Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác phòng, chống lũ trên tuyến đê Chã, đoạn qua địa bàn phường Đông Cao, TP. Phổ Yên. |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng Đoàn công tác đến kiểm tra việc phòng, chống lũ trên tuyến đê Chã, đoạn qua địa bàn TP. Phổ Yên. Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo TP. Phổ Yên, trước tình hình nước lũ sông Cầu dâng cao trong những ngày gần đây, thành phố đã kịp thời sơ tán người dân và tài sản trong vùng bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đến nay, gần 500 hộ ở các phường: Tân Phú, Đông Cao và Tiên Phong đã được di dời. Trong quá trình di dời, các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm khẩn trương, nghiêm túc, an toàn về người và tài sản của nhân dân.
Các địa phương đã bố trí nhiều khu vực (nhà văn hóa, trường học, chùa...) bảo đảm các điều kiện để phục vụ việc di dời người dân. Hiện nay, các phường cũng đã phối hợp bố trí lực lượng tổ chức tiếp tế nước uống, đồ ăn và các nhu yếu phẩm khác cho những người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ….
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang sơ tán tại chùa Tây Phúc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên). |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà động viên người dân đang sơ tán tại chùa Tây Phúc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên). |
Đến thăm, động viên và tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang sơ tán tại chùa Tây Phúc, phường Tân Phú (TP. Phổ Yên), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chia sẻ với những khó khăn, mất mát về tài sản của nhân dân địa phương, mong bà con sớm vượt qua để ổn định cuộc sống. Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó thiên tai và rà soát kỹ, chủ động sơ tán, di dời dân cư khỏi khu vực mất an toàn, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Các cơ quan chức năng cần kịp thời tiếp tế đủ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch cho người dân trong vùng bị ngập lụt.
Nước lũ trên sông Cầu đoạn qua Trạm thủy văn Chã, TP. Phổ Yên, sáng 10/9. |
Kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại đập Thác Huống (đập Ba Đa, TP. Thái Nguyên), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều và bảo vệ an toàn tuyệt đối về người, tài sản cho nhân dân. Ngay sau khi nước rút, địa phương cần huy động lực lượng, nhanh chóng làm sạch môi trường, hỗ trợ nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng thăm hỏi, động viên các hộ dân sinh sống gần chân đập Thác Huống (đập Ba Đa, TP. Thái Nguyên). |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên. |
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tại xã Đồng Liên, TP. Thái Nguyên. |
Xúc động khi Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm, động viên, người dân sinh sống gần chân đập đập Thác Huống bày tỏ sự cảm ơn Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, chăm lo đời sống và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng lũ lụt.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc động viên, tặng quà lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tại phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên). |
Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tại khu vực phường Quang Vinh (TP. Thái Nguyên), Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực ban đầu của địa phương, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã kịp thời triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung cao độ nhân lực, phương tiện để di dời người dân đến nơi an toàn; quan tâm chăm lo, hỗ trợ sinh kế cho các hộ bị thiệt hại...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi làm việc. |
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về công tác ứng phó lụt bão, thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng báo cáo tình hình thiên tai và công tác ứng phó của tỉnh Thái Nguyên. |
Báo cáo về tình hình thiên tai trên địa bàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng cho biết: Đây là trận lụt lịch sử tại Thái Nguyên. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Thái Nguyên đã tập trung cả hệ thống chính trị để ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Toàn tỉnh đã huy động trên 1.000 cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương, cùng phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết để tiến hành gia cố các vị trí đê xung yếu tại TP. Thái Nguyên, kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu và khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện nay, tỉnh đang tích cực tổ chức ứng trực, triển khai các biện pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và hệ thống đê điều, hồ đập.
Để đảm bảo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, xem xét hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024; đồng thời hỗ trợ tỉnh đầu tư, nâng cấp tuyến đê hữu sông Cầu, đoạn qua TP. Thái Nguyên để xử lý dứt điểm trình trạng ngập lụt trong tương lai.
Lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu tại buổi làm việc. |
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc biểu dương tỉnh Thái Nguyên đã chủ động trong công tác phòng, chống bão số 3 và mưa lũ sau bão với kế hoạch thống nhất, nhịp nhàng. Do đó, mặc dù đối mặt với trận lụt lịch sử nhưng thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản, công tác bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống cho người dân được thực hiện tốt.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ ứng phó sau mưa bão là vấn đề không thể chủ quan vì từ giờ đến cuối năm dự báo còn nhiều cơn bão nữa. Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện tốt công tác xử lý thông tin trên mạng xã hội, chủ động cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác các thông tin không chính xác về tình hình thiên tai để nhân dân yên tâm.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa lũ để chủ động ứng phó; không được chủ quan khi nước rút và phải có kế hoạch khắc phục ngay những nơi ngập sâu, không để xảy ra dịch bệnh sau ngập lụt… Bên cạnh đó là cần khắc phục sớm nhất có thể những thiệt hại về hạ tầng, như: Đường giao thông, điện, thông tin, giáo dục, y tế... để sớm đưa học sinh đến trường và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh quan tâm đến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp. Không để mưa lũ làm gián đoạn quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh làm tờ trình gửi Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến ngày 10-9, toàn tỉnh có trên 5.000 hộ phải di dời đến nơi an toàn; trên 200 ngôi nhà bị tốc mái; 44 điểm trường bị ngập, tốc mái; trên 3.000ha lúa và hoa màu bị đổ, ngập; nhiều trang trại bị ngập, thiệt hại; 31 điểm bị sạt lở… Ước sơ bộ tổng giá trị tài sản thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, do tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp nên các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại. |
Ý kiến bạn đọc