Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và mỗi địa phương. Có thể thấy, từ khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” được ban hành, đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành CNTT phát triển mạnh mẽ hơn. Đối với Thái Nguyên, thời gian qua, việc ứng dụng CNTT đã được tỉnh tích cực triển khai sâu rộng và đồng bộ, xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hành động. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh đã đạt được nhiều thành quả quan trọng với những bước phát triển và đột phá trong lĩnh vực CNTT.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT. Để bảo đảm việc triển khai ứng dụng CNTT một cách bền vững, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông giữa các hệ thống với nhau và với các hệ thống của Trung ương, tỉnh đã xây dựng nhiều văn bản về hướng dẫn quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống chỉ tiêu đánh giá và ban hành các quy chế, quy định về quản lý, vận hành, chính sách thúc đẩy phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức tăng cường hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, tỉnh đã ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí cho nhiều đề tài, dự án và nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra, những năm qua, hệ thống hạ tầng thông tin của tỉnh được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Trong công tác quy hoạch tổng thể, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3442/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Thái Nguyên, phiên bản 2.0, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ. Tỉnh ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng số đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có mạng LAN, kết nối Internet thông suốt, an toàn. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn; kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh; phục vụ an toàn, kịp thời các phiên họp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, cấp huyện và 177/177 kênh cấp xã. Hiện nay, tổng số hệ thống thông tin của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện của tỉnh là 57 hệ thống thông tin; các hệ thống thông tin đảm bảo tuân thủ các chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin. Trong thực hiện Đề án 06/CP của Chính phủ, tỉnh đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu các cấp; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) được phát triển và khai thác hiệu quả, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tỉnh hoàn thành tích hợp 53/53 Dịch vụ công thiết yếu trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo 04 tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” để khai thác dữ liệu theo đúng tiến độ của các bộ, ngành, trung ương. Việc tổ chức thực hiện kịp thời, quyết liệt đã tạo lập được cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ, công nghệ hiện đại, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT cho cơ quan nhà nước và nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước đã được các cấp, ngành tỉnh Thái Nguyên
đẩy mạnh thực hiện để hướng tới nền hành chính số
Xác định ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, thời gian qua, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước giúp tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc. Đến nay, Hệ thống quản lý văn bản đi đến và điều hành của tỉnh đã triển khai tại 48 sở, ban, ngành; 08 đơn vị cấp huyện (thành phố Thái Nguyên dùng Hệ thống riêng) và 100% xã, phường, thị trấn trực thuộc với tổng số 12.026 tài khoản người dùng. Đặc biệt, chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp được triển khai tích cực và đã phục vụ hiệu quả việc thực hiện các giao dịch điện tử như kê khai thuế, kê khai bảo hiểm xã hội, gửi nhận văn bản điện tử...; toàn tỉnh đã cấp 9.219 chứng thư số (gồm 660 chứng thư số tổ chức và 8.559 chứng thư số cá nhân) cho các cơ quan, đơn vị và công chức, viên chức; bảo đảm trang bị 100% chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ một cửa và cán bộ tham gia giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thư điện tử tại địa chỉ http://mail.thainguyen.gov.vn được ứng dụng rộng rãi, đã cấp 16.695 hòm thư điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như trao đổi công việc.
Trong phát triển kinh tế số, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực cho kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới. Theo thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2023 là 31,4%; đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố cả nước. Đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở đã phối hợp với các nhà cung cấp giải pháp triển khai hỗ trợ cho 1.849 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng các nền tảng số; tổ chức đào tạo, tập huấn về Chuyển đổi số, ứng dụng, khai thác nền tảng số cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử, tính đến nay đã có 519/653 (đạt 79,48%) doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (trong đó: 119 doanh nghiệp, 400 hộ kinh doanh), góp phần mang lại nhiều tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Ứng dụng CNTT và công nghệ hiện đại trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng được thực hiện hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT và Mobifone đã triển khai dịch vụ Mobile-Money, đến nay có gần 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm thanh toán.
Với mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030, song song với sự đầu tư, phát triển và ứng dụng CNTT ở các ngành, các lĩnh vực, tỉnh chú trọng đến phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Để bảo đảm cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp CNTT, tỉnh đã triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình. Hiện nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 theo Quyết định số 2407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Khu CNTT tập trung Yên Bình (Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban Chỉ đạo) và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh đang xem xét phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 - Khu CNTT tập trung Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên (200ha). Sau khi Đồ án Quy hoạch được phê duyệt, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phối hợp thực hiện triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, tỉnh đang ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo; đồng thời, lên kế hoạch tiếp cận doanh nghiệp nước ngoài để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn trong năm 2024, mũi nhọn là công nghiệp bán dẫn, chế tạo, điện tử...; thu hút đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp mới được thành lập của tỉnh.
Trên trụ cột xã hội số, với mục tiêu công dân, doanh nghiệp là trung tâm để chuyển đổi số và phát triển dịch vụ thông minh, tỉnh đã xây dựng và triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực… nhằm phát triển nền tảng xã hội số kết nối dịch vụ hành chính công, góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi số. Trong nền tảng y tế, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử: 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân; 100% công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc đã liên thông phần mềm dược quốc gia; Hồ sơ sức khỏe điện tử và cài đặt Sổ Sức khỏe điện tử có 205/213 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông, có 3.096.058 hồ sơ khám, chữa bệnh liên thông lên hệ thống, có 1.035.706/1.319.171 người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe (chiếm 78,51%). Trong giáo dục, tỉnh triển khai cấp chữ ký số tập trung của Ban Cơ yếu Chính phủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành giáo dục sử dụng trong hoạt động chuyên môn, và đã cấp 204 chứng thư số sử dụng giải pháp ký số tập trung. Trong lĩnh vực du lịch, tiếp tục duy trì Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên, bao gồm Website (mythainguyen.vn), ứng dụng (Thai Nguyen Tourism) hoạt động trên các thiết bị di động, đã được tích hợp trên C- Thái Nguyên. Đối với ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông, vận tải, hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang vận hành và triển khai 06 phần mềm được Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao (phần mềm Quản lý giấy phép lái xe, Dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực vận tải, Dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi Giấy phép lái xe, Hệ thống giám sát hành trình, Hệ thống xử lý dữ liệu camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, Hệ thống quản lý bến xe) và 03 phần mềm do Sở Giao thông vận tải xây dựng (phần mềm Quản lý vận tải; phần mềm Quản lý xe, máy công trình; phần mềm Quản lý đào tạo lái xe). Mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh bằng nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo đã phát huy hiệu quả tích cực. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng, toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ 4.0 đủ điều kiện, được tiểu thương và người dân hưởng ứng tích cực, qua đó, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, kích thích hoạt động mua sắm, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn.
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh
cũng như trong việc quản lý, cung cấp các dịch vụ y tế
Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số luôn được chú trọng và thực hiện thường xuyên, tăng cường. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thực hiện việc giám sát an toàn thông tin 24/7 cho các Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; duy trì thực hiện 24/7 Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC); thực hiện đầu tư bổ sung thiết bị, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu tỉnh; trang thiết bị phục vụ hoạt động của Bộ phận một cửa cấp tỉnh, cấp huyện đã đảm bảo đáp ứng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực số ngày càng mạnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số; công tác an toàn, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; các tổ chức chính trị - xã hội; thành viên Tổ công nghệ cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh... đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động, phối hợp đề xuất nhu cầu sử dụng Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (Nền tảng OneTouch) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, với gần 1.500 học viên là thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, nhân sự chuyển đổi số tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo và nhân sự chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí, tuyên truyền... qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Bằng nhiều nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên nền tảng mạng xã hội, các nội dung của Nghị quyết số 36-NQ/TW, trọng tâm là các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CNTT, chuyển đổi số trong quá trình phát triển của đất nước cũng như ở địa phương, cơ quan, đơn vị đã được lan tỏa sâu rộng và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội; các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh, giúp thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước; các nhiệm vụ Đề án 06 được tích cực triển khai, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, kỹ năng số giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tiếp cận các nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ứng dụng, phát triển CNTT là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong cải cách hành chính nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời là chìa khóa để người dân tiếp cận với khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì thế, trong thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, quan điểm, chiến lược phát triển của Trung ương để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ ở địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân phải nhận thức sâu sắc hơn nữa và hiểu đúng, hiểu đủ về ứng dụng CNTT/chuyển đổi số, thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong các hoạt động, tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ viễn thông, làm cho đời sống số trên toàn tỉnh được nâng cao, từ đó góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử, đô thị thông minh và phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương.
TM
(https://chuyendoiso.thainguyen.gov.vn/)