Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên 75 năm xây dựng và trưởng thành (1947 - 2022)

Thứ sáu - 01/04/2022 04:23 0
Giữa tháng 4 năm 1947, Ban Chỉ huy Tỉnh đội bộ dân quân Thái Nguyên được thành lập. Trải qua chặng đường 75 năm xây dựng và chiến đấu, gắn liền với các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh Biên giới; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Ngày 15/4/1947, tại Sân Vận động thị xã Thái Nguyên, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính tỉnh tổ chức Lễ thành lập Tỉnh đội và ra mắt Ban Chỉ huy Tỉnh đội bộ dân quân (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự) tỉnh Thái Nguyên; tiếp đó là sự ra đời của ban chỉ huy huyện đội, xã đội bộ dân quân. Cơ quan chuyên trách gồm những cán bộ đã được đào tạo qua các lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày của Bộ Quốc phòng, cán bộ chính trị của các đoàn thể do Tỉnh ủy điều sang. Với sự ra đời của Tỉnh đội bộ dân quân, Tỉnh ủy, Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính tỉnh đã có một cơ quan phụ trách về công tác quân sự địa phương, trước hết là củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch tác chiến, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu, hành động của kẻ thù.
image 20220401152451 1
Huấn luyện quân dự bị động viên ở Trung đoàn 832, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên
Thực hiện Thông tư số 46/TT, ngày 07/7/1949 của Bộ trưởng Quốc phòng về việc thành lập và tổ chức bộ đội địa phương, từ tháng 10/1949, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, ban chỉ huy huyện đội, xã đội bộ dân quân đã làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân và lực lượng dân quân, du kích hiểu rõ bộ đội địa phương là một bộ phận của Quân đội quốc gia Việt Nam. Bộ đội địa phương có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, do địa phương tự cấp dưỡng và trang bị vũ khí. Các ngành, các cấp trong tỉnh đều có trách nhiệm xây dựng bộ đội địa phương. Trên cơ sở cơ quan chỉ huy dân quân các cấp tỉnh, huyện, đại đội du kích tập trung của tỉnh và các trung đội du kích tập trung của các huyện, trong hai tháng 10 và 11/1949, Ban Chỉ huy Tỉnh đội làm tham mưu và giúp Tỉnh uỷ và Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh tổ chức xây dựng xong lực lượng bộ đội địa phương, gồm Ban Chỉ huy và các cơ quan Tỉnh đội, Huyện đội và đại đội bộ đội địa phương tỉnh, huyện, với tổng quân số 897 cán bộ, chiến sĩ.
Khi mới thành lập, do địa phương phải tự nuôi dưỡng và trang bị vũ khí, lại đúng vào lúc giáp hạt, nên đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương Thái Nguyên (trong đó có Tỉnh đội) rất khó khăn, thiếu thốn. Với mức sinh hoạt phí mỗi người, mỗi tháng 180 đồng (không đủ để đong gạo ăn) nên có đơn vị bộ đội địa phương của tỉnh phải phân tán vào trong dân, nhờ dân nuôi dưỡng; có đơn vị phải ăn rau, ăn cháo hàng tuần lễ. Trước tình hình đó, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Hũ gạo kháng chiến” và ủng hộ bộ đội địa phương. Đến tháng 12/1949, nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ bộ đội địa phương được 154.524 kg thóc, 251.570 đồng tiền mặt, 116 áo trấn thủ, 352 bộ quần áo. Ngoài ra, nhân dân trong tỉnh còn dành 24 mẫu ruộng cho bộ đội địa phương “vừa đánh giặc, vừa sản xuất”, mỗi năm các đơn vị bộ đội địa phương trong tỉnh đã đảm bảo tự túc được lương thực từ hai đến ba tháng. Mức sinh hoạt phí của bộ đội địa phương mỗi người, mỗi tháng được tăng từ 180 đồng lên 240 đồng. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, huyện đã tạm thời thoát khỏi cảnh đói, rét.
Hơn 7 tháng sau ngày thành lập (ngày 15/4/1947), Tỉnh đội bộ dân quân tỉnh Thái Nguyên đã chỉ huy, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân, du kích, tự vệ Thái Nguyên trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng đánh bại cuộc hành quân Xanhtuya trong Chiến dịch tấn công Việt Bắc Thu - Đông 1947 của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn Thủ đô kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân đội. Từ năm 1948 đến năm 1950, Tỉnh đội đã chỉ huy, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đánh bại các cuộc tấn công của quân Pháp lên địa bàn Thái Nguyên, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950.
Từ năm 1951, quân đội ta liên tiếp mở các chiến dịch tiến công và phản công trên các chiến trường. Nhu cầu chi viện cho tiền tuyến ngày càng cao, tỉnh Thái Nguyên đã bổ sung cho bộ đội chủ lực một lực lượng lớn tham gia các chiến dịch. Thông qua thử thách ác liệt của chiến tranh, vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, từ trên, dưới 40 cán bộ, chiến sĩ lúc mới thành lập (tháng 4/1947), đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm trường kỳ và gian khổ của dân tộc, Tỉnh đội Thái Nguyên đã phát triển lên quy mô tổ chức cấp trung đoàn, với 3 cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ huy Tỉnh đội (các ban Tham mưu, Chính trị, Hậu cần), 1 tiểu đoàn (3 đại đội) bộ đội địa phương tỉnh, 6 đại đội bộ đội địa phương huyện và 7 huyện đội (Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên đã có gần 20.000 người con ưu tú lên đường tòng quân đánh giặc, có mặt chiến đấu ở khắp các chiến trường, trong đó có nhiều người đã lập công xuất sắc, được khen thưởng nhiều huân chương các loại. Đồng chí Dương Quảng Châu (quê ở xã Thành Công, huyện Phổ Yên), lập công xuất sắc được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Tỉnh đội đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang nhân dân địa phương tham gia khôi phục, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; vừa sản xuất, vừa trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên địa bàn; huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua gần 40 chiến dịch động viên tuyển quân lớn, nhỏ, Thái Nguyên đã huy động được 48.278 người vào bộ độiđể có mặt chiến đấu ở khắp các chiến trường, nhiều người đã lập công xuất sắc được tặng thưởng nhiều huân chương và danh hiệu vinh dự các loại. Các đồng chí: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Mai Tâm, Ma Văn Viên, Ngô Văn Sơn, Trần Xuân Thiện, Trần Thế Lại, Vũ Xuân đã lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, được tặng thưởng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Namxã hội chủ nghĩa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục làm tròn nhiệm vụ tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy công tác xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang nhân dân địa phương ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, sẵn sàng nhận, hoàn thành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sau ngày miền Nam giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh bị sa sút nghiêm trọng; đời sống vật chất và tinh thần của gia đình và bản thân cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh nói chung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, kẻ địch lại ráo riết nhằm vào cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân để phá hoại cả về tư tưởng và tổ chức. Nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh nhận rõ kẻ thù, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ thành quả cách mạng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đặt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh lên thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng lực lượng.Quán triệt phương châm của Đảng là kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, đối với lực lượng bộ đội địa phương, theo chỉ đạo của Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành giảm quân số, nâng cao chất lượng, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu khi cần thiết; đối với lực lượng dân quân, tự vệ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo xây dựng rộng khắp, hùng hậu. Nhờ đó, đến cuối năm 1978, tỉ lệ dân quân, tự vệ so với dân số toàn tỉnh đã đạt 14,59% (tăng 3,26% so với tháng 5/1975).
Khi kẻ địch phát động chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc (17/2/1979), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tập trung, gấp rút xây dựng lực lượng bộ đội địa phương có quân số tương đương với một sư đoàn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã kịp thời xây dựng, huy động 8 tiểu đoàn bộ đội địa phương, dân quân du kích và tự vệ chiến đấu lên chi viện cho các tỉnh phía trước đánh địch; đồng thời huy động 20.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân, tự vệ lên xây dựng tuyến phòng thủ và trận địa chiến đấu ở phía trước, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược Biên giới của địch, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Trong giai đoạn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch (1979 - 1984), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, đoàn thể huy động 42.364 thanh niên vào bộ đội; động viên hàng chục vạn đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh ủng hộ lương thực, thực phẩm cho mặt trận, cứu trợ và giúp đỡ thương binh cùng các gia đình liệt sĩ...
Quán triệt quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thông qua Chiến dịch thủy lợi xây dựng hệ thống kênh mương Hồ Núi Cốc, chiến dịch làm đường Bắc Chợ Rã, chiến dịch sửa chữa đường Thác Giềng -Na Rì, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức Lực lượng vũ trang nhân dân địa phương tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế địa phương. Chỉ tính riêng 10 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (1975 - 1985), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cán bộ, chiến sĩ đóng góp hàng vạn ngày công tháo gỡ, thu gom bom đạn địch, san lấp hố bom, giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình thủy lợi, cầu cống, đường sá, phòng chống bão lụt, khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về củng cố và xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của kẻ thù, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng lực lượng bộ đội địa phương theo biên chế của Bộ Quốc phòng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức rèn luyện, huấn luyện để không ngừng nâng cao chất lượng và sức mạnh chiến đấu của lực lượng bộ đội địa phương. Đối với lực lượng dự bị động viên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh coi trọng xây dựng về mọi mặt, quản lý chặt chẽ cả về số lượng và chất lượng, huấn luyện tốt, khi cần thiết có thể động viên được nhanh chóng theo kế hoạch. Lực lượng dân quân, tự vệ được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng có số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng được nâng cao, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra, canh gác, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Như vậy, sau 75 năm xây dựng và trưởng thành (1947 - 2022), Tỉnh đội dân quân nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cơ quan tham mưu và giúp Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính tỉnh  (Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Ủy ban Hành chính tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh) lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, củng cố tổ chức, huấn luyện, chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân địa phương (gồm bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ và quân dự bị động viên) ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa xây dựng, vừa trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tham gia xây dựng kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn. Trong các phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh (danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Huân chương Sao Vàng...) có sự đóng góp to lớn và quan trọng của Lực lượng vũ trang nhân dân Thái Nguyên nói chung, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nói riêng.
Bước sang những năm đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, các thế lực thù địch trong nước và quốc tế vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ", nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ những thành quả cách mạng mà các thế hệ ông, cha chúng ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu mới giành được. Phát huy lịch sử, truyền thống 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên nguyện không ngừng nỗ lực phấn đấu, vươn lên, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước./.
                                                                         Kiều Hoa (Tổng hợp)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm404
  • Hôm nay58,084
  • Tháng hiện tại1,228,142
  • Tổng lượt truy cập27,474,792
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây