Cổng thông tin điện tử
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

Cổng thông tin điện tử
Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

ATK Thái Nguyên: Nơi khởi nguồn Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ bảy - 04/05/2024 07:10 0
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thái Nguyên, với vị trí chiến lược đặc biệt đã trở thành bộ phận quan trọng của căn cứ địa Việt Bắc oai hùng. ATK Thái Nguyên đã đảm bảo cho các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ đứng chân chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Nơi đây đã ghi dấu biết bao sự kiện lịch sử của toàn dân tộc trong những ngày trước khởi nghĩa (năm 1945) cũng như suốt chặng đường trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc (1945 - 1954). Từ mảnh đất này, các quyết sách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra đời, lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp, tiến tới Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
image 20240505082512 1
Ngày 06/12/1953, tại Tỉn Keo, Phú Đình, ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh
và các đồng chí trong Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ
 (Ảnh: Tư liệu)
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cuộc “di đô” lịch sử của các cơ quan đầu não kháng chiến lên Việt Bắc. Vùng đất đứng chân trước đây của cách mạng đã được xây dựng thành căn cứ địa để từ đây có thể lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ. Nơi ấy phải có nhân dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, nơi đó “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. Trong suốt 9 năm kháng chiến, các địa danh: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên, Bình Thành, Trung Lương, Phượng Tiến, Bảo Biên trở thành nơi chở che, bảo vệ các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tổng tham mưu; nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cuối năm 1953, sau nhiều thất bại liên tiếp, quân Pháp tại Đông Dương lâm vào thế bị động trên chiến trường. Để cứu vãn tình thế, ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây trở thành căn cứ địa kiên cố để làm bẫy nhử thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công. Đúng 16 ngày kể từ khi quân Pháp đổ bộ xuống Điện Biên Phủ, tại căn lán nhỏ nơi núi rừng ATK Định Hóa, Thái Nguyên, một quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời.
Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy xác định tổng quát về quân số tham gia chiến đấu, trang bị vũ khí, thời gian tác chiến, số lượng dân công phục vụ, kế hoạch đảm bảo hậu cần, lương thực thực phẩm... Dự kiến đánh Điện Biên Phủ đệ trình Bộ Chính trị được chuẩn bị theo tinh thần “đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 06/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Từ kết luận đó, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh “Trần Đình” và nhất trí thông qua Phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy.
Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát chào Bác Hồ. Khi chia tay, Bác dặn “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh [1].
Ngày 05/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Một cuộc chuyển quân vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng đã bắt đầu. Núi rừng Tây Bắc chuyển động. Những con đường ngược dốc, những đoàn dân công gồng gánh, khiêng, vác bằng xe đạp, nối nhau lên Điện Biên. Bộ đội căng sức kéo pháo lên đèo. Cả nước hành quân lên Tây Bắc… chuẩn bị cho trận chiến quyết định vận mệnh của cả dân tộc.
image 20240505082512 2
Dân công hỏa tuyến vận chuyển hàng hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 (Ảnh: Tư liệu)
Xác định đây là chiến dịch có tầm đặc biệt quan trọng, cùng với cả nước, Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Thái Nguyên ra sức thực hiện khẩu hiệu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, cho nên đã tập trung sức lực và của cải cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thái Nguyên mở cuộc vận động, tuyên truyền hướng về Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ”. Với tinh thần đó, tỉnh Thái Nguyên đã huy động 671 tấn gạo; hơn 28,7 tấn thịt lợn, trâu, bò; 10 tấn lạc, đỗ, vừng cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, tỉnh Thái Nguyên huy động gần 6.000 dân công, 450 xe đạp thồ, 200 xe trâu kéo vận chuyển hơn 500 tấn lương thực từ các kho ở khu vực phía Nam tỉnh lên các kho ở khu vực phía Bắc tỉnh. Sau đó, huy động đông đảo dân công, người dân dùng xe đạp thồ, xe trâu vận chuyển hàng hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối đến Điện Biên Phủ. Ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có hàng ngàn lá thư của những người bố, người mẹ, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh gửi cho các chiến sĩ dũng cảm xông lên giết giặc. Các đoàn dân công Thái Nguyên đã bắc nhịp cầu nặng trĩu tình cảm nối liền hậu phương ATK Thái Nguyên với tiền tuyến Điện Biên Phủ, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu, qua ba đợt tấn công kéo dài từ ngày 13/3 đến ngày 07/5/1954, đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược, đập tan tập đoàn cứ điểm mang đầy tham vọng giành phần thắng của Pháp cùng giới quân sự thực dân, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ quyết định của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong Đông - Xuân (1953 - 1954), mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954), kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
image 20240505082512 3
Ngày 07/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ
đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” phấp phới bay trên nóc hầm Tướng De Castries 
(Ảnh: Tư liệu)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân vì độc lập và tự do trong thế kỷ XX; là thành quả cách mạng to lớn, tạo ra vị thế mới của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa thời đại sâu sắc, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới.
image 20240505082512 4
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tặng những phần quà tri ân
các chiến sĩ Điện Biên tại Chương trình Gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến, thân nhân liệt sĩ
trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ
Với truyền thống cách mạng, là “Thủ đô kháng chiến”, ATK Thái Nguyên luôn giữ vững vai trò, vị trí, tầm nhìn chiến lược khi được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn xây dựng căn cứ địa cách mạng. ATK Thái Nguyên tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Với niềm tin và khát vọng về một Thái Nguyên giàu mạnh, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên quyết tâm giữ vững truyền thống anh hùng cách mạng, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng giàu đẹp, bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.
Thu Hương
 
 
[1] Bác Hồ với Thái Nguyên, Thái Nguyên với Bác Hồ, trang 208, Nhà Xuất bản Lý luận chính trị, năm 2007.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc