Nghiên cứu khoa học gắn với công tác chuyển đổi số và thực tiễn tuyên truyền, giáo dục địa phương

Thứ hai - 29/07/2024 02:43 0
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên thuộc công tác văn hóa, xã hội nhưng đều gắn liền với 4 lĩnh vực quan trọng của tỉnh đang triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả (kinh tế; văn hóa, xã hội; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị). UBND tỉnh đã phê duyệt cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh“Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên”. Đề tài được triển khai trong 24 tháng từ tháng 01/2023 đến 01/2025; với sự cố gắng, quyết tâm của Ban Chủ nhiệm và các thành viên Đề tài; sự vào cuộc, ủng hộ của hệ thống chính trị, đến nay so với mục tiêu và nội dung, quy mô Đề tài đã được phê duyệt, các kết quả, sản phẩm nghiên cứu, thực hiện của Đề tài đảm bảo sự đầy đủ, phù hợp.
1. Đánh giá thực trạng việc sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên
Nhằm đánh giá thực trạng việc sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên hiện nay. Trên cơ sở đó chỉ ra những ưu điểm, hạn chế; nguyên nhân của ưu điểm, hạn chế để đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên theo hình thức số hóa, Cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài đã tổ chức điều tra dư luận xã hội tại 9 huyện, thành phố với 2.500 phiếu được phân bổ theo các đối tượng: Học sinh, giáo viên các trường phổ thông; học viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện; các nhà quản lý.
Trên cơ sở phiếu điều tra đã thu thập, phân tích, tổng hợp các kết quả khảo sát cho thấy, các tư liệu, dữ liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên chưa có sự tổng hợp một cách đầy đủ các tư liệu, dữ liệu hình ảnh về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; các tư liệu, dữ liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên được cập nhật, số hóa trên mạng internet còn chưa kịp thời, chưa có tính thống nhất. Do đó, người học, người nghiên cứu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác, sử dụng các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên. Còn những công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên đã được công bố, khai thác, sử dụng đến nay chưa được xây dựng thành bộ ngữ liệu số có tính khoa học và thực hiện xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở nên việc khai thác, sử dụng thông tin, tư liệu chưa đảm bảo tính pháp lý và khoa học: Đa số người được hỏi (87,5%) thường tìm hiểu, khai thác các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên trên mạng internet để phục vụ công việc học tập, nghiên cứu; 46% số người được hỏi trả lời tìm hiểu, khai thác các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên qua sách giáo khoa, sách tham khảo, sách chuyên đề ở thư viện để phục vụ công việc học tập, nghiên cứu; 22,6% số người được hỏi trả lời tìm hiểu qua đài, báo; chỉ khoảng 6,4% số người được hỏi tìm hiểu qua phỏng vấn nhân chứng.
Từ kết quả điều tra cho thấy, đa số người được hỏi đánh giá việc các tư liệu, dữ liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên được dựng thành video, clip dạng phóng sự chuyên đề; công nghệ bảo tàng ảo; tài liệu điện tử có thuyết minh về nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa và được tổng hợp, số hóa trên các nền tảng internet là rất tốt và tốt (93,9%). Còn lại số ít người (1,3%) được hỏi trả lời là không tốt và 4,7% số người được hỏi cho rằng khó trả lời được việc xây dựng các tư liệu, dữ liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên thành video, clip dạng phóng sự chuyên đề; công nghệ bảo tàng ảo; tài liệu điện tử có thuyết minh về nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hóa và số hóa trên các nền tảng internet.
Đa số người được hỏi cho rằng ngữ liệu số lịch sử, văn hóa cần được thiết lập để có thể đáp ứng và phục vụ được người đọc, người xem, người học bất kỳ ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào (76,6%); dễ xem, dễ nhớ, dễ thực hiện (68,9%); thiết lập linh hoạt, hoạt động liên tục (65,2%); tạo hứng thú cho người xem (62%); phát huy khả năng sáng tạo cho người học (59,9%). Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng việc thiết lập các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa địa phương khi số hóa trên các nền tảng internet cần rõ ràng, dễ tham khảo; các đường link (thông tin) được quảng bá rộng rãi hơn; đơn giản nhưng hiệu quả...
2. Xây dựng 47 chuyên đề khoa học về lịch sử, văn hóa và xử lý thông tin, dữ liệu, tài liệu của 3 bộ ngữ liệu số phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục
Các nhóm nghiên cứu đã tiến hành khai thác thông tin, tư liệu viết 47 chuyên đề về lịch sử, văn hóa là tài liệu tham khảo có tính khoa học và thực tiễn, giúp cho giáo viên, giảng viên thực hiện truyền đạt kiến thức cho người học theo nội dung chương trình quy định gồm: 11 chuyên đề về lịch sử, văn hóa phục vụ giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố gồm: 09 chuyên đề về lịch sử, văn hóa phục vụ giảng dạy tại Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố với chủ đề: Văn hóa, con người và truyền thống đấu tranh cách mạng; những bước xây dựng và trưởng thành của từng đảng bộ huyện, thành phố từ khi thành lập đến nay; 02 chuyên đề về lịch sử, văn hóa phục vụ giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh: Văn hóa, con người và truyền thống đấu tranh cách mạng; những bước xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên từ khi thành lập đến năm 2023; đặc điểm lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên và những tiềm năng, thế mạnh để hội nhập và phát triển. 36 chuyên đề về lịch sử, văn hóa gắn với từng bài dạy học thuộc tài liệu “Giáo dục địa phương Thái Nguyên” theo khung chương trình cấp THCS và THPT đã được phê duyệt tại Quyết định số 839/QĐ-UBND, ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên
Trên cơ sở 47 chuyên đề khoa học đã được nghiên cứu, biên soạn và những hình ảnh, vi deo về lịch sử, văn hóa nhóm nghiên cứu đã xây dựng tài liệu điện tử trên nền tảng kỹ thuật số có thuyết minh về lịch sử, văn hóa (47 ngữ liệu số, mỗi ngữ liệu số 10 - 15 phút) tương ứng với từng chủ đề nội dung giảng dạy với 11 video, clip dạng phóng sự chuyên đề về lịch sử, văn hóa phục vụ giảng dạy thực tế chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; 6 ngữ liệu số sử dụng công nghệ 360 (Công nghệ bảo tàng ảo) và 31 bài giảng điện tử về lịch sử, văn hóa trong khung Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT tỉnh Thái Nguyên
3. Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện và sử dụng sản phẩm của Đề tài phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục
Căn cứ kế hoạch thực hiện Đề tài  khoa học cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã ký hợp đồng với 05 chuyên gia để khai thác thông tin, tư liệu viết 5 cuốn tài liệu hướng dẫn sử dụng công cụ để biên tập và số hoá dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương; hướng dẫn sử dụng ngữ liệu lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố và trường THCS, THPT của địa phương. Tài liệu được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài là 47 chuyên đề khoa học và 3 bộ ngữ liệu số về lịch sử, văn hóa gắn liền với chương trình giảng dạy, giáo dục tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố; các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tài liệu được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học theo các mức độ phù hợp với cấp học đã được quy định tại chương trình giáo dục, từ cách gắn kết kiến thức với thực tiễn, đến cách tổ chức hoạt động học dạy và học. Đặc biệt cuốn Tài liệu “Hướng dẫn sử dụng công cụ để biên tập và số hoá dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương” được xây dựng đã hỗ trợ công tác khai thác, truy cập các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương đã được số hóa; góp phần đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và có tính ứng dụng cao.

4. Tổ chức kiểm thử sản phẩm thông qua thực nghiệm sư phạm
Thực hiện kế hoạch của Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh; để có căn cứ đánh giá kết quả nghiên cứu theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt, cơ quan chủ trì thực hiện đề tài tiến hành kiểm thử kết quả nghiên cứu đề tài thông qua thực nghiệm sư phạm tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh trong tháng 3 và tháng 4/2024. Nội dung kiểm thử là lồng ghép chuyên đề khoa học, ngữ liệu số lịch sử, văn hóa theo chủ đề vào các bài học cho phù hợp thực tiễn, bám sát chương trình giáo dục đào tạo và giảng dạy lý luận chính trị tại 08 lớp khối THCS, 08 lớp khối THPT, 04 lớp học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh, 18 lớp học lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị cấp huyện.
Để có căn cứ thực tiễn đánh giá kết quả kiểm thử; trên cơ sở đó kiểm định tính đúng đắn của giả thuyết khoa học và tính khả thi của kết quả nghiên cứu để nâng cao khả năng nhận thức về các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương, phát huy tính tích cực rèn luyện cho người học thông qua tổ chức các hoạt động dạy học lịch sử, văn hóa địa phương gắn với công tác chuyển đổi số, cơ quan chủ trì thực hiện đã tổ chức thăm dò dư luận xã hội đánh giá kết quả kiểm thử việc khai thác, sử dụng các chuyên đề khoa học, bộ ngữ liệu số lịch sử, văn hóa ở trường THCS, THPT, Trung tâm Chính trị cấp huyện và Trường Chính trị tỉnh thông qua thực nghiệm sư phạm
Căn cứ vào mức độ đạt được của người học theo tiêu chí đã xác định trên; kết hợp trao đổi ý kiến đánh giá nhận xét với giáo viên, giảng viên cán bộ quản lý và người học ở các cơ sở thực nghiệm thông qua các bảng hỏi (phiếu điều tra) với  1.000 phiếu được phân bổ theo các đối tượng: Học sinh, giáo viên các trường phổ thông; học viên, giảng viên Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện; các nhà quản lý, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã tổng hợp đánh giá và đưa ra được những nhận định, kết luận cần thiết. Kết quả khảo sát cho thấy: 100% số người được hỏi đánh giá nội dung bài học thực nghiệm sư phạm đã thể hiện đúng nội dung của chương trình học. Điều đó cho thấy các bộ ngữ liệu số và các sản phẩm của đề tài đã bám sát nội dung chương trình các cấp học, phù hợp với từng đối tượng người học. Một số ngữ liệu số được biên soạn theo một cấu trúc thống nhất gồm phần đặt vấn đề, nội dung, kết luận và dựa trên cơ sở nguồn tài liệu phong phú, đáng tin cậy nên giảng viên, giáo viên có thể thể tham khảo để thiết kế tiến trình dạy học các chủ đề nội dung giáo dục địa phương và coi đó là nguồn học liệu để người dạy và người học sử dụng khi thực hiện hoạt động dạy học. Các câu hỏi, bài tập, hoạt động trong bài học thực nghiệm sư phạm đều đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Điều đó cho thấy sản phẩm của Đề tài đã bám sát chương trình lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị cấp huyện và khung chương trình giáo dục cấp THCS, THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
Theo kết quả điều tra, sau khi học bài giảng thực nghiệm có sử dụng chuyên đề khoa học, ngữ liệu số lịch sử, văn hóa, 98,7% số người được hỏi cho rằng bản thân hào hứng, phấn khởi, vui vẻ với công tác chuẩn bị, tham gia và tổ chức hoạt động; tích cực, chủ động trong phối hợp với bạn và nhóm, tích cực trao đổi, cộng tác với giáo viên, giảng viên để thực hiện hiệu quả hoạt động; chỉ 2,6% số người được hỏi cho rằng có biểu hiện không thích nhưng cũng không tỏ ra hào hứng, tích cực với hoạt động; 1,7% số người được hỏi cho rằng thờ ơ, chán nản với hoạt động trên lớp, không chú ý, không bằng lòng, khó chịu, không có hứng thú chuẩn bị cho hoạt động phục vụ bài học. Điều đó cho thấy, đa số ý kiến được hỏi đều đánh giá bản thân có thái độ tích cực hơn về các giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương sau khi học bài giảng thực nghiệm có sử dụng chuyên đề khoa học, ngữ liệu số lịch sử, văn hóa; như vậy, có thể nói bộ ngữ liệu số được sử dụng trong các bài giảng đã góp phần hình thành đức tính tốt đẹp cho người học.
5. Xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương
Việc xây dụng phần mềm “Quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá địa phương” là nội dung quan trọng của Đề tài. Phần mềm xây dựng và hoạt động trên môi trường Webform, đối với người quản trị nội dung, cần có tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào làm việc hệ thống. Đối với người dùng là khách, giảng viên, học sinh, các cá nhân tổ chức khác tiếp cận và khai thác bộ ngữ liệu số thông qua máy tính, thiết bị di động có kết nối Internet. Phần mềm được xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn kỹ thuật được ban hành tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT, ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.
Bám sát với mục tiêu chuyển đổi số, hệ thống phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số đã được thiết kế và xây dựng theo mô hình Microservice đảm bảo các điều kiện kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ sử dụng qua lại thông tin phục vụ trao đổi dữ liệu với các hệ thống Cơ sở dữ liệu khác của tỉnh đã triển khai trên cơ sở nền tảng chia sẻ tích hợp LGSP của tỉnh theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông, đảm bảo tiếp cận và kế thừa từ kiến trúc Chính quyền Điện tử tỉnh Thái Nguyên phiên bản 2.0, đồng thời có khả năng tích hợp hiển thị dữ liệu trên ứng dụng C-ThaiNguyen.
Phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu đã xử lý chuyển đổi số nội dung tài liệu thô của 03 bộ ngữ liệu số gồm: Lời dẫn, hình ảnh, video thành 47 bản tài liệu số về lịch sử văn hóa đảm bảo theo tiến trình dạy học và khung chương trình đã quy định. Giúp sắp xếp, phân loại ngữ liệu theo lĩnh vực, theo đối tượng, theo chủ đề một cách khoa học và dần hình thành kho CSDL ngữ liệu về lịch sử và văn hoá địa phương của Tỉnh Thái Nguyên. Tiến tới tích hợp vào ứng dụng C-ThaiNguyen để cung cấp cho người dùng trong và ngoài tỉnh có thể truy cập tra cứu và xem nội dung các ngữ liệu số, giúp cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hoá địa phương được lan toản nhanh hơn.
Một số hình ảnh giao diện chính của sản phẩm:
 
       
Hình ảnh chụp giao diện App trên điện thoại Ngữ liệu số đã được tích hợp và chạy thử nghiệm trên ứng dụng C-ThaiNguyen
Như vậy, các sản phẩm nghiên cứu của Đề tài khoa học đã hoàn thành trước tiến độ đề ra và được nghiệm thu cấp cơ sở vào cuối tháng 7/2024 và đang làm các thủ tục để nghiệm thu cấp tỉnh vào cuối năm 2024. Sau khi được nghiệm thu cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ chuyển giao sản phẩm cho Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố phục vụ chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo quy định hiện hành; chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo để triển khai tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh (từ lớp 6 đến hết lớp 12) gắn với từng bài thuộc tài liệu “Giáo dục địa phương Thái Nguyên” theo khung chương trình cấp THCS và THPT đã được phê duyệt tại Quyết định số 839/QĐ-UBND, ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh Thái Nguyên. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu được đưa công khai trên mục “Đất và người Thái Nguyên” của Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, C-ThaiNguyen để người dân thuận lợi khi truy cập, khai thác bộ ngữ liệu số lịch sử, văn hóa, con người Thái Nguyên./.
Nguyễn Xuân Quang
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Hứa Thị Kiều Hoa
Phó Trưởng phòng Khoa giáo - Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập287
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm286
  • Hôm nay54,120
  • Tháng hiện tại1,113,711
  • Tổng lượt truy cập25,710,464
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây