An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Thái Nguyên trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thứ tư - 02/11/2022 02:23 0
An toàn khu II (ATK II) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập năm 1943, nằm trên địa bàn xã Kha Sơn (huyện Phú Bình), xã Tiên Phong (nay là phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên) thuộc tỉnh Thái Nguyên và xã Hoàng Vân (huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang). Đây là những cơ sở tương đối an toàn để các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở, làm việc; tổ chức các cuộc họp, các lớp học tập chính trị quan trọng trong suốt thời gian từ năm 1943 đến Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Tại Phổ Yên, từ năm 1939, nhờ có nhiều cán bộ của Trung ương và Xứ ủy về hoạt động, phong trào được khôi phục. Đến giữa năm 1940, đơn vị tự vệ đầu tiên của phủ được thành lập ở Tiên Thù, tổng Tiên Thù. Tuy điều kiện luyện tập và hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các đồng chí Xứ ủy Bắc Kỳ, cuối năm 1940, lực lượng tự vệ của phủ đã phát triển thành trung đội. Tháng 8/1941, tự vệ Phổ Yên rải truyền đơn dọc Quốc lộ 3 kêu gọi Nhân dân đấu tranh, ủng hộ Cứu quốc quân Đình Cả (Võ Nhai), góp phần thức tỉnh những người chưa giác ngộ.
Nhận thấy phong trào Phổ Yên phát triển khá nên cuối năm 1941, Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ chọn Tiên Thù (nay thuộc phường Tiên Phong) làm địa điểm mở lớp học Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 cho cán bộ. Lớp học bị địch phát hiện, nhưng nhờ có quần chúng bảo vệ nên Tổng Bí thư Trường Chinh và các cán bộ của Đảng đều thoát khỏi cuộc vây quét. Tháng 6/1942, các đồng chí Ngô Hải Long, Trần Văn Khoan, Nguyễn Ích Giáp được tổ chức đảng ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) kết nạp, đánh dấu bước ngoặt mới của phong trào cách mạng Phổ Yên.
Cùng với Phổ Yên, phong trào cách mạng ở Phú Bình đã có những bước phát triển. Nhân dân trong phủ liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống địch bắt phu, thu thuế. Nhiều thanh niên ở các xã Kha Sơn Hạ, Kha Sơn Thượng, Mai Sơn… hăng hái tham gia Hội thanh niên cứu quốc, tự vệ chiến đấu. Từ 1 tổ tự vệ hơn 10 người được tổ chức ở Kha Sơn Hạ năm 1941, đến năm 1943 đã tăng lên hơn 50 người.
Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, cuối năm 1941, đồng chí Ngô Thế Sơn, cán bộ Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã triệu tập Hội nghị Cán bộ chủ chốt của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), 2 phủ Phú Bình và Phổ Yên tại xã Kha Sơn để phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 về chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh. Từ Kha Sơn Hạ, ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh đã tỏa rộng ra nhiều xã. Nhận thấy phong trào cách mạng ở Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang) phát triển, cơ sở đảng và Mặt trận Việt Minh đứng vững, vị trí thuận tiện liên lạc với các nơi, Trung ương Đảng quyết định lựa chọn vùng tiếp giáp của 3 địa phương thuộc Phổ Yên, Phú Bình (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang) là ATK II.
ATK II là nơi đặt các cơ quan của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ; có cơ sở in tài liệu, báo Cờ Giải phóng ở chùa Mai Sơn, nơi cất giữ tài liệu ở chùa Kha Sơn Hạ  và cũng là đầu mối giao thông, liên lạc từ Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ đến các địa phương; nơi đưa, đón cán bộ từ các tỉnh miền xuôi lên căn cứ địa Việt Bắc và ngược lại; là địa điểm bố trí nơi ăn, nghỉ và bảo vệ các đồng chí phụ trách phong trào cách mạng ở các địa phương về báo cáo với Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ; nơi đón tiếp các đồng chí bị đế quốc giam giữ trong nhà lao trốn thoát về với Đảng, với dân…
image 20221102132402 1
Chùa Làng Ca (xã Kha Sơn) - một trong những điểm Di tích ATK II đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia
Từ khi ra đời (năm 1943) đến Cách mạng Tháng Tám thành công, ATK II đã trở thành một trong những trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Từ đây, mọi công việc chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa được xúc tiến nhanh chóng như: Đào tạo cán bộ chính trị, quân sự; ban hành chủ trương, nghị quyết của Đảng và Xứ ủy đến các cơ sở cách mạng trên cả nước, thúc đẩy phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ. ATK II là nơi tập trung thống nhất chỉ đạo cách mạng giữa các vùng, là cầu nối giữa phong trào cách mạng đồng bằng, Hà Nội, trung du với các căn cứ địa phía Bắc: Bắc Sơn - Võ Nhai và Cao Bằng.
Di tích ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Phổ Yên, Phú Bình gồm 11 điểm đã được xếp hạng cấp quốc gia, trong đó cụm di tích ở xã Tiên Phong (thành phố Phổ Yên) gồm: Nhà bà Hoàng Thị Úc, nhà ông Ngô Hải Long, nhà bà Lưu Thị Phận, bãi Soi Quýt; cụm di tích ở xã Kha Sơn (huyện Phú Bình) gồm: Chùa Mai Sơn, rừng Rác, nền nhà ông Cao Nhật, địa điểm rừng Mấn, đình Kha Sơn Hạ, chùa Làng Ca, đình Kha Sơn Thượng. Di tích ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Hiệp Hòa (Bắc Giang) gồm 8 điểm đã được xếp hạng quốc gia; ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2280/QĐ-TTg, về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với di tích ATK II Hiệp Hòa (Bắc Giang).
Lịch sử đã chứng minh ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Thái Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Để ghi nhận và tri ân những cống hiến hy sinh to lớn của Nhân dân địa phương vào thành công chung của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ (1943 - 2023), thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống và tri ân để An toàn khu II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ ở Thái Nguyên sớm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt như ATK II Hiệp Hòa (Bắc Giang)./
                                                                          Hứa Thị Kiều Hoa,
                                                                    Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay29,002
  • Tháng hiện tại1,412,085
  • Tổng lượt truy cập13,833,584
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây