Bảo tồn và phát  huy giá trị Di tích lịch sử Đền thờ Đội Cấn

Thứ bảy - 20/01/2024 10:00 0
Thành phố Thái Nguyên là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên. Trên địa bàn thành phố hiện có 116 di tích, trong đó có 06 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 22 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và UBND thành phố Thái Nguyên, các khu, điểm di tích trên địa bàn từng bước được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích; là nơi để Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương tưởng niệm. Tiêu biểu trong số đó có Di tích lịch sử Đền thờ Đội Cấn.
Đội Cấn và Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917
Đội Cấn, tức Trịnh Văn Cấn, tên khai sinh là Trịnh Văn Đạt, sinh năm 1881, mất năm 1918; quê ở làng Yên Nhiên, tục gọi làng Nhàn tổng Thượng Nhung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là thôn Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Cha là Trịnh Văn Đoan - Một người hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp từ năm 1885. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, Trịnh Văn Cấn đã chịu ảnh hưởng thời cuộc và hình thành lòng yêu nước, căm thù giặc.
image 20240120220021 1
Cổng Trại lính khố xanh tỉnh Thái Nguyên, nơi diễn ra Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.
Ảnh: Tư liệu
Ông bị bắt đi lính khố xanh từ hồi còn rất trẻ; thời gian đồn trú tại Thái Nguyên, ông buộc phải cầm súng đi đàn áp nghĩa quân Yên Thế. Khi chuyển về đóng quân tại tỉnh lỵ Thái Nguyên, ông giữ chức Đội trưởng đội lính khố xanh; từ đó ông được gọi là Đội Cấn, hay còn gọi là viên đội Nhất mang “số lính 71”.
Trước khi Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra, trong trại giam ở tỉnh lỵ có 211 tù nhân, phần lớn là chiến sĩ của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Thế... Đặc biệt, tại nhà tù Thái Nguyên, thực dân Pháp đang giam giữ nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến, Ủy viên Quân vụ của Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu đứng đầu.
image 20240120220021 2
Đội Cấn (bên trái) và Lương Ngọc Quyến (bên phải), hai thủ lĩnh của Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên.
Ảnh: Tư liệu
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, Trịnh Văn Cấn đã tập hợp quanh mình tất cả những binh lính được giác ngộ, liên hệ với các tù chính trị trong nhà lao chuẩn bị hành động. Mối liên hệ giữa những người tù chính trị, tiêu biểu là Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn và binh lính yêu nước dần dần hình thành và được thiết lập bền chặt. Hai con người chí lớn gặp nhau, bí mật bàn bạc thống nhất để đi đến quyết định khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra đêm 30 rạng sáng ngày 31/8/1917.
Ngay trong đêm, Đội Cấn đã phát đi lời hịch kêu gọi binh lính, Nhân dân Thái Nguyên tham gia khởi nghĩa giết giặc Pháp. Trong lời kêu gọi của nghĩa quân truyền đi bằng loa có đoạn “Chúng ta hãy mong chóng lợi dụng cơ hội ngàn năm có một, cơ hội thật hiếm này để rửa nhục, để trả thù…”.
Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương và làm chấn động dư luận Pháp và thế giới. Cuộc khởi nghĩa mặc dù thất bại nhưng đã viết thêm một trang sử oanh liệt chống thực dân Pháp của Nhân dân Thái Nguyên nói riêng, dân tộc ta nói chung. Tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của Đội Cấn và nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên còn sống mãi trong lòng Nhân dân ta với những bài học lịch sử và thực tiễn quý báu cho sự nghiệp chống xâm lược, một bản hùng ca tràn đầy khí phách.
Cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu đã từng viết “Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên là cuộc khởi nghĩa lớn nhất nổ ra ở Việt Nam trong thời kỳ thế giới đại chiến thứ nhất”. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 đã viết lên một trang sử vàng oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược; không chỉ để lại cho thế hệ mai sau những giá trị tinh thần cao đẹp, mà còn để lại cả một di sản về truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Đền thờ Đội Cấn
Di tích lịch sử Đền thờ Đội Cấn được Nhân dân Thái Nguyên dựng lên trước Cách mạng Tháng Tám thờ Đội Cấn - Lãnh tụ Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và các nghĩa quân của ông. Đền nằm trên đồi trong khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên, thuộc phố Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Cụm di tích gắn với Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917 đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997.
image 20240120220021 3
Chính cung Đền thờ Đội Cấn
Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị hư hại và được trùng tu vào năm 2002. Sau nhiều năm, các hạng mục của công trình bị hư hỏng, xuống cấp và chưa phù hợp với cảnh quan hiện tại.
Thực hiện Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND, ngày 15/3/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, UBND thành phố Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 12361/QĐ-UBND, ngày 18/11/2021 thành lập Ban quản lý di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Đội Cấn và giao UBND phường Hoàng Văn Thụ xây dựng quy chế hoạt động để thực hiện công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị di tích theo quy định.
image 20240120220021 4
Đền thờ Đội Cấn cùng với Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên,
một công trình kiến trúc hiện đại trang nghiêm giữa lòng thành phố
Được sự phê duyệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 15/5/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Đội Cấn với tổng giá trị đầu tư dự án gần 20 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư huy động xã hội hóa. Dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023; kết nối với các điểm di tích của Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên và các khu, điểm du lịch trên địa bàn phục vụ người dân và du khách đến thăm viếng, chiêm bái; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân hôm nay và mai sau.
Hiện nay, Đền thờ Đội Cấn cùng với Đài tưởng niệm ghi danh, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên - Một công trình kiến trúc hiện đại trang nghiêm đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đặt chân đến với Thái Nguyên./.
Thu Hương


 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập220
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay31,060
  • Tháng hiện tại1,443,150
  • Tổng lượt truy cập27,689,800
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây