Giương cao lá cờ “Nam binh phục quốc”

Thứ năm - 18/08/2022 03:48 0
Trong những ngày tháng Tám mùa Thu lịch sử này, cùng với cả nước chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta không thể không nhắc đến sự kiện quan trọng đã khắc sâu trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, đó là cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên 30/8/1917. Đã hơn một thế kỷ, kể từ ngày cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ, gương chiến đấu hy sinh quả cảm, ý chí hiên ngang trước kẻ thù của các nghĩa sỹ Thái Nguyên đã để lại trong lòng nhân dân các dân tộc Thái Nguyên và nhân dân cả nước những ấn tượng vô cùng sâu sắc về tinh thần yêu nước nồng nàn mỗi khi đất nước bị ngoại bang xâm lược.
Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí quan trọng về chính trị và quân sự trong vùng Việt Bắc. Đây cũng là nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp liên tục, mạnh mẽ ngay từ ngày thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh lị Thái Nguyên (năm 1884). Cuối tháng 8 năm 1917 cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bùng nổ và diễn ra quyết liệt với kết cục đầy bi hùng, đã làm rung động chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, làm chấn động dư luận ở nước Pháp và thế giới.
Do vị trí chiến lược đặc biệt của vùng đất này; để đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân và bảo vệ quyền lợi của Chính phủ bảo hộ, thực dân Pháp đã bố trí một lực lượng quân sự lớn, trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên. Đến những năm cuối của thập niên thứ 2 thế kỷ XX, tỉnh Thái Nguyên được chia thành 2 phủ, 3 huyện, 3 châu, 51 tổng với 6 trại lính khố xanh, mỗi trại do một Trại trưởng là người Pháp chỉ huy. Thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn tàn bạo đàn áp nhân dân, kể cả những binh lính người Việt dưới quyền, trong đó điển hình là viên công sứ Ðáclơ và giám binh Nôen khét tiếng tàn ác. Người đương thời đã có câu: Nhất Ðác (Ðáclơ), nhị Ke (Ecker), tam Be (Galembert), tứ Bít (Bride), để chỉ 4 kẻ “tứ hung” tàn ác nhất ở Bắc Kì. Có lần, lính khố xanh ở nhà lao Thái Nguyên để xổng một người tù nên đã bị Ðáclơ đánh đập một cách tàn nhẫn, nắm tóc họ kéo lê dưới đất và đập đầu họ vào tường toà xứ; lần khác, có mấy người lính khố xanh làm trái ý công sứ, liền bị đem chôn đến tận cổ, mãi đến khi họ bị ngắc ngoải mới cho moi lên…
Trước khi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra, trong trại giam ở tỉnh lị Thái Nguyên có 211 tù nhân, phần lớn họ là các chiến sĩ của các phong trào Ðông Du, Ðông Kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Thế… Đặc biệt có nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến, Uỷ viên Quân sự trong Bộ chấp hành của Việt Nam Quang phục hội do Phan Bội Châu đứng đầu. Năm 1916, Lương Ngọc Quyến bị giải về Nhà giam Thái Nguyên, mặc dù đã bị bại liệt, ông vẫn bị viên công sứ Ðáclơ cho đâm thủng bàn chân, luồn dây sắt vào khoá lại và nhốt trong sà lim suốt ngày đêm.
Chế độ hà khắc và sự tàn bạo của bè lũ thống trị thực dân khiến cho lòng căm thù của nhân dân, của tù nhân đang bị giam giữ và binh lính người Việt trong quân đội Pháp ở Thái Nguyên dâng cao tới đỉnh điểm. Mối liên hệ giữa những người tù chính trị, tiêu biểu là Lương Ngọc Quyến và binh lính người Việt yêu nước, đứng đầu là Ðội Cấn (tên thật là Trịnh Văn Đạt) dần dần hình thành và được thiết lập bền chặt. Hai con người chí lớn gặp nhau, bí mật bàn bạc thống nhất để rồi dẫn đến khởi nghĩa Thái Nguyên. Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra vào đêm 30 rạng ngày 31/8/1917, dưới sự chỉ huy của Đội Cấn, nghĩa quân đã hạ thủ tên giám binh khét tiếng Nôen và viên Phó quản Lạp; phá nhà tù, giết cai ngục, giải phóng tù nhân sau đó lần lượt đánh chiếm toà sứ, toà án, nhà đoan, kho vũ khí, kho bạc, nhà dây thép...
image 20220818144820 1
Đền thờ Đội Cấn - Thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 (phường Hoàng Văn Thụ - thành phố Thái Nguyên)
Ngay khi nổi dậy khởi nghĩa làm chủ thị xã, nghĩa quân đã tuyên bố thành lập Thái Nguyên Quang phục Quân do Trịnh Văn Cấn làm Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư, bàn tính việc quân cơ, viết các bố cáo khởi nghĩa. Nghĩa quân lấy lá cờ 5 ngôi sao lớn, đề 4 chữ “Nam Binh Phục Quốc” làm Quân kỳ, đặt Quốc hiệu là Đại Hùng, phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi khởi nghĩa, sáng 31/8/1917, hơn 300 người thuộc các tầng lớp nhân dân trong tỉnh (trong đó có khoảng 50 người là công nhân mỏ than Làng Cẩm và Mỏ kẽm Làng Hích) nhanh chóng gia nhập nghĩa quân, cùng nổi dậy “đánh đổ quân thù”, đưa tổng số nghĩa quân lên hơn 600 người, chia thành 8 đội, lập 8 tuyến phòng thủ, chuẩn bị đánh quân tiếp viện, cố thủ lâu dài trong tỉnh lị.
Khi nghe tiếng súng nổ, bọn lính tây không giám xông ra chống cự mà chỉ ở trong đồn bắn vu vơ ra ngoài. Nhân viên các công sở bỏ chạy sang trại lính tây lánh nạn. Nhận được tin cấp báo, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ tức tốc điều hơn 3.500 quân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận, có pháo binh, xe thiết giáp yểm trợ lên đàn áp cuộc khởi nghĩa. Sáng ngày 2/9/1917, quân Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công vào lực lượng nghĩa quân. Cuộc chiến đấu “diễn ra ác liệt ngay từ trận đụng độ đầu tiên”. Dù quân số ít, trang bị vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần dũng cảm mưu trí, nghĩa quân đã chiến đấu kiên cường tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Tuy vậy, sau 4 ngày chiến đấu ác liệt, nghĩa quân đã bị tổn thất lớn, Lương Ngọc Quyến chỉ huy chiến đấu đã anh dũng hy sinh tại trận đánh này.
Sau một tuần làm chủ tỉnh lị, trong thế so sánh lực lượng quá chênh lệch, đến trưa ngày 5/9, mặt trận của cuộc khởi nghĩa bị quân Pháp phá vỡ, Đội Cấn buộc phải rút quân ra khỏi thị xã Thái Nguyên, tiến hành một cuộc di chuyển vô cùng gian khổ qua các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên. Trước sự truy lùng ác liệt của kẻ thù, nghĩa quân lại trở về Thái Nguyên vào tháng 10/1917. Lúc này lực lượng nghĩa quân đã giảm sút nhiều, chỉ còn độ 40 người. Quân địch truy kích ráo riết buộc nghĩa quân phải chuyển lên đèo Nứa, Hoàng Ðàm (Phổ Yên). Ðội Giá và Ðội Xuyên được chuyển sang Yên Thế (Bắc Giang) xây dựng căn cứ. Đội Cấn cùng một số ít nghĩa quân cầm cự với giặc ở vùng núi Pháo (Ðại Từ). Đội Cấn bị thương rất nặng ở chân, nhận thấy không còn khả năng chỉ huy cuộc khởi nghĩa, ngày 11/1/1918 ông quyết định tự sát để giữ trọn khí tiết. Những người chỉ huy còn lại của nghĩa quân lần lượt bị rơi vào tay giặc hoặc buộc phải ra hàng. Và người giải giáp cuối cùng là Đội Giá vào ngày 4/3/1918(1).
Mặc dù chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, nhưng có thể khẳng định rằng, đây là một trong những cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa độc đáo, nổ ra khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918) đang ở thời điểm ác liệt nên đã trở thành một trong những sự kiện lớn, có ảnh hưởng sâu sắc trên phạm vi toàn quốc, gây tiếng vang lớn trên thế giới. Và với sự tham gia của những nghĩa binh vốn là công nhân ở những cơ sở công nghiệp khai khoáng, cuộc Khởi nghĩa đã chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đang tiến mạnh trên con đường đấu tranh tự giác, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng từ lập trường Quân chủ lập hiến của những người yêu nước Việt Nam, sang lập trường Cộng hòa dân quốc cho đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Nghĩa khí của nghĩa quân đã góp phần tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc, hun đúc truyền thống yêu nước quật cường, tiếp thêm sức mạnh giúp nhân dân Thái Nguyên vuợt qua nhiều thử thách cùng cả nước vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng với nhiều hoạt động sôi nổi nhiệt thành. Những yếu tố đó đã tạo điều kiện để ngày 15/9/1941 tại rừng Khuôn Mánh thuộc Làng Ngọc Mỹ, xã Tráng Xá, huyện Võ Nhai Trung đội Cứu quốc quân II được ra đời - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân Thái Nguyên không tiếc công, tiếc của và đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước góp phần quan trọng làm nên một “Thủ đô kháng chiến” bất khả xâm phạm, để Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cũng với hành trang là tinh thần chiến đấu ngoan cường của những nghĩa sỹ Thái Nguyên năm xưa, nhân dân Thái Nguyên đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng chục ngàn con em các dân tộc Thái Nguyên đã có mặt trên khắp các chiến trường, cùng cả nước đổ máu, hy sinh tuổi xuân để làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
  Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, Thái Nguyên đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, chậm phát triển, Thái Nguyên đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh đứng đầu của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ. Năm 2021, Thái Nguyên đạt mức tăng trưởng 6,51%, cao gấp 2,5 lần bình quân chung của cả nước; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt trên 95 triệu đồng/người, tăng 6,4 triệu đồng/người so với năm 2020; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%, đứng thứ 4 cả nước; giá trị xuất khẩu đạt gần 29 tỷ USD, tăng 17,9%; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 18.000 tỷ đồng,vượt 46,2% (vượt 5.700 tỷ đồng) so với Trung ương giao, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Tỉnh Thái Nguyên có 3 thành phố, 6 huyện, trong đó 2 huyện đã đặt ra mục tiêu phấn đấu cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Tỷ lệ đô thị hóa của Thái Nguyên hiện đạt gần 40%, cao nhất trong các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Kiều Hoa (tổng hợp)
(1) Lịch sử Việt Nam, tập 7, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2017.
                                                                   


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập369
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm367
  • Hôm nay54,608
  • Tháng hiện tại1,224,666
  • Tổng lượt truy cập27,471,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây