Kết quả thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trong 9 tháng năm 2023

Thứ năm - 21/09/2023 10:38 0
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với quyết tâm cao trong lãnh đạo chỉ đạo và điều hành, cùng với cả nước, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số đồng bộ trên toàn tỉnh, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp và phát triển đô thị thông minh, hiện đại, tiến gần đến các mục tiêu xây dựng Thái Nguyên thành tỉnh điển hình chuyển đổi số.
Trong đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 20/02/2023 kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên năm 2023 và Quyết định số 61/QĐ-BCĐ ngày 27/4/2023 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, cùng sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương, đến nay công tác chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực và Nghị quyết đã thực sự làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội.
image 20230921213815 1
Thái Nguyên 2 năm liên tiếp xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số
Về phát triển hạ tầng số: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 72%. Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1.800 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS); tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh, phục vụ an toàn, kịp thời các phiên họp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo; hoàn thành triển khai hạ tầng kết nối, giám sát mạng truyền số liệu chuyên dùng đối với 36 kênh cấp tỉnh, huyện và 177/177 kênh cấp xã, phường. Việc triển khai thí điểm nền tảng địa chỉ số quốc gia  gắn với bản đồ số đã thực hiện cập nhật được 361.315 địa chỉ, trong đó 279.102 địa chỉ được cập nhật từ cơ sở dữ liệu của hệ thống, 82.213 địa chỉ cấp mới; đạt tỷ lệ 99,7% việc thông báo đến chủ sở hữu đối với đối tượng nhà ở cá nhân, hộ gia đình đang có người ở.
Về phát triển chính quyền số: Việc triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đã thực hiện được 25/25 dịch vụ công thiết yếu, đồng thời nghiên cứu, tổ chức thực hiện việc tiếp nhận trả kết quả trên Cổng dịch vụ công đối với 24 thủ tục hành chính mới được bổ sung theo Quyết định số 442-QĐ/TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, thực hiện thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên tại Công văn số 1790/UBND-NC ngày 21/4/2023 và Kế hoạch của Công an tỉnh, trong Quý III/2023 đã thu nhận 9.211 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, 754.250 tài khoản định danh điện tử. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức tại tất cả các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính đáp ứng theo hướng dẫn tại Công văn số 761/VPCP-KSTT ngày 29/01/2022 của Văn phòng Chính phủ, đã hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tiếp tục triển khai tích hợp thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID, 222/222 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh thực hiện tiếp đón người bệnh bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNeID, đến nay, toàn tỉnh có trên 492.000 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân dùng trên ứng dụng VssID và cổng DVC BHXH Việt Nam được phê duyệt. Dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ công trực tuyến, theo kết quả đánh giá các cổng dịch vụ công 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên là 1 trong 43 tỉnh đạt mức độ B trong tổng số 5 mức độ; tình hình xử lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 487.713 hồ sơ, đã xử lý 474.950 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,72%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình đối với các sở, ban, ngành đạt 95,82%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình đối với các huyện, thành phố đạt 89%. Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc; 100% cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số; 100% hồ sơ, dữ liệu đầu vào được số hóa, ký số và được cập nhật lên hệ thống. 100 % Cổng/trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được duy trì và vận hành ổn định. Sổ tay Đảng viên điện tử được quản lý, vận hành theo đúng Quy chế ban hành của Tỉnh ủy, đến nay, Sổ tay Đảng viên điện tử đã được triển khai đồng loạt tại 16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.
Xác định việc phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, ngay từ đầu năm, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số và xã hội số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới. Tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Hiện nay toàn tỉnh có 324 doanh nghiệp công nghệ số. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 khoảng 560 nghìn tỷ đồng (hơn 23,2 tỷ USD) bằng 94% so với cùng kỳ năm 2022. 100% tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh triển khai thành công hóa đơn điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ số doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ hoàn thuế GTGT qua hình thức điện tử đạt 100%. Hiện tỉnh có 03 doanh nghiệp viễn thông (Viettel Thái Nguyên, VNPT Thái Nguyên, Mobifone Thái Nguyên) triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay có gần 435.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán. Phát triển bền vững thị trường thương mại điện tử, tính đến nay có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; đã đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò) với 72 sản phẩm nông nghiệp, tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt 1.545 giao dịch, đã có 128 sản phẩm được gắn nhãn thương hiệu OCOP trên sàn; phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín – Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023”. Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển Khu Công nghệ thông tin tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, đến nay, UBND thành phố Phổ Yên đang tổ chức thực hiện các bước đấu thầu, lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.
image 20230921213815 2
Thành viên HTX dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè tôm nõn để đăng trên sàn thương mại điện tử
Trên trụ cột xã hội số, với mục tiêu công dân, doanh nghiệp là trung tâm để chuyển đổi số và phát triển dịch vụ thông minh, ứng dụng nền tảng công dân số C-Thainguyen, Thái Nguyên ID với nhiều tính năng tiếp tục được triển khai, vận hành mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc kết nối người dân với chính quyền, nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân; chính quyền, chính quyền với chính quyền; và giữa người dân với các dịch vụ xã hội; tiếp tục xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải… nhằm phát triển nền tảng xã hội số kết nối dịch vụ hành chính công,  góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi số. Cùng với đó, việc triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã triển khai 107 chợ, đạt 100%.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm: Đến nay tất cả các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch, văn bản thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023. Công tác truyền thông về chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên với hình thức tuyên truyền đa dạng, nhiều kênh, các cơ quan báo chí của tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí có sức lan tỏa lớn của Trung ương kịp thời đưa tin, bài, phóng sự phản ánh đậm nét về Thái Nguyên trong việc triển khai Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức số trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Nguồn nhân lực thực hiện chuyển đổi số ở các cơ quan, đơn vị cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tỉnh tiếp tục chú trọng tới đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng CNTT và an toàn thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện: Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, Võ Nhai.
Về công tác an toàn, an ninh mạng: Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Tổ chức giám sát an toàn thông tin 24/7 cho các Hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2023 đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hành động chủ động hơn nữa để hoàn hành các mục tiêu cụ thể về công tác chuyển đổi số của tỉnh đề ra.
TT&DVĐN
(https://chuyendoiso.thainguyen.gov.vn/)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay51,655
  • Tháng hiện tại224,824
  • Tổng lượt truy cập14,075,954
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây