Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Thứ năm - 05/10/2023 01:09 0
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số, cùng với xây dựng chính quyền số, Thái Nguyên xác định phát triển kinh tế số và xã hội số là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, Thái Nguyên đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

 

image 20231005121023 1
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan khu trưng bày sản phẩm của Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong những chỉ tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế sang tăng trưởng xanh,  tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu có trên 3.000 doanh nghiệp số... Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ... Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả nên chiến lược kinh tế số của tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Năm 2022, Thái Nguyên là 1 trong 5 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng) có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất với 42,92%.
image 20231005121023 2
Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của các tỉnh/thành phố (Nguồn: Báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022)
Một trong những đơn vị điển hình áp dụng công nghệ số vào triển khai các bước hoạt động nghiệp vụ là Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị đã tập trung triển khai hàng loạt giải pháp số hóa công tác quản lý thuế như áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc; triển khai ứng dụng eTax Mobile dành cho người nộp thuế là cá nhân; vận hành cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam... Qua đó đã mang lại tiện ích tối đa, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và giúp ngành thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Theo báo cáo của đơn vị, đến nay, số lượng tổ chức sử dụng hoá đơn điện tử trên toàn tỉnh là trên 9.500 đơn vị, đạt tỷ lệ 100%.
Anh Lương Đình Khôi, tổ 10, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên chia sẻ, ứng dụng eTax Mobile giúp cho người nộp thuế có thể thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan thuế mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng đơn giản. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp như đơn vị anh.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng qua hình thức điện tử đạt 100%.
image 20231005121023 3
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh
thăm bộ phận một cửa tại Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên
Bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, Cục Thuế tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Ngành Thuế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” với mục tiêu hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro. Cùng với đó sẽ tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử hiện đại, tích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nền kinh tế số.
Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ http://www.thainguyentrade.vn hiện đang quảng bá, giới thiệu 2.600 sản phẩm; trên 68.000 tài khoản kinh doanh trực tuyến của các hộ sản xuất nông nghiệp được kích hoạt... Ngoài ra, 100% cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường đại học, cao đẳng; 100% cơ sở khám, chữa bệnh, các bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện thực hiện thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt. Tỉnh Thái Nguyên cũng đã rà soát các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó tạo tài khoản chi trả đối với 32.314/40.734 đối tượng, đạt 79,33%... 9/9 huyện, thành phố của tỉnh đã áp dụng mô hình chợ 4.0 với 107 chợ  và các trung tâm thương mại, chợ trung tâm, chợ hạng 1 trên địa bàn sử dụng mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt.
Toàn tỉnh đã có gần 180 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 đến 5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn như Viettel, VinaPost, Voso, Sendo, Lazada, Amazon.... Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất hàng hóa.
image 20231005121023 4
9/9 huyện, thành phố của tỉnh đã áp dụng mô hình chợ 4.0 với mô hình thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt
Chị Nguyễn Thị Giang, tiểu thương tại Chợ thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ cho biết, chị và các tiểu thương tại đây đánh giá cao việc thanh toán qua quét mã QR code, không dùng tiền mặt. Điều nay tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, an toàn cho cả người tiêu dùng lẫn hộ kinh doanh.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, thực hiện triệt để việc phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh, Sở đã bám sát vào các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh hỗ trợ VNPost, ViettelPost triển khai các hoạt động phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Thái Nguyên cũng đã đạt 100% thủ tục hành chính từ cấp tỉnh đến cấp xã được cung cấp trên Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên và được xây dựng quy trình điện tử phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời với đó, tỉnh cũng công khai minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin...
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh các hoạt động phổ biến pháp luật về kinh tế số và chuyển đổi số; đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ hoạt động thương mại điện tử; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, quan tâm hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế ở các doanh nghiệp số...
Có thể thấy, phát triển kinh tế số chính là phương thức để thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, từ đó thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hướng tới xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, phát triển nhanh, bền vững./.
Thu Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập113
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay44,074
  • Tháng hiện tại1,331,963
  • Tổng lượt truy cập13,753,462
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây