Giao thông Vận tải Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Thứ sáu - 11/03/2022 05:07 0
Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 28/8/1945, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh thành lập Nha Giao thông - Công chính, ngày nay là Bộ Giao thông vận tải. Những ngày đầu khi mới thành lập nhiệm vụ chính của ngành Giao thông công chính là tập trung củng cố những con đường vào ATK, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Thái Nguyên là An toàn khu (ATK) của Trung ương, đầu mối giao thông và cũng là địa bàn các binh đoàn tỏa đi. Trong thời gian đó, cán bộ, công nhân ngành Giao thông Vận tải (GTVT) và nhân dân Thái Nguyên đã đảm bảo giao thông thông suốt, liên tục, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên Căn cứ địa Việt Bắc mà Thái Nguyên được chọn làm ATK Trung ương. Từ cuối năm 1946 đến trước thu đông 1947 Thái Nguyên nhộn nhịp người và phương tiện do các cơ quan di chuyển lên. “Địch có thể tấn công lên Việt Bắc”, nhiệm vụ của ngành giao thông lúc này là thực hiện chủ trương của Trung ương “Tiêu thổ kháng chiến”. Từ thị xã Thái Nguyên đến các địa phương, nhân dân triệt để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, nhà cửa đánh sập, cầu cống phá hỏng, đường xá băm nát. Phá đường để cản bước tiến của giặc nhưng phải đảm bảo giao thông của ta, vì vậy công tác chuẩn bị đánh địch, sơ tán các cơ quan, mở đường vào các vùng sâu đảm bảo an toàn cho các cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến là những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Ty giao thông Thái Nguyên đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần vào chiến thắng Thu - Đông năm 1947 (Một cuộc tấn công quy mô lớn của thực dân Pháp vào căn cứ địa Việt Bắc).
Cau Gia bay TN 1947
Nhân dân Thái Nguyên phá cầu Gia Bẩy “Tiêu thổ kháng chiến” năm 1947
Từ sau chiến thắng Thu - Đông 1947, Thái Nguyên với vị trí ATK, là đại bản doanh của cuộc kháng chiến nên công tác giao thông cực kỳ quan trọng. Trước đây ta phá đường thì nay ta đắp đường, mở thêm nhiều đường mới để giao thông liên lạc giữa các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn được thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời cũng từ đây, mọi phương tiện vận tải từ trung tâm cuộc kháng chiến tỏa đi phục vụ các chiến dịch. Lúc này, GTVT Thái Nguyên có nhiệm vụ tiếp tục củng cố hệ thống đường sá, trong đó hệ thống cầu phà được chú trọng đặc biệt; tham gia mở đường 13 Yên Bái-Khe Nhe. Để làm con đường này Thái Nguyên đã huy động 5.000 nhân công, bí mật thực hiện mở đường trong thời gian 9 ngày và đã hoàn thành để tiếp nhận đoàn xe vào chiến dịch.
Từ năm 1951 trở đi, việc làm đường và sửa chữa cầu, đường phục vụ chiến dịch trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của cuộc kháng chiến. Vì tầm quan trọng đặc biệt của GTVT trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi công tác sửa chữa cầu, đường. Đồng chí Trần Đăng Ninh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, được Bác cử làm Đặc phái viên phụ trách công tác cầu đường. Trong 3 năm (đầu năm 1951 đến đầu năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi kiểm tra cầu, đường; thăm hỏi cán bộ, dân công, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ sửa chữa cầu, đường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
BH di tham thuc dia
Hồ Chủ tịch xem bản đồ trên đường đi công tác kiểm tra thực địa
Vào trung tuần tháng 3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tuyến đường từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn và thăm một số đơn vị làm đường, kho tàng... Bác đã gặp Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, Trưởng ty Công chính tỉnh để nghe báo cáo và trực tiếp chỉ thị về công tác sửa đường, mở đường. Chiều ngày 19/3/1951, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đang hăng hái thi đua sửa chữa cầu đường tại khu vực xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Trên khoảng đất trống, dưới gốc cây sảng to, bên sườn đồi Lũng Lươn, dưới ánh lửa bập bùng, đông đảo cán bộ, bộ đội và nhân dân quây quần nghe Bác nói chuyện. Bác thông báo cho mọi người biết tin vui sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951), Đảng Lao động Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam đã ra hoạt động công khai. Về nhiệm vụ kháng chiến, Bác nhấn mạnh yêu cầu của việc sửa chữa cầu đường, đáp ứng nhu cầu vận chuyển của xe cơ giới. Bác khen cán bộ Thái Nguyên đoàn kết tốt, công tác tốt; nhân dân Thái Nguyên chịu khó tăng gia sản xuất và phục vụ chiến đấu…Bác biểu dương những cá nhân và địa phương có nhiều thành tích đóng góp lương thực thực phẩm, đi dân công…Gần cuối buổi nói chuyện, Bác ngừng lại một chút rồi hỏi các đồng chí, đồng bào có ai hỏi gì Bác không ? đồng chí Đặng Văn Vệ, Trưởng ty Lao động đứng lên hỏi: Thưa Bác có khoẻ không. Bác cười và nói: Bác khoẻ nhưng đi đường của các chú làm Bác mệt lắm. Các chú muốn Bác khoẻ thì phải làm đường cho tốt…
Sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện, nhớ lời căn dặn của Bác, công tác sửa chữa cầu đường của Thái Nguyên có nhiều tiến bộ. Các tuyến đường do tỉnh Thái Nguyên sửa chữa, khôi phục đều vượt thời gian trên giao.
Cuối tháng 3/1954, khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, để cứu nguy cho đồng bọn ở mặt trận, địch đánh phá dữ dội các tuyến GTVT hòng ngăn chặn việc tiếp tế, hậu cần của ta. Đèo Khế nằm trên tuyến đường từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang lên Tây Bắc là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi lần máy bay địch dội bom, thanh niên xung phong và dân công Thái Nguyên nhanh chóng sửa đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Bác Hồ đã chỉ thị cho Tổng cục Cung cấp tổ chức đưa Người đi kiểm tra tuyến đường thuộc tỉnh Thái Nguyên và thăm các lực lượng làm nhiệm vụ sửa chữa cầu đường ở Đèo Khế. Tới chân Đèo Khế, Bác xuống xe đi bộ suốt 4 km đường đèo, thăm hỏi, động viên anh chị em dân công và thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ. Tại đây, Bác nhắc nhở đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thái Nguyên chăm lo tốt hơn nữa đời sống các chiến sĩ trên mặt trận giao thông thời chiến. Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh xin vâng lời Bác và chúc Bác mạnh khoẻ. Bác nói: Chú cứ sửa đường tốt là Bác khoẻ.
Để đảm bảo giao thông vận tải kịp thời chi viện chiến trường, Tỉnh ủy Thái Nguyên quyết định thành lập Ban Bảo vệ cầu, đường cấp tỉnh, huyện, xã dọc các tuyến giao thông, làm nhiệm vụ tổ chức tuần tra, canh gác ở các trọng điểm giao thông, những nơi xung yếu. Năm 1953, Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo giao thông thời chiến, sửa chữa các tuyến Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B, Tỉnh lộ 13A Bờ Đậu - Đèo Khế và các đường Linh Nham - Giang Tiên; Km 31 - Quán Vuông - Khuôn Ngàn; Dốc Dinh - Dốc Điệp - đường vòng Đèo Khế, với khối lượng đào, đắp hơn 123.900 m3 đất, 22.634m3 đá, khai thác 1.534,5m3 gỗ làm cầu với tổng số 900.000 công dân công và 29.595 công thợ, huy động 2.168 tấn thóc cho việc đảm bảo GTVT.

Từ sau khi Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, để đảm bảo GTVT phục vụ chiến dịch, đầu năm 1954, Tỉnh ủy Thái Nguyên tập trung cán bộ các ngành: Thanh niên, Nông hội, Kiểm tra... xuống lãnh đạo, chỉ đạo các huyện trong tỉnh huy động dân công đi sửa chữa cầu, đường trên Quốc lộ 1B và Tỉnh lộ 13A. Lực lượng dân quân, du kích toàn tỉnh thành lập được 115 tổ bảo vệ giao thông với trên 1.900 tổ viên, làm nhiệm vụ bảo vệ tại các trọng điểm giao thông trên địa bàn tỉnh.Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ!”, “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng!”, ngoài đóng góp lương thực, thực phẩm, toàn tỉnh Thái Nguyên đã huy động 9.559 dân công đi sửa chữa cầu, đường giao thông phục vụ chiến dịch, không kể hàng ngàn dân công gồng gánh, đẩy xe thồ chở lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ góp phầnlàm nên chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Là một trong những tỉnh trung tâm của Căn cứ địa Việt Bắc, mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đều có sự đóng góp tích cực của nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Thái Nguyên. Trong các chiến dịch, chỉ riêng công tác đảm bảo GTVT của quân và dân Thái Nguyên cũng đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá về lòng yêu nước, đoàn kết, trí sáng tạo của đồng bào các dân tộc nơi đây/.
                                                                               Hứa Thị Kiều Hoa
        (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập246
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm231
  • Hôm nay54,820
  • Tháng hiện tại1,117,643
  • Tổng lượt truy cập25,714,396
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây