, tận dụng vật tự nhiên làm thành giếng nước, chỗ ngồi,... có nhiều ngách hoang sơ. Vòm hang là cả một khối nhũ đá khổng lồ chạy dài như bức màn vây rủ xuống lòng hang đẹp đến sửng sốt. Ngăn 2 đi sâu từ ngoài vào trong khoảng 200m bắt gặp nhiều cây nhũ đá khổng lồ, tạo ra các cảnh vật phong phú như một cổng Tam quan trước khi vào chùa, có các loại cây được tạo bởi nhũ đá giống như cọ, cây dừa... có cây cao trên 15m, chu vi thân từ 2m - 3m. Nhân dân địa phương ví đây là các cây cổ thụ trước một “ngôi chùa trong Hang”, có nhiều cây đứng song song thành cặp; ngoài ra, còn có nhiều khối đá giống như bàn thờ, bát hương, hình ghế ngồi và vô số hình thù khác nhau tùy theo tưởng tượng. Ngăn 3 là tầng cao nhất từ dưới nhìn lên, cao và rộng, phải dùng đèn chiếu sáng mới có thể quan sát kỹ được không gian cảnh vật trong hang. Nhân dân ví cả hang là một ngôi chùa thì đây là các bàn thờ Phật. Trên vách hang cao có tượng Vọng phu, Đường Tăng đi lấy kinh, Phật Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca, hình voi chầu, hổ phục, rồng bay, kỳ lân múa... Đặc biệt, có loại giống như Buồng Tiên nữ, hay hình tượng của Lin Ga và Yoni - sinh thực khí tượng trưng...
Vẻ đẹp là vậy nhưng hiện nay đường đi lên Hang Chùa chưa được xây dựng, địa phương đã thành lập Ban Quan lý di tích Hang Chùa, tuy nhiên kinh phí hỗ trợ cho Ban hoạt động chưa có nên rất khó khăn trong việc duy trì và trông coi, quản lý. Du khách muốn đến tìm hiểu, tham quan phải tự tạo nối, mở đường và neo trên vách núi đá mới đến được. Khi chúng tôi vào đến hang thấy có một số vỏ chai lọ, túi bóng của du khách trước đó; nền hang hiện nay không còn nguyên vẹn, bị xáo trộn nhiều do hoạt động của con người; nhiều nhũ đá phủ có dấu hiệu đập phá. Đây là một điều rất đáng tiếc cho một Danh lam thắng cảnh quốc gia của địa phương Thái Nguyên. Anh Lưu Bích Trường, Trưởng xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, người dẫn và mở đường cho chúng tôi lên Hang Chùa cho biết: “Tôi sinh ra lớn lên ở đây đã được các cụ kể rất nhiều về Hang Chùa. Hang Chùa rất đẹp và kỳ thú nhưng hiện nay đã bị xuống cấp một phần do tác động của con người, đặc biệt là các đoàn phượt ở nhiều nơi đến khám phá và ở lại Hang Chùa... nên nhiều điểm trong hang đã không còn vẻ đẹp nguyên sơ nữa”.
Hang Chùa không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan mà còn có ý nghĩa về lịch sử, tương truyền, đây là nơi luyện tập, trú ẩn dân binh thời Dương Tự Minh - Thủ lĩnh áo chàm của các dân tộc Thái Nguyên chống giặc phương Bắc. Cách Hang Chùa 1km về phía Tây, còn có thắng cảnh Suối Tiên là một cảnh đẹp của địa phương, nước trong mát, có dòng nước đổ từ trên cao xuống bọt tung trắng xóa như dải lụa bạc thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch. Nằm bao quanh Hang Chùa còn có một số điểm tham quan như Bản Tèn - nơi đồng bào dân tộc Mông còn bảo tồn bản sắc văn hóa, nơi thực nghiệm dự án trồng cây hoa Tam giác mạch, kết hợp thành tuyến tham quan du lịch: Từ đền Hích, làng Nhà sàn Tân Đô (xã Hòa Bình) qua Hang Chùa, Suối Tiên và vùng hoa tam giác mạch Bản Tèn (xã Văn Lăng) đến Khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa (huyện Võ Nhai). Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Việc Hang Chùa được công nhận xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia sẽ là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các điểm du lịch sinh thái, hang động, văn hoá tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Văn Lăng rất mong được sự quan tâm của các cấp, các ngành để Danh lam thắng cảnh Hang Chùa sớm được trùng tu, tôn tạo và khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân”./.
                                                                                                   Kiều Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập232
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm223
  • Hôm nay43,222
  • Tháng hiện tại1,102,813
  • Tổng lượt truy cập25,699,566
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây