Đẩy mạnh thực hiện 5 mô hình học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập

Thứ năm - 10/10/2024 03:35 0
Ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Thực hiện Đề án, việc xây dựng các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đã đạt được kết quả rất đáng trân trọng, tạo đà cho giai đoạn 2021 - 2030.
Từ năm 2016, triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, nội dung vận động nhân dân thực hiện các phong trào khuyến học, khuyến tài ở các địa phương trong tỉnh, xây dựng các mô hình học tập: Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập được gắn chặt với việc bình xét gia đình văn hóa; cộng đồng làng, bản, xóm phố văn hóa; xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng đô thị văn minh.
Việc trao học bổng, khen thưởng con cháu là học sinh giỏi cũng như hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn được lồng ghép và trao thưởng vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân hằng năm ở mỗi thôn, bản, tổ dân phố, làng, xã như tiếp thêm sức mạnh đoàn kết bà con nhân dân ở cơ sở, gắn bó thân thiết hơn giữa mỗi gia đình, dòng họ với cộng đồng. Việc quan tâm đến giáo dục không chỉ dừng lại trong các nhà trường, các cơ sở giáo dục mà đã trở thành nét đẹp truyền thống gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ngay từ mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư.
Bước sang giai đoạn mới 2021-2030, khi mô hình Công dân học tập chính thức được triển khai thực hiện, cùng với 4 mô hình học tập của giai đoạn trước, hiện nay, các cấp Hội Khuyến học trong cả nước đã và đang triển khai xây dựng 5 mô hình học tập theo Quyết định số 387-QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đơn vị giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt là Quyết định 387/QĐ-TTg) và Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030" (gọi tắt là Quyết định số 677/QĐ-TTg).
image 20241010143518 1
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và đồng chí Vũ Duy Hoàng,
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng thưởng cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu
trong thực hiện 5 mô hình học tập tại buổi Gặp mặt truyền thống 02/10/2023
Ngay sau khi có Quyết định số 387-QĐ-TTg và Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Thường trực Tỉnh Hội đã nghiên cứu và tham mưu, đề xuất kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Hội Khuyến học tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 40/KH-HKHTN, ngày 06/6/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg và Kế hoạch số 43/KH-HKHTN, ngày 23/6/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg sau khi đã lấy ý kiến của tất cả các huyện, thành trong tỉnh, các ngành liên quan và của các thành viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh; đồng thời chỉ đạo Hội khuyến học các cấp căn cứ điều kiện thực tiễn của địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 100% các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều triển khai thực hiện nghiêm túc.
Tỉnh Hội đã tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức phát động trên toàn tỉnh về triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào ngày 28/7/2022; tập huấn cho Ban Chấp hành và 177 Chủ tịch Hội Khuyến học các xã, phường, thị trấn về các quyết định, kế hoạch và triển khai Bộ tiêu chí, hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030.
Đến năm 2023, các cấp Hội đã hoàn thành đánh giá 05 mô hình học tập theo các tiêu chí mới, cơ bản đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Cụ thể: Gia đình học tập: 260.966, đạt tỷ lệ 92% so với số gia đình đăng ký; Dòng họ học tập: 643, đạt tỷ lệ 84% so với số dòng họ đăng ký; Cộng đồng học tập: 1816, đạt tỷ lệ 93% so với số cộng đồng đăng ký; Đơn vị (cấp xã) học tập: 653, đạt tỷ lệ 92% so với số đơn vị đăng ký; Công dân học tập: 262.852, đạt tỷ lệ 87,7% so với số công dân đăng ký.
So với những năm trước, từ năm 2023, Hội đã tổ chức bài bản và đánh giá các mô hình học tập hiệu quả hơn trước; là đơn vị đứng trong top đầu toàn quốc về đánh giá mô hình trực tuyến Công dân học tập; là một trong số các Hội trên toàn quốc áp dụng hiệu quả công tác chuyển đổi số trong đánh giá các mô hình học tập. Chủ đề chuyển đổi số đã được Tỉnh Hội lựa chọn là nội dung để phát động thực hiện trong các cấp hội, hướng tới chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029. Việc thực hiện chuyển số trong công tác khuyến học cũng đã giảm bớt được khối lượng công việc mà cán bộ hội khuyến học các cấp phải thực hiện, hiệu quả nhanh hơn và sức lan tỏa rộng hơn. Tính đến tháng 9 năm 2024, đã có trên 200.000 tài khoản công dân đánh giá trên môi trường trực tuyến. Với số lượng trên, các cấp hội đã tiết kiệm gần 1 tỷ đồng so với đánh giá thủ công.
Mặt dù tỉnh còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng công tác vận động xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã thực sự tiến bộ, tăng hơn so với trước đây cả về số lượng các đơn vị, cá nhân, tập thể, tổng số tiền và hiện vật ủng hộ.
Việc xây dựng quỹ đã rất đa dạng: Từ quỹ khuyến học trong gia đình, dòng họ đến quỹ khuyến học của hội đồng hương, của các cấp hội, đoàn thể, của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhà tài trợ, của các nhà chùa, xứ đạo… Các phong trào như nuôi “lợn nhựa khuyến học”, trồng “cây chuối khuyến học”… để xây dựng Quỹ khuyến học được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng. Điều đó đã thể hiện sự đồng lòng ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh xây dựng 5 mô hình học tập từ cơ sở.
Năm 2023, bình quân đầu dân tham gia Quỹ khuyến học đạt 51.112đ/người dân, tăng cao so với trước đây, vượt mức bình quân chung của cả nước (năm 2020 đạt 15.000đ/người dân) do có thêm các chương trình phối hợp và tổng hợp đầy đủ hơn so với trước. Lần thứ XI tổ chức Chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường” năm 2023, đã có 240.916 học sinh, sinh viên ở các cấp học trong tỉnh được trao học bổng với số tiền đạt 68.511.129.500đ, là con số cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động (ngày 10/6/2023, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc), Tỉnh Hội đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào thi đua “Mỗi người dân tự học, học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ chuyển đổi số”. Các nội dung của Phong trào đã được triển khai trong toàn hệ thống khuyến học các cấp trong tỉnh.
Việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các mô hình học tập đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; góp phần nâng cao nhận thức của người dân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.
Việc phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đoàn thể đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Tỉnh Hội chú trọng quan tâm. Tỉnh Hội đã ký kết phối hợp hoạt động với 12 đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Cựu giáo chức tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2030.
Việc ký kết chương trình phối hợp đã cụ thể hóa nhiều hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt hiệu quả cao (như củng cố phát triển hội viên, vận động xây dựng quỹ khuyến học, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về công tác khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn hiện nay...). So với những năm trước, những năm gần đây, công tác phối hợp với các đơn vị chủ động, hiệu quả, thực chất hơn.
Mỗi năm, đã có hàng trăm tin, bài tuyên truyền về hoạt động của các cấp Hội trong tỉnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động khuyến học, khuyến tài được lan tỏa rộng khắp, nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân được nâng dần lên, nhất là người dân lao động ở các địa phương đã chủ động thay đổi việc làm để phù hợp với xu thế chung của toàn xã hội, vừa đảm bảo thu nhập cho cuộc sống của bản thân và gia đình, đồng thời đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Hiện nay, xây dựng 5 mô hình học tập đã và đang được các cấp hội Khuyến học coi là nhiệm vụ xuyên suốt trong giai đoạn cách mạng mới, cũng là hoạt động của các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh thiết thực hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Đỗ Thị Thìn
(Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập223
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm219
  • Hôm nay39,109
  • Tháng hiện tại1,169,889
  • Tổng lượt truy cập24,087,180
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây