“Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943 đã tạo bước ngoặt lớn đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa mới. Những giá trị của bản Đề cương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối, tư tưởng của Đảng, là kim chỉ nam trong công cuộc chấn hưng văn hóa nước nhà. Đối với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, việc vận dụng tư tưởng cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam như thế nào, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, tặng hoa chúc mừng các nghệ sĩ
nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: Ngọc Chuẩn
P.V: Đồng chí hãy cho độc giả biết những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam 80 năm qua đã được tiếp tục cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng như thế nào?
Đ/c Vũ Duy Hoàng: Cách đây 80 năm, Đảng ta đã thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đề cương có gần 1.500 chữ, ngắn gọn, súc tích, được xem như cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng.
Trải qua 8 thập kỷ với rất nhiều biến động, các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên sức sống và có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày nay.
Từ khi Đề cương ra đời đến nay, nhiều định hướng quan trọng đã được Đảng ta kế thừa, bổ sung. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”.
Để quán triệt sâu sắc, toàn diện, đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.
Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên càng thêm trân trọng vai trò của Đề cương và những nỗ lực của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa trong việc vận dụng linh hoạt các giá trị, nguyên tắc của Đề cương để phát huy giá trị văn hóa, con người với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển.
P.V: Vậy, Thái Nguyên đã vận dụng những tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam vào thực tiễn như thế nào để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Duy Hoàng: Vận dụng tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó là: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Từ đó, việc ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, đề án quan trọng của tỉnh đều dựa trên nền tảng phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, thể hiện ở các nội dung sau:
Quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân; tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao/nhà văn hóa/hội trường đa năng/trung tâm học tập cộng đồng. Việc xây dựng thiết chế văn hoá phục vụ các nhóm đối tượng đặc thù như thanh thiếu niên, nhi đồng và công nhân lao động được quan tâm.
Các phong trào thi đua yêu nước được quan tâm tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, lễ hội được tổ chức lành mạnh, phù hợp với tình hình, phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với nhu cầu của người dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương được coi trọng, đẩy mạnh. Theo đó, tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”. Tiến hành số hóa toàn bộ hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể.
Các địa phương trong tỉnh quan tâm xây dựng nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ…
Tập trung xây dựng, phát triển con người Thái Nguyên một cách toàn diện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng. Thái Nguyên là trung tâm đào tạo đứng thứ 3 cả nước, với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, quy mô đào tạo hàng trăm nghìn sinh viên, học sinh có trình độ, tay nghề đáp ứng được yêu cầu lao động kĩ thuật... Mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và sát với tình hình thực tiễn của địa phương…
Việc vận dụng sáng tạo tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam và cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực văn hóa vào thực tiễn của tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp - nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
P.V: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những kết quả nổi bật của Đảng bộ tỉnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Đ/c Vũ Duy Hoàng: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X, kế thừa và phát triển nền văn hóa của dân tộc; cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn học, nghệ thuật của Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu nổi bật góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung Nghị quyết; đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật vào nghị quyết đại hội đảng các nhiệm kỳ, vào nghị quyết triển khai nhiệm vụ hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; xây dựng quy hoạch, chương trình hành động, kế hoạch phát triển của từng ngành, đơn vị.
Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật có bước phát triển tốt, mang bản sắc văn hóa của Thái Nguyên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; tích cực tham gia và đạt nhiều giải cao tại các hội thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; đặc biệt là phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.
Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được chú trọng, góp phần định hướng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động sáng tác. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Lực lượng văn, nghệ sĩ trong tỉnh có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa luôn được chú trọng, góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Tỉnh đã nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án, đề tài khoa học, tiêu biểu như: Dự án sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu giữ và phát huy giá trị các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Đề tài “Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên qua xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động nhà văn hóa cộng đồng”; Đề tài “Giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của lễ hội tại di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”… Qua đó góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh, đồng thời là nguồn tư liệu quý cho các thế hệ mai sau.
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các đại biểu tham quan triển lãm ảnh
nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ảnh: Ngọc Chuẩn
P.V: Để tiếp tục phát huy những giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, đồng chí có định hướng gì về nội dung công tác tuyên truyền của tỉnh trong thời gian tới?
Đ/c Vũ Duy Hoàng: Xác định xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên phát triển toàn diện là một trong những nền tảng để xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Để tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; phát huy những giá trị tốt đẹp của Đề cương về văn hóa Việt Nam, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh, thời gian tới công tác tuyên truyền cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, nhân dân các nội dung: Ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, lâu bền của Đề cương về văn hóa Việt Nam; kết quả thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX; nội dung phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; việc triển khai thực hiện chuyên đề toàn khóa và hằng năm về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền những thành tựu và kết quả nổi bật về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong 80 năm qua và sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiên tiến trong xây dựng, bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa, con người Việt Nam; chú trọng tuyên truyền văn hóa, đạo đức trong Đảng và xã hội.
- Tuyên truyền những vấn đề đặt ra trong công tác văn hóa thời gian tới; kiến nghị, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng như Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử, vai trò quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa - văn nghệ, xây dựng con người Việt Nam.
Công tác tuyên truyền cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có sức lan tỏa sâu rộng; bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, thuyết phục, chất lượng, hiệu quả.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thúy Hằng (Thực hiện)
(https://baothainguyen.vn/)