Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại. Nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng đã diễn ra trên mảnh đất Thái Nguyên, trong đó, chiều ngày 28/5/1948 tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội đồng Chính phủ tổ chức Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. 75 năm đã trôi qua, tên tuổi và hình ảnh Đại tướng vẫn gắn liền với nhiều di tích lịch sử cách mạng và mãi lắng đọng trong tâm hồn, tình cảm của người dân Thái Nguyên.
Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Năm 1927, Võ Nguyên Giáp tham gia Đảng Tân Việt cách mạng ở Huế và được nghiên cứu tài liệu của Nguyễn Ái Quốc gửi từ nước ngoài về. Đồng chí nhớ lại:“Lần đầu, tôi được đọc một tập tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế”. Năm 1936, Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội, vừa dạy học, vừa theo học đại học Luật, Kinh tế, đồng thời hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp; là biên tập viên và đã cho đăng trên một số tờ báo công khai của Đảng như: "Tiếng nói của chúng ta", "Tiến lên", "Tập hợp", "Thời báo", "Tin tức" những bài viết của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài gửi về ký tên “P.C.Lin".
Tháng 6/1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cùng đồng chí Phạm Văn Đồng được Thường vụ Trung ương cử sang Trung Quốc. Tại Côn Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và giới thiệu hai đồng chí đi học Trường Quân chính Diên An. Nguyễn Ái Quốc nhiều lần căn dặn Võ Nguyên Giáp“cố gắng học thêm quân sự”. Tháng 9/1940, tình hình thế giới thay đổi, Nguyễn Ái Quốc thông báo cho Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng quay lại, chuẩn bị về nước hoạt động.
Tháng 1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Pác Bó, Cao Bằng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Võ Nguyên Giáp được giao ở lại Tĩnh Tây hoạt động và thường xuyên về Pác Bó báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc. Cuối năm 1941, Võ Nguyên Giáp về hẳn Pác Bó, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; trực tiếp chỉ huy mở một tuyến của con đường “Nam tiến” nối liền căn cứ địa Cao Bằng với các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đầu tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đồng thời chỉ đạo: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.
Ngày 16/8/1945, Võ Nguyên Giáp được Quốc dân Đại hội Tân Trào cử vào Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 28/8/1945, tại Hà Nội, Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (gồm Nội chính và Công an). Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao tham gia xây dựng các thể chế cho nền hành chính dân chủ và pháp quyền, xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương; là người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy, trao quyền ký nhiều sắc lệnh của Chính phủ lâm thời, trong đó các các sắc lệnh quan trọng: Sắc lệnh 03-SL ngày 1/9/1945 về thiết quân luật tại Hà Nội; Sắc lệnh số 04-SL ngày 4/9/1945 về lập Quỹ Độc lập; Sắc lệnh số 05-SL ngày 5/9/1945 ấn định Quốc kỳ Việt Nam; Sắc lệnh số 14-SL ngày 8/9/1945 về tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; Sắc lệnh số 30-SL ngày 12/9/1945 giải tán hai tổ chức phản động: Việt Nam hưng quốc Thanh niên hội và Việt Nam Thanh niên ái quốc hội.
Tháng 1/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư. Tháng 3/1946, tại kỳ họp thứ nhất, Hồ Chí Minh được Quốc hội trao quyền thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch Kháng chiến ủy viên hội; ngày 3/11/1946, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội biểu quyết tán thành Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh thành lập, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trung tuần tháng 11/1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: “Nếu vạn nhất không tránh khỏi chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ được bao lâu”, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp khẳng định quyết tâm: “Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng”. Sau đó, đồng chí cùng Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội nghiên cứu phương án tác chiến và trung tuần tháng 12/1946 báo cáo với Bác: “có thể giữ được Hà Nội từ một tháng trở lên”. Thực tế, quân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp tại Hà Nội 60 ngày đêm.
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội ta qua hai năm chiến đấu chống thực dân Pháp, ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và các sắc lệnh phong quân hàm cấp tướng, cấp đại tá cho một số cán bộ chỉ huy Quân đội. Tại Lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức ngày 28/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ Tổ quốc và xúc động tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Từ đây, trên cương vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng, trực tiếp chỉ huy giành thắng lợi các chiến dịch: Biên giới (9-10/1950), Trung du (12/1950), Đồng bằng (5/1951), Hà Nam Ninh (5-6/1951), Hòa Bình (12/1951- 2/1952), Tây Bắc (10-12/1952), Thượng Lào (4-5/1953). Tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuôn Tát chào Bác để lên đường ra mặt trận. Bác thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”. Từ thực tế chiến trường, nhớ lời dặn của Bác, Đại tướng trao đổi với cố vấn Trung Quốc và đưa ra Đảng ủy Mặt trận bàn, quyết định thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” - một quyết định sau này Đại tướng cho là khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.
Địa điểm đồi Pụ Đồn, thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ phong quân hàm Đại tướng
cho đồng chí Võ Nguyên Giáp (ngày 28/5/1948)
Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm nên những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng luôn nhớ và thực hiện đúng lời dạy của Bác từ những ngày ở Pác Bó: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”; là tấm gương không ngừng học tập, rèn luyện để hội tụ đủ những đức tính “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” của người làm Tướng do Bác Hồ chỉ ra. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là một trong những người sớm nghiên cứu và viết về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách cơ bản, toàn diện, hệ thống và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại
Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy mưu trí, táo bạo của Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã giành thắng lợi nhanh chóng trong 2 trận Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống ra quân là đánh thắng của Quân đội ta. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Võ Nguyên Giáp chủ trương dùng chiến thuật du kích, tận dụng lợi thế kiến trúc của phố phường Hà Nội để tổ chức trận địa liên hoàn, tác chiến linh hoạt, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân quân Pháp 60 ngày đêm ở Thủ đô, làm phá sản một bước chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, tạo thời gian quý báu để dân tộc ta bước vào kháng chiến trường kỳ. Trong cuộc phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947, với công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, quân dân ta đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Trong Chiến dịch Biên giới (1950), Đại tướng đã sáng suốt và quyết đoán, đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê; thực hành trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên của Quân đội ta, đánh địch trong công sự kiên cố và đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự (đánh điểm, diệt viện) thắng lợi.
Trong Chiến cuộc Đông Xuân (1953-1954), Đại tướng đề xuất chiến lược phá tan âm mưu tập trung binh lực của địch, buộc Pháp phải phân tán lực lượng cơ động ra nhiều hướng trên chiến trường Đông Dương. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với tư duy sắc sảo, thực tế, Đại tướng quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đưa Chiến dịch thắng lợi hoàn toàn.
Đại tướng đã thực hiện xuất sắc lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “điều khiển binh sĩ” tài tình, nghiên cứu và nắm chắc lực lượng địch ta, phán đoán kỹ lưỡng mọi tình huống, không bị bất ngờ trước những biến chuyển của thực tế, lựa chọn đúng mục tiêu tấn công, buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta, hạn chế tối đa ưu thế của địch, giảm thiểu tổn thất, hy sinh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí có nhiều công lao trong việc xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4). Đại tướng đã nắm chắc thời cơ chiến lược, đề nghị giải phóng sớm miền Nam (1975) so với kế hoạch ban đầu; chỉ đạo mở Chiến dịch Huế-Đà Nẵng; giải phóng quần đảo Trường Sa; thành lập cánh quân phía Đông Sài Gòn phối hợp với 4 cánh quân khác và ra mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa...”, tiến công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch tại Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến toàn thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chuyên gia lỗi lạc hàng đầu về đường lối chiến tranh nhân dân với nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng; nghệ thuật chớp thời cơ để giành lấy thắng lợi làm xoay chuyển cục diện chiến tranh; nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân; nghệ thuật tổ chức, sử dụng quân đội, từ quy mô nhỏ tới hình thành các đại đoàn, các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực; nghệ thuật chủ động về chiến lược, chiến dịch, về lực lượng, thế trận và cách đánh; nghệ thuật tổ chức bảo đảm hậu cần chiến lược và chiến dịch. Đại tướng được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người Anh Cả”, "Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên
Thái Nguyên là mảnh đất diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng. Từ năm 1943, Võ Nguyên Giáp đã mở thông con đường “Nam tiến” nối căn cứ địa Cao Bằng với Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 15/5/1945, tại tổng Định Biên, châu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ thống nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng trong cả nước thành Việt Nam Giải phóng quân. Chiều ngày 16/8/1945, Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh chỉ huy một Chi đội Việt Nam Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên. Chi đội tập kết tại làng Thịnh Đán và 0 giờ ngày 20/8/1945 xuất quân, cùng lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt trại lính bảo an, chiếm dinh Tỉnh trưởng sau đó tấn công quân Nhật tại trại lính khố xanh. Chiều ngày 20/8/1945, trong cuộc mít tinh quần chúng ở sân vận động thị xã Thái Nguyên, đồng chí thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc tuyên bố bãi bỏ chính quyền của Nhật và tay sai, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, từ 1947 đến 1954, sau khi dừng chân một thời gian tại xóm Na Muồng (Đức Lương, Đại Từ), tại ATK Định Hóa, Võ Nguyên Giáp cùng cơ quan Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh ở và làm việc tại xóm Thẩm Hấn (Bình Thành), xóm Thẩm Đưa (Bình Yên), xóm Đồng Chùa, Nà Lẹng (Thanh Định), xóm Gốc Hồng (Quy Kỳ), xóm Khẩu Hấu, Khẩu Tràng (Điềm Mặc), bản Piềng (Yên Thông), thôn Bảo Biên (Bảo Linh). Tại những địa điểm trên, đồng chí cùng các cơ quan tham mưu xây dựng và trình Bộ Chính trị kế hoạch đánh địch, kế hoạch mở các chiến dịch. Đồi Pụ Đồn, thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình là nơi chiều ngày 28/5/1948, đồng chí nhận Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ ATK Định Hóa, Đại tướng lên đường chỉ huy giành thắng lợi các chiến dịch: Trung du, Hoàng Hoa Thám, Hà Nam Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ban Liên lạc Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Thái Nguyên về thăm và chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
nhân dịp Xuân Quý Mùi 2003 (ảnh tư liệu)
Sau ngày hòa bình lập lại, Đại tướng đã bốn lần về Thái Nguyên - nơi Đại tướng từng coi là “quê hương thứ hai của mình”, thăm lại những nơi Đại tướng đã ở và làm việc, thăm nhân dân và các đồng chí lãnh đạo địa phương, thăm những cán bộ được Đại tướng dìu dắt, chỉ huy trong đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, thăm các đồng chí cựu chiến binh. Năm 1997, Đại tướng dự và tham luận tại Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng ATK Định Hóa trong căn cứ địa Việt Bắc” do Tỉnh ủy Thái Nguyên phối hợp với Viện Lịch sử Đảng tổ chức. Tham luận của Đại tướng đề cao vị trí, vai trò và những đóng góp quan trọng của Thái Nguyên trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc, đồng thời thể hiện những tình cảm sâu nặng của Đại tướng đối với mảnh đất và người dân Thái Nguyên. Nhiều địa điểm diễn ra các hoạt động cách mạng của Đại tướng trên đất Thái Nguyên đã được xếp hạng di tích quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có 3 trên 13 di tích thành phần của Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa.
Nhân dân các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thái Nguyên cũng hết lòng yêu mến, kính trọng và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những địa phương, đơn vị được Đại tướng về thăm đều tự hào và dành vị trí trang trọng để trưng bày những hình ảnh của Đại tướng với địa phương, đơn vị mình. Những cán bộ, chiến sĩ và người dân Thái Nguyên vinh dự được về thăm Đại tướng hoặc có mặt những dịp Đại tướng lên thăm Thái Nguyên đều nâng niu, trân trọng những bức ảnh được chụp chung với Đại tướng như kỷ vật của cuộc đời. Khi Đại tướng qua đời, thể theo nguyện vọng của nhân dân Thái Nguyên, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết đổi tên Quảng trường 20-8 thành Quảng trường Võ Nguyên Giáp - Quảng trường ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên, nằm trong tổng thể các thiết chế văn hóa, thể thao tiêu biểu của tỉnh như: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh...
Kỷ niệm 75 năm ngày đồng chí Võ Nguyên Giáp được trao quân hàm Đại tướng, với lòng thành kính tri ân và niềm tự hào sâu sắc của quê hương đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực tự cường và khát vọng hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030./.
Hà Minh Lợi
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021).
2. Các Trang thông tin điện tử: Quốc phòng toàn dân, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Đại tướng Phan Văn Giang, Đại tướng Lương Cường, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.