Thanh niên xung phong Thái Nguyên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Thứ năm - 17/03/2022 00:24 0
Thanh niên xung phong (TNXP) là lực lượng được Bác Hồ sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, TNXP Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, lập thành tích to lớn trên chiến trường, để lại nhiều tấm gương, tinh thần dũng cảm cho các thế hệ TNXP sau này noi theo.
Ngày 15/7/1950, tại đồi Gò Thờ, xã Văn Cao (nay thuộc xã Yên Lãng), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, dưới chân núi Hồng, Đội TNXP công tác Trung ương (tiền thân của lực lượng TNXP Việt Nam) được thành lập do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Độigồm 225 cán bộ, chiến sĩnhững đoàn viên, thanh niên ưu tú được tuyển chọn từ tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, trong đó có gần 50% số đội viên và cán bộ khung là con em nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
image 20220317112508 1
Lễ phát động thi đua chào mừng đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027
và Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh
tổ chức tại
Di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam (xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - ngày 06/02/2022)
Đội TNXP công tác Trung ương ngay từ những ngày đầu thành lập đã góp phần tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, tiếp đến là trận Nậm Nang, Cốc Xá,… hoàn thành thắng lợi chiến dịch Biên giới, mở đầu trang sử vẻ vang của TNXP Việt Nam. Để tiếp tục phục vụ các chiến dịch, từ tháng 3/1951, Đội TNXP công tác Trung ương thành lập thêm 9 liên phân đội; trong đó 4 liên phân đội được thành lập có những đội viên, thanh niên là người Thái Nguyên: Liên Phân đội 310 (Liên Phân đội Hoàng Hoa Thám)233 người; Liên Phân đội 311 (Liên Phân đội Hoàng Hữu Nam)176 người; Liên Phân đội 312 (Liên Phân đội Hồ Tùng Mậu)168 người; Liên Phân đội Minh Khai171 người.
Sau khi thành lập, liên phân đội TNXP Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Hồ Tùng Mậu, Minh Khai được Tổng cục Cung cấp (Nay là Tổng cục Hậu cần) của Bộ Quốc phòng điều đi làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường, đảm bảo giao thông trên Đường số 3 (còn gọi là Quốc lộ 3) đoạn từ Thái Nguyên đến Cao Bằng. Đường số 3 là con đường giao thông chiến lược quan trọng, vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em từ cửa khẩu Cao Bằng xuống Thái Nguyên, rồi tỏa đi chi viện cho các chiến trường. Vì vậy, tuyến đường này luôn bị thực dân Pháp tập trung huy động máy bay, bom đạn đánh phá, nhất là tại các trọng điểm cầu, bến phà, đoạn đường xung yếu. Các liên phân đội TNXP được bố trí chốt giữ các trọng điểm, kịp thời ứng cứu khi máy bay địch đánh phá, quyết tâm thông đường, thông xe trong mọi tình huống. Cuộc chiến đấu bảo vệ Đường số 3 hằng ngày diễn ra ác liệt. Máy bay địch đánh phá hỏng, ta sửa; máy bay địch lại đánh phá hỏng, ta lại sửa không kể ngày đêm.
Liên Phân đội Hồ Tùng Mậu làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông đoạn đường Nà Cù - Phủ Thông, trọng điểm là sửa chữa cầu Nà Cù (thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã bị ta đánh sập từ năm 1947 để chặn chân địch. Đơn vị phải bắc qua dòng suối một chiếc cầu tạm, dài 50m để ô tô qua lại. Cán bộ, đội viên trong đơn vị ngày đêm vừa vật lộn với mưa lũ, vừa chiến đấu với máy bay địch đánh phá để bảo vệ cầu. Ngày 20/3/1951, cán bộ, đội viên Liên Phân đội Hồ Tùng Mậu rất vui mừng và xúc động được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hỏi, động viên. Trước lúc chia tay, Người tặng 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.
Bốn câu thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cán bộ, đội viên Liên Phân đội TNXP Hồ Tùng Mậu chính là lời giáo huấn, sự ghi nhận, gửi gắm niềm tin và tình cảm sâu sắc của Đảng, Bác Hồ dành cho TNXP Việt Nam; là tư tưởng chỉ đạo hành động nhằm rèn luyện ý chí, nghị lực cho TNXP và cho thế hệ trẻ Việt Nam.Trong tháng 6 và 7/1951, cầu Nà Cù bị trôi liên tục do mưa lũ, cán bộ, đội viên Liên Phân đội Hồ Tùng Mậu phải bắc lại đến 10 lần; nhiều ngày cán bộ, đội viên phải ngâm mình dưới nước từ 7 đến 8 giờ đồng hồ để kéo gỗ bắc cầu. Nhiều đêm, cán bộ, đội viên phải thức trắng để san ủi hàng trăm khối đất, đá bị bom và mưa lũ làm sụt lở lấp kín mặt đường.
Tháng 12/1951, Liên Phân đội Hoàng Hữu Nam được giao nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Hòa Bình. Trong thời gian phục vụ Chiến dịch Hòa Bình, cán bộ, đội viên đã không quản khó khăn, nguy hiểm, bám sát bộ đội, vượt qua các lưới đạn dày đặc, đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Tiêu biểu là Phân đội trưởng Phân đội nữ TNXP Nguyễn Thị Thành đã bám sát bộ đội chiến đấu, vượt qua các trận địa, len lỏi giữa các làn đạn, các hàng rào kẽm gai, bãi mìn để cứu và cõng thương binh ra khỏi vùng chiến sự. Có đêm, chị Nguyễn Thị Thành đã 7 lần vào trận địa cõng được 2 thương binh và cùng đồng đội khiêng cáng được 5 tử sĩ về tuyến sau. Gặp dân công đi lạc đường, đang hoang mang, chị Nguyễn Thị Thành tập hợp được 12 người, động viên họ cùng thu dọn chiến trường. Với những thành tích xuất sắc đó, chị Nguyễn Thị Thành và 10 đội viên trong Phân đội thuộc Liên Phân đội Hoàng Hữu Nam được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình khen thưởng.
Tại Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn Đội TNXP công tác Trung ương tổ chức lần thứ nhất tại Liên khu Việt Bắc ngày 21/2/1952, trong số gần 40 cán bộ, đội viên được bầu là Chiến sĩ thi đua, có 7 người là Chiến sĩ thi đua cấp Đội. Trong số 7 cán bộ, đội viên là Chiến sĩ thi đua cấp Đội, có 4 người là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Thái Nguyên: Phân đội trưởng Nguyễn Thị Thành (Liên Phân đội Hoàng Hữu Nam), đội viên Nguyễn Thị Thuận (Liên Phân đội Hoàng Hoa Thám), đội viên Nguyễn Thị Sen (Liên Phân đội Hồ Tùng Mậu) và đội viên Nguyễn Văn Mùi (Liên Phân đội Minh Khai). Đồng chí Nguyễn Thị Thành được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được cử làm thành viên trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới họp tại Thủ đô Bucarét (Rumani).
Bước vào năm 1953, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi vào giai đoạn quyết định. Thực dân Pháp liên tiếp thất bại trên khắp các chiến trường Đông Dương, đế quốc Mỹ lăm le nhảy vào can thiệp mở rộng chiến tranh. Trước âm mưu thâm độc của địch, Trung ương Đảng đề ra chủ trương: Tăng cường công tác bảo vệ an toàn bí mật; củng cố toàn diện cơ sở hạ tầng tại ATK Trung ương.Thực hiện chủ trương của Trung ương, hàng nghìn thanh niên ưu tú, hầu hết là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam được lựa chọn ở các khu vực Đèo Khế (huyện Đại Từ), Quán Vuông, Đèo Muồng, Chợ Chu (huyện Định Hóa) của tỉnh Thái Nguyên về An toàn khu Trung ương ở hai bên núi Hồng (địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên), tổ chức thành Đội TNXP 36, do đồng chí Tạ Quang Chiến (chiến sĩ trong Đội Bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm Đội trưởng. Quân số của Đội TNXP 36 khi cao nhất lên tới 2.500 cán bộ, đội viên, biên chế thành 17 đại đội, mang phiên hiệu lần lượt từ Đại đội 261 đến Đại đội 277. Cơ quan Đội và đa số cán bộ, đội viên Đội TNXP 36 đóng tại khu vực chân Đèo Muồng, thuộc vùng Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đội TNXP 36 đã phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và phục vụ các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Chính phủ tại An toàn khu Trung ương tại Thái Nguyên.
Để có lực lượng cơ động, bảo đảm giao thông vận tải ở các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành lập 2 đại đội TNXPchủ lực vào năm 1953: Đại đội 211 của Huyện Đoàn Đồng Hỷ2 trung đội với 136 cán bộ, đội viên (có 18 đội viên nữ); Đại đội 212 của Huyện Đoàn Đại Từ có 149 cán bộ, đội viên (có 20 đội viên nữ). Mặc dù máy bay địch đánh phá liên tục, mưa bão, lũ lụt triền miên, ăn đói, mặc rách, khó khăn, hiểm nguy chồng chất nhưng cán bộ, đội viên các đại đội TNXP công tác 211, 212 vẫn kiên cường bám trụ, bảo vệ mặt đường, ứng cứu, sửa chữa kịp thời những đoạn đường sạt lở do mưa bão hay do bom đạn địch phá hỏng, đảm bảo Đường 1B (đoạn Linh Nham - Đình Cả), Đường số 3 (đoạn Bờ Đậu - Chợ Mới), Đường 13A (đoạn Bờ Đậu - Đèo Khế) luôn thông suốt.
Đầu năm 1954, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy, Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Thái Nguyênthành lập Đại đội TNXP công tác 213, gồm 160 cán bộ, đội viên. Ba đại đội TNXP do Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Thái Nguyêntổ chức thành lập và chỉ đạo về mặt tổ chức, Ty Giao thông tỉnh điều động, bố trí công việc; cả 3 đại đội đều được giao nhiệm vụ chốt giữ, ứng cứu những đoạn đường, cầu, cống, bến phà xung yếu, những trọng điểm giao thông máy bay địch tập trung đánh phá thường xuyên, ác liệt liên tục cả ngày, lẫn đêm. Đại đội 212 được giao nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm từ ngã ba Km 31 trên Quốc lộ số 3 - Định Hóa, bến phà Giang Tiên trên Quốc lộ 3; Đại đội 211 chốt giữ bến phà Trại Cài - Minh Lý trên Quốc lộ 1B... Đại đội TNXP công tác 213đứng chân trên địa bàn Đại Từ có tuyến Quốc lộ 13A chạy qua (Đây là huyết mạch giao thông, tuyến vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Thái Nguyên qua Tuyên Quang lên Tây Bắc) được giao nhiệm vụ chốt giữ, ứng cứu, bảo đảm giao thông tại các trọng điểm cầu ngầm Huy Ngạc, đường vòng suối Long, suối Mang, Đèo Khế,... Mặc cho máy bay địch thường xuyên đánh phá, thậm chí đánh phá cả ngày và đêm mồng Một Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (1954), cán bộ, đội viên Đại đội TNXP công tác 213vẫn vượt qua gian khổ, hi sinh, kiên cường bám trụ, giữ vững mạch máu giao thông kịp thời, thông suốt, đảm bảo cho các đoàn xe thồ, xe ô tô vận tải nối đuôi nhau chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến.
Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 12/1953, đồng chí Nguyễn Văn Trân (Ủy viên Trung ương Đảng - Thứ trưởng Bộ Giao thông Công chính) chỉ đạo hợp nhất Đội 50 TNXP công tác Trung ương và Đội Thanh niên làm kiểu mẫu thuộc Văn phòng Chính phủ thành Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương, mang mật danh Đoàn XP, do đồng chí Vũ Kỳ (Thư kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh) làm Đoàn trưởng. Các liên phân đội TNXP (Hồ Tùng Mậu, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Minh Khai) với trên 750 cán bộ, đội viên được sáp nhập vào Đoàn XP. Nhiệm vụ của Đoàn XP là xung phong trong mọi công việc, phục vụ cho kháng chiến thành công.Sau khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 6/12/1953), Đoàn XP được Tổng cục Cung cấp giao nhiệm vụ đảm bảo giao thông, vận chuyển vũ khí, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm,... phục vụ Chiến dịch.
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta toàn thắng. Trong thành tích xuất sắc của TNXP phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp công sức, trí tuệ, máu xương của hơn 750 cán bộ, đội viên TNXP là đoàn viên, thanh niên Thái Nguyên trong các liên phân đội TNXP Hồ Tùng Mậu, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Hữu Nam, Minh Khai cùng với hàng trăm đoàn viên, thanh niên Thái Nguyên được tuyển chọn, bổ sung cho Đoàn XP trong đội hình các đội TNXP34 và 40. Trong số đoàn viên, thanh niên Thái Nguyên bổ sung cho Đoàn XP làm nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, nữ đội viên TNXP Nguyễn Thị Quý (17 tuổi, đoàn viên thanh niên xã Động Đạt, huyện Phú Lương) cùng với 2 nữ đội viên TNXP người cùng xã là chị Điều và chị Thắng được đơn vị giao nhiệm vụ bám sát đội hình chiến đấu của bộ đội, tiếp tế lương thực, đạn dược, cứu chữa và tải thương đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Đánh giá vai trò và chiến công to lớn của TNXP trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Việc đảm bảo giao thông vận tải, cung cấp đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ là một nhân tố vô cùng quan trọng không kém tình hình chiến đấu từng ngày, từng giờ. Vì vậy, nên kẻ địch không thể tưởng tượng chúng ta có thể khắc phục được những khó khăn ấy. Bọn đế quốc và phản động đã không đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Trong kháng chiến nhất là trong các chiến dịch, nếu không có TNXP thì bộ đội sẽ gặp khó khăn. TNXP đã thật sự đem tinh thần xung phong của thanh niên, xung phong trên chiến trường Điện Biên Phủ, cùng quân đội, dân công, đồng bào Tây Bắc góp phần cống hiến xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc(1).
Hứa Thị Kiều Hoa
                                         (Tổng hợp)

(1) Khúc tráng ca bất tử, Hội Cựu Thanh niên Xung phong Thái Nguyên, xuất bản 2016, tập 1, tr29.





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập421
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm419
  • Hôm nay54,330
  • Tháng hiện tại1,224,388
  • Tổng lượt truy cập27,471,038
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây