Thái Nguyên: Nhịp sống đã trở lại bình thường sau những ngày mưa lũ

Chủ nhật - 15/09/2024 05:13 0
Mưa lũ những ngày vừa qua đã gây hậu quả nặng nề đối với nhiều địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Và trong những lúc khó khăn, hoạn nạn nhất chúng ta vẫn chứng kiến tinh thần “vượt lên trên bão”, cùng sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trương ương; đặc biệt là truyền thống đoàn kết, đồng lòng, tương thân tương ái của của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tất cả đã tạo động lực mạnh mẽ để Thái Nguyên vững vàng vượt qua trận lũ lịch sử này.
image 20240915161003 1
Thành phố Thái Nguyên đã trở lại bình thường sau mưa lũ (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Đêm 08/9/2024 thực sự là một đêm không ngủ với Thái Nguyên. Tình trạng ngập sâu ở nhiều khu vực. Đặc biệt, thành phố Thái Nguyên và nhiều xã, phường bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều xóm và tổ dân phố bị chia cắt, cô lập. Đây là trận lũ lịch sử, sau 65 năm mới lập lại kể từ trận lũ năm 1959.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thái Nguyên thăm hỏi, động viên
người dân bị ảnh hưởng mưa lũ tại huyện Phú Bình (ngày 12/9)
Chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, bám sát chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành 12 văn bản liên tiếp chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão, mưa lũ, sạt lở; thành lập các đoàn do các các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó. Tỉnh cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ chỉ đạo của tỉnh, tổ chức ứng trực 24/24 giờ để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp. Tại điểm tập kết thiết bị cứu hộ, cứu nạn, các chiến sĩ công an, bộ đội và lực lượng cứu hộ đều căng mình trong mưa lũ hỗ trợ người dân gặp nạn.
Chỉ huy công tác cứu trợ tại hiện trường, Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Trưởng Công an thành phố Thái Nguyên cho biết: “Chúng tôi ưu tiên di chuyển người già, trẻ em, phụ nữ, và những người ở thấp tầng. Đồng thời khuyến cáo và động viên Nhân dân ở nhà cao tầng, để lực lượng chức năng tiến hành di chuyển sau, đồng thời cung cấp đồ ăn, nhu yếu phẩm thiết yếu”.
Lực lượng công an cứu trợ người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ
Trong mưa lũ, tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng phát huy mạnh mẽ. Các lực lượng cứu hộ, nhất là công an, quân đội, dân quân tự vệ và cả những người dân tình nguyện tham gia góp sức đã ngày đêm dầm mình trong mưa lũ, xông pha nơi nguy hiểm để đưa người dân đến nơi an toàn, vận chuyển thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho những gia đình bị cô lập… Những chuyến hàng nghĩa tình vận chuyển xuồng, áo phao, lương thực hối hả từ khắp mọi miền đất nước hướng về Thái Nguyên, chung tay chia sẻ với bà con vùng lũ, các hoạt động thiện nguyện diễn ra ở khắp ngả đường, ngõ phố.
Bà con tổ 7, phường Quang Vinh được anh Trần Đại Cương cứu trợ, di dời đến nơi an toàn ngay trong đêm 09/9
Anh Trần Đại Cương (sinh năm 2000), ở xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn, thành phố Sông Công cùng các anh em trong HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè đã huy động toàn bộ thuyền, xuồng máy, ca nô của HTX để cứu trợ người dân vùng tâm lũ của tỉnh Thái Nguyên. Với sự dũng cảm, hơn 3 ngày đêm ngâm mình trong mưa lũ, anh Cương và “đồng đội” đã giúp đỡ di dời hàng nghìn người dân, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ cùng tài sản khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm. Anh chia sẻ “Chúng em không phải người hùng, chỉ là những người dân đất Việt. Bà con gặp nạn, hai tiếng Đồng bào thiêng liêng đã tạo động lực thôi thúc chúng em lên đường. May mắn, chúng em đều được đào tạo lái xuồng máy, ca nô để phục vụ du khách tham quan khu du lịch hồ Ghềnh Chè, nên khi vào các điểm bị cô lập, vùng “rốn lũ”, chúng em vẫn hỗ trợ đưa người dân di dời đến nơi an toàn”.
Đoàn thiện nguyện của anh Hoàng Trường Giang cùng các mạnh thường quân tập kết nhu yếu phẩm,
hỗ trợ bà con thành phố Thái Nguyên (đêm ngày 09/9)
Cùng chia sẻ với anh Cương, anh Hoàng Trường Giang, đại diện Đoàn thiện nguyện Hà Nội cùng mạnh thường quân các tỉnh, thành cảm động chia sẻ “Khi trực tiếp chứng kiến cảnh bà con Thái Nguyên (quê hương tôi) bị mất trắng nhà cửa, của cải, thậm chí mất cả người thân, bản thân tôi và các mạnh thường quân thấy rất đau xót và thương tâm, đồng cảm. Đó là điều khiến tôi và các mạnh thường quân mong muốn lan toả yêu thương, nối dài hành trình thiện nguyện, vận động và kêu gọi từ thiện, góp một phần công sức nhỏ bé để trợ giúp cho bà con về các nhu yếu phẩm, vật tư y tế hay những đồ dùng thiết yếu có thể sử dụng, khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống”. Được biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, Đoàn thiện nguyện của Anh Giang đã hỗ trợ bà con Thái Nguyên gần 200 thùng nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 100 triệu đồng; hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn gần gần 800 thùng nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng trị giá 210 triệu đồng; hỗ trợ tỉnh Lào Cai hơn 400 thùng nhu yếu phẩm, gần 3000 bộ quần áo mới và tiền mặt, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng…
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh (ngoài cùng bên phải)
cùng Đoàn công tác của Trung ương thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng sau lũ
Có thể thấy, ngay sau khi nước rút, với tinh thần “vượt lên sau bão”, công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo đời sống người dân tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên khẩn trương thực hiện. Sau khi đi thị sát các điểm ngập lụt trên địa bàn, để khắc phục những thiệt hại sau bão, với tinh thần đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng quán triệt phải đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; đồng chí đã chỉ đạo tất cả các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng công an, quân đội và Nhân dân cùng tổng lực ra quân khắc phục ngay hậu quả mưa lũ. Trong đó tập trung thực hiện tốt 3 nhiệm vụ, đó là đảm bảo nhu yếu phẩm, cung cấp nước sạch và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng các khu vực dân cư, trường học đảm bảo sức khỏe cho Nhân dân.
Lực lượng quân đội, công an hỗ trợ trường Tiểu học Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau mưa lũ
Theo đó, hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và lực lượng xung kích địa phương cùng các tầng lớp nhân dân đã cùng vào cuộc tích cực hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống; đặc biệt tập trung khắc phục các sự cố sạt lở ảnh hưởng đến giao thông; khôi phục hệ thống điện, nước, viễn thông, cơ sở y tế, trường học; vận hành, điều tiết các hồ chứa đảm bảo an toàn...
8 ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua và 7 ngày sau khoảng thời gian gồng mình chống chọi trận lụt lịch sử, nhịp sống thường nhật đã hồi sinh trở lại. Với tâm thế của một tỉnh trung tâm vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên mang sẵn trong mình tiềm lực và sức sống mạnh mẽ để từ đó nhanh chóng phục hồi, tiếp tục hiện thực hóa những mục tiêu phát triển quan trọng của năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập270
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay54,324
  • Tháng hiện tại1,519,286
  • Tổng lượt truy cập27,765,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây