Phát triển du lịch hồ Núi Cốc: Nương tựa vào rừng

Thứ ba - 07/12/2021 08:31 0
Hiện nay, yêu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên các đảo, bán đảo và vùng ven của hồ Núi Cốc đã khác với giai đoạn trước. Nếu như trước đây, ngành Nông nghiệp thực hiện chủ trương phòng hộ hóa, đặc dụng hóa rừng trong khu vực hồ Núi Cốc, thì nay, do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên phải chuyển đổi một số diện tích rừng sang các mục đích khác, trong đó có ưu tiên phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc giữ rừng ở khu vực hồ Núi Cốc vẫn rất cần thiết để tạo cảnh quan, môi trường sinh thái trong lành, yên tĩnh và cũng là dấu ấn riêng để thu hút khách tham quan.
 Trong quá trình phát triển du lịch ở khu vực hồ Núi Cốc, giữ rừng và phát triển rừng luôn giữ vai trò trụ cột. Ảnh: Thành Trung
Trong quá trình phát triển du lịch ở khu vực hồ Núi Cốc, giữ rừng và phát triển rừng luôn giữ vai trò trụ cột. Ảnh: Thành Trung

Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) quản lý 3.213ha rừng tại 6 xã, gồm: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), Tân Thái, Lục Ba, Vạn Thọ (Đại Từ) và Phúc Tân (T.X Phổ Yên). Diện tích rừng phòng hộ nêu trên thuộc 89 đảo, bán đảo và vùng ven của hồ Núi Cốc.

Khi xây dựng, phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc theo chỉ đạo của Chính phủ, chắc chắn nhiều nhà đầu tư sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển đổi một phần diện tích rừng phòng hộ sang mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc rừng sản xuất để đảm bảo quy trình xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng. Ngoài việc cần quỹ đất để phát triển du lịch, thương mại, một số nhà đầu tư đã, đang có nhu cầu xin chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ khu vực hồ Núi Cốc để xây dựng các công trình, dự án về kinh tế.

Đơn cử, năm 2020, Công ty CP nước sạch Thái Nguyên đã xin cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi 7,5ha rừng phòng hộ tại khu vực đồi Voi Phun thuộc xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) để xây dựng nhà máy nước sinh hoạt. Tiếp đó, một số nhà đầu tư đang xin cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích rừng phòng hộ tại một số đảo, bán đảo thuộc khu vực giáp ranh giữa xã Tân Thái (Đại Từ) và xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) để xây dựng khu du lịch sinh thái, với diện tích gần 30ha. Một dự án khác đang được nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển đổi gần 20ha rừng phòng hộ tại bán đảo Cây Đa, đảo Bé Mèo, đảo Kim Bảng…

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi rừng phòng hộ sang mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc rừng sản xuất trong khu vực quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc tương đối phức tạp, mất nhiều thời gian. Khó khăn hơn là cấp tỉnh chỉ đủ thẩm quyền cho phép chuyển đổi diện tích dưới 20ha rừng phòng hộ/dự án. Đối với diện tích lớn hơn phải báo cáo các bộ, ngành để tham mưu trình Chính phủ phê duyệt. Từ đó, gây khó khăn cho tỉnh Thái Nguyên trong thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào khu vực hồ Núi Cốc.

Theo ông Lê Đăng Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tỉnh: Việc phát triển du lịch và du lịch sinh thái trên các đảo, bán đảo thuộc hồ Núi Cốc sẽ khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Lớn hơn nữa là xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng khu vực hồ Núi Cốc. Nhưng việc chuyển đổi rừng phòng hộ cần có tỷ lệ phù hợp để không đánh mất cảnh quan, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Du khách luôn yêu thích không khí trong lành và cảnh sắc tự nhiên của hồ Núi Cốc. Ảnh: D.V 

Còn ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: Qua các lần làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp và kiểm tra thực địa cho thấy nhiều diện tích rừng phòng hộ trong khu vực quy hoạch Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc là rừng trồng nên việc hoàn tất hồ sơ chuyển đổi mục đích được tiến hành thuận lợi. Riêng đối với những khu vực còn rừng tự nhiên tái sinh, có mật độ cây dày, hệ sinh thái phong phú thì việc chuyển đổi mục đích nên được cấp có thẩm quyền cân nhắc. Vì để có được những cánh rừng tự nhiên tái sinh mất nhiều năm bảo vệ, khoanh nuôi.

Để bảo tồn và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng trong khu vực hồ Núi Cốc, năm 2014, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách cho phép tổ chức, cá nhân nhận bảo vệ rừng được phép khai thác một số diện tích trồng keo nằm trong vùng xác lập rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc, để trồng thay thế bằng cây bản địa, như: Dổi, lát, mắc ca… Việc là này nhằm nâng cao độ che phủ đất, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, cảnh quan rừng trong khu vực hồ Núi Cốc, đồng thời, giúp người dân thu lợi để sống khá từ rừng. Mặt khác, rừng cây bản địa cũng là điểm đến của du khách theo xu hướng du lịch miệt vườn sinh thái của hồ Núi Cốc.

Từ những vấn đề trên cho thấy: Nếu cơ quan chuyên môn quá máy móc, thiếu sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa quản lý, bảo vệ rừng với phát triển đa năng các dịch vụ tại Khu du lịch hồ Núi Cốc. Nhưng cho chuyển đổi rừng bừa bãi sẽ dẫn tới tình trạng bê tông hóa các đảo, bán đảo của hồ Núi Cốc. Như vậy, Khu du lịch này dù có phát triển được cũng mất đi lợi thế thiên nhiên ban tặng là rừng cây xanh mát, không gian trong lành và ảnh hưởng đến việc giữ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, canh tác.

Trước thực tế đó, với mục tiêu đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thái Nguyên luôn xác định, phát triển du lịch là tất yếu. Là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo vệ rừng ở Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc được Thái Nguyên xác định là một trong những hướng đi chính và điểm nhấn trong phát triển du lịch. Từ đó, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái, hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững.

Văn Hiến

Nguồn tin: baothainguyen.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm108
  • Hôm nay20,420
  • Tháng hiện tại170,128
  • Tổng lượt truy cập21,795,567
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây