Vai trò của trí thức khoa học, công nghệ Thái Nguyên trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chương trình chuyển đổi số

Thứ sáu - 17/06/2022 20:24 0
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) với xu hướng phát triển dựa trên ba trụ cột cơ bản (công nghệ sinh học, vật lý và kỹ thuật số). Những năm qua, dưới tác động của CMCN 4.0, nhiều thành tựu nghiên cứu, chuyển giao của trí thức khoa học, công nghệ (KHCN) đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; góp phần không nhỏ vào tăng năng suất và hiệu quả kinh tế, tạo ra những giá trị mới trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Đội ngũ trí thức KHCN là bộ phận quan trọng nhất của nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao, là nguồn lực góp phần vào quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. So với các nguồn lực khác, NNL chất lượng cao với yếu tố hàng đầu là trí tuệ có ưu thế nổi bật ở chỗ là không bị cạn kiệt nếu biết bồi dưỡng, khai thác và sử dụng hợp lý. Các nguồn lực khác dù nhiều đến đâu cũng chỉ là yếu tố có hạn và chỉ phát huy được tác dụng khi kết hợp với NNL một cách phù hợp. Vì vậy, đội ngũ trí thức KHCN với tư cách là hạt nhân của NNL chất lượng cao chính là chủ thể sáng tạo, là trung tâm của nội lực, là nguồn lực chính quyết định quá trình phát triển của mỗi quốc gia cũng như từng địa phương.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi nhưng có đội ngũ trí thức KHCN với số lượng lớn và chất lượng cao: Số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là trên 27.500 người, trong đó trình độ đại học và trên đại học chiến khoảng 90%. Đại học Thái Nguyên có trên 2.400 cán bộ, giảng viên, trong đó Giáo sư là 11 người, Phó Giáo sư là 136 người, số có học vị tiến sĩ và tương đương là 696 người; thạc sĩ và trình độ đại học là trên 1.600 người. Số lượng cán bộ khoa học công nghệ/vạn dân của tỉnh Thái Nguyên cao hơn so với bình quân của cả nước (trung bình cả nước đạt 11- 12 người/1 vạn dân).

image 20220622072512 1

Hội thảo Phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế và xã hội tỉnh Thái Nguyên

Những năm qua, đội ngũ trí thức KHCN đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các đề tài, dự án của tỉnh; tham gia hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực quản lý, sản xuất và kinh doanh, đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phục vụ công tác quy hoạch của tỉnh. Từ năm 2012 đến năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt triển khai thực hiện 301 đề tài, dự án KHCN các cấp đã nghiệm thu 235 đề tài dự án, đang triển khai thực hiện 66 đề tài dự án. Trong đó, có 249 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh; 20 dự án KHCN thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi; 25 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh về bảo tồn nguồn gen; 07 nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KHCN giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên. Nhiều công trình khoa học góp phần vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh Thái Nguyên, đồng thời bắt nhịp kịp thời Cuộc CMCN 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Nổi bật là:
Đề tài, dự án KHCN trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, nông thôn đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng thâm canh các giống chè mới theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô 10ha tại xã Phúc Thuận (thành phố Phổ Yên); mô hình sản xuất, chế biến chè có kiểm soát, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chí của bộ nguyên tắc UTZ Certified tại Hợp tác xã chè Tân Hương (thành phố Thái Nguyên);…
Các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ đã hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, tiêu biểu như việc nghiên cứu phương pháp gia công tia lửa điện để chế tạo chày dập thuốc định hình và đã ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để gia công chày dập thuốc viên định hình có biên dạng phức tạp; nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tận thu quặng thiếc chứa hàm lượng sắt cao; thiết kế thử nghiệm mô hình bù SVC nhằm nâng cao chất lượng lưới điện cung cấp cho phụ tải công nghiệp tại Thái Nguyên;...
Các nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y dược góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân như: Nghiên cứu ứng dụng trong giải phẫu mạch xuyên bắp chân trong bằng siêu âm Doppler; ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong phẫu thuật nối mạch máu thần kinh, chuyển vạt da che phủ khuyết hổng phần mềm và nối lại chi thể đã đứt rời; ứng dụng phẫu thuật tim hở điều trị một số bệnh về tim; nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A tỉnh Thái Nguyên; ứng dụng quy trình ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên;…

image 20220622072514 2

Ê kíp thực hiện thành công cặp ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Trong CMCN 4.0 thế giới hiện nay đang hướng đến công nghệ số nhằm tăng cường khả năng quản lý và xử lý dữ liệu ngày càng lớn ở tất cả các lĩnh vực trong quá trình phát triển. Quá trình chuyển đổi số đang xảy ra và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nhằm đáp ứng kịp nhu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai. Xu hướng phát triển công nghệ cao gắn liền với CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D… đang được ứng dụng rộng rãi vào trong các lĩnh vực khác làm thay đổi bản chất, phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị đặt ra những yêu cầu mới đối với các địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đn năm 2030”, đội ngũ trí thức KHCN đã tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số như: Về phát triển Chính quyền số Thái Nguyên, đã cung cấp 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả;... Điểm nhấn nổi bật là tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), triển khai tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân trực tuyến qua ứng dụng C-ThaiNguyen. Về kinh tế số Thái Nguyên, đã đẩy mạnh thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, website Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên; xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Về  xã hội số Thái Nguyên, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai nền tảng xã hội số, công dân số với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số, đưa dịch vụ hành chính công của tỉnh Thái Nguyên tới người dân thông qua thiết bị di động, phân chia theo nhóm đối tượng sử dụng, bắt đầu từ nhóm “Người lao động” trên nền tảng và ứng dụng ThaiNguyen ID.  Mô hình “Phòng họp không giấy” đã được áp dụng phổ biến từ tỉnh đến các địa phương. 
Để phát huy những kết quả đạt được, thực hiện được các mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư xây dựng 3 đô thị thông minh, gồm: Thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên. Đến năm 2030, phủ sóng toàn tỉnh mạng di động 5G; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng như Kế hoạch số 164-KH/TU, ngày 31/12/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra thì bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh còn cần có sự đóng góp tích cực từ đội ngũ trí thức KHCN như:
Một là, đội ngũ trí thức KHCN thực sự là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng tiếp thu và truyền bá tri thức trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bắt nhịp với CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế. Quá trình này ở Thái Nguyên muốn đạt được nhiều thành tựu và đi đến thành công thì trước hết những vấn đề lý luận như chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phải được phổ biến sâu rộng, làm cho Nhân dân nhận thức được sự cần thiết, lợi ích cũng như vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó thôi thúc mọi người dân tham gia một cách tự giác, tích cực, bởi lẽ lý luận sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Với chức năng cơ bản là phổ biến, truyền bá kiến thức, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các chương trình hành động cụ thể, đội ngũ trí thức góp phần tuyên truyền nhanh chóng và chính xác chủ trương đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi người dân về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, CMCN 4.0 và Chương trình chuyển đổi số hiện nay.
Hai là, đội ngũ trí thức KHCN tích cực tham gia gián tiếp và trực tiếp vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, chủ thể cơ bản đưa KHCN vào quy trình sản xuất phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì với khả năng và điều kiện của mình, đội ngũ trí thức sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nghiên cứu khoa học, chủ động tham gia CMCN 4.0 và Chương trình chuyển đổi số để KHCN và đổi mới sáng tạo thật là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Ba là, đội ngũ trí thức KHCN trở thành lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia các nhiệm vụ do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển khai để cung cấp những cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; gắn hoạt động trí thức KHCN với sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân./.

                                                                                              Kiều Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập295
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm294
  • Hôm nay40,679
  • Tháng hiện tại1,171,459
  • Tổng lượt truy cập24,088,750
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây