Xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ được thành lập năm 1996. Khi mới thành lập, xóm có 54 hộ với 393 nhân khẩu, đến nay xã có 141 hộ với 767 nhân khẩu. Là một xóm vùng cao với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Với địa hình nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, Bản Tèn được mệnh danh là xóm vùng cao và xa nhất của tỉnh, trước đây đường lên Bản Tèn “khó như lên trời”, để đến được với bản người Mông này chỉ có một con đường mòn lổn nhổn đá và dốc cao, vì thế từ chân núi lên Bản Tèn phải đi bộ mất vài giờ đồng hồ. Từ khi Nhà nước đầu tư làm con đường bê tông dài 5km, nền đường rộng 4m đưa vào sử dụng đến nay đã được 6 năm, Bản Tèn không còn cách biệt với bên ngoài như trước nữa; người dân chạy xe máy từ trên núi xuống trung tâm xã, ra trung tâm huyện, về thành phố Thái Nguyên chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Và từ khi Bản Tèn có điện (năm 2017), bà con đã được tiếp cận nhiều thông tin qua thiết bị nghe, nhìn, làm cho nhận thức, phương thức sản xuất được tiến bộ, việc học hành của con em cũng đã có nhiều thuận lợi... điều này là động lực để người dân cùng thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Bai, xóm Bản Tèn - chủ hộ gia đình 3 năm (2019 - 2021) đạt danh hiệu gia đình văn hóa cho biết: “Nhờ có điện, đường, trường học được Nhà nước đầu tư và sự quan tâm của chính quyền địa phương, đời sống kinh tế của gia đình tôi đã được cải thiện; các con, cháu tôi đều được đến trường; chăn nuôi, trồng cây lúa, cây ngô được thuận lợi hơn; nhiều gia đình ở xóm không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mắc như trước nữa”.
Với những đổi thay trên mảnh đất vùng cao và tác động của cuộc sống hiện đại nhưng bản sắc văn hóa Mông ở Bản Tèn vẫn được người dân lưu truyền và phát huy. Tại Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông huyện Đồng Hỷ lần thứ IV - năm 2018, nghệ thuật khèn của người Mông huyện Đồng Hỷ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Người Mông nơi đây quan niệm: Con gái Mông phải biết may vá dệt vải, thêu thùa. Con trai Mông phải biết cưỡi ngựa, bắn cung, nỏ và thổi khèn, múa khèn. Bởi khèn là nhạc khí có từ xa xưa; giữ vị trí quan trọng làm lên bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của người Mông. Điều đáng nói, qua chiếc khèn, được coi là thước đo “thang bậc” về nghệ thuật chế tác khèn; cách thổi khèn; múa khèn để thấy sự khéo léo, tài hoa và thể chất, tinh thần của chàng trai người Mông.
Ông Lý Văn Sỹ ở xóm Bản Tèn múa khèn trên nương ngô sau một ngày làm việc (Ảnh chụp tháng 5/2022)
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, Chị bộ xóm Bản Tèn hiện có 4 đảng viên gồm đồng chí Dương Văn Minh, Lâm Văn Ngọ, Vương Văn Si, Vũ Đại Lâm; đồng chí Dương Văn Minh làm Bí thư Chi bộ. Tổ chức đảng nơi đây luôn đoàn kết, chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức quần chúng gương mẫu, tận tâm với công việc. Ban công tác mặt trận xóm đã vận động bà con chấp hành pháp luật; không tham gia các tổ chức tự xưng không được phép hoạt động như Dương Văn Mình, Pháp luân công, Ngọc phật Hồ Chí Minh, Tâm linh Hồ Chí Minh,… Những hủ tục lạc hậu trước đây (cúng chữa bệnh, làm cỗ đám ma,…) nay không còn nữa. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không còn xảy ra. Việc cưới tảo hôn đã giảm hẳn; thanh niên đến tuổi kết hôn đều đi đăng ký trước khi tổ chức cưới.
Mặc dù đã có nhiều đổi thay nhưng trên mảnh đất vùng cao này đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 90%. Giảm nghèo cho bà con nơi đây luôn là bài toán luôn được các cấp, ngành chung tay tìm lời giải. Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Sỹ, Trưởng xóm Bản Tèn cho biết:“Đời sống người dân vẫn còn không ít khó khăn là do nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây lúa nhưng lại do canh tác ở địa hình đồi núi cao, người dân không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất thấp. Hiện nay, có nhiều đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh hỗ trợ bà con cây giống để chuyển đổi mô hình trồng chọt cho phù hợp với thổ nhưỡng và thuận lợi khi tiêu thụ sản phẩm”.
Để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, hiện nay huyện Đồng Hỷ đã và đang triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo tại Bản Tèn như: Phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, trong đó thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện cho các hộ tại Bản Tèn tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển sản xuất; triển khai các mô hình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển giao, hướng dẫn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp; hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, bao gồm các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả và một số loại rau, củ, quả; hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý...
Kiều Hoa