Công tác giáo dục truyền thống cách mạng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ ba - 30/07/2024 23:02 0
Thái Nguyên tự hào là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam, được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm địa bàn xây dựng căn cứ địa và ATK trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (1939 - 1945). Là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đặt đại bản doanh để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ. Từ đó, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Trải qua những năm tháng hào hùng các cuộc cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chứng tích lịch sử được công nhận, xếp hạng. Với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó những di tích có giá trị lịch sử quan trọng khắc ghi những sự kiện lịch sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá (tháng 12/1972), phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc 27/7/1947 (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ); địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (xã Bình Thành, huyện Định Hóa)… Đây được coi là kho tàng lịch sử quý báu của địa phương; là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng; là điểm hẹn về nguồn của các thế hệ người Việt Nam; là điểm đến hấp dẫn trong hành trình tham quan, nghiên cứu của khách quốc tế.
image 20240731100320 1
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên
(nay là Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV) chụp ảnh cùng các thí sinh đoạt giải
Cuộc thi
tìm hiểu “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên học tập và làm theo Bác” (ngày 15/5/2024)
Là lực lượng tiên phong trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của các ngành, đơn vị, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên đã đăng tải và phát sóng các phóng sự hình ảnh, bài viết giới thiệu về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, các di tích cách mạng gắn với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Từ năm 2019 đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên tổ chức thành công Gameshow “Dân ta phải biết sử ta” phát định kỳ trên sóng truyền hình. Báo Thái Nguyên đã đăng tải tin, bài, ảnh, video clip tuyên truyền về các sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh, việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử như: Di tích lịch sử quốc gia Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái; các di tích lịch sử thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa…
image 20240731100320 2
Chương trình truyền hình Gameshow “Dân ta phải biết sử ta” do Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên tổ chức
Các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục hành vi, chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống, giá trị sống trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong năm 2023, các nhà trường đã tổ chức 2.543 hoạt động triển khai công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục; duy trì hoạt động của 1.642 câu lạc bộ dành cho học sinh tham gia sinh hoạt nhằm xây dựng lối sống, cách sống đẹp, khơi dậy khát vọng cống hiến của đoàn viên, thanh niên, học sinh; tổ chức 8.021 hoạt động nổi bật về giáo dục kỹ năng sống và tham gia các hoạt động trải nghiệm thông qua các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương. Một số đơn vị đã xuất bản đề cương giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng (huyện Định Hóa, huyện Võ Nhai); xây dựng chuyên đề giảng dạy lịch sử địa phương (huyện Phú Bình) làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, học sinh, thanh niên, hội viên các đoàn thể trên địa bàn huyện. 9/9 huyện, thành phố đã đưa nội dung tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương; chương trình chuyên đề “Đảng ta thật là vĩ đại” vào giảng dạy các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tại trung tâm chính trị cấp huyện.
Công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi được tổ chức thường xuyên, bám sát các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, của tỉnh và của Đoàn. Nhiều hoạt động đồng loạt, nhiều đợt sinh hoạt truyền thống, cuộc thi, chương trình được tổ chức có hiệu quả, có sức lan tỏa, hấp dẫn, thu hút đoàn viên, thanh thiếu nhi như: “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, liên hoan các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng. Các hoạt động về nguồn, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, văn hóa, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” được tổ chức thường xuyên. Thông qua các hoạt động trên đã giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về truyền thống cách mạng của Đảng, quê hương, từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tin của thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đặc biệt, nhằm phát huy hiệu quả chương trình chuyển đổi số, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên” nhằm tập hợp, nghiên cứu, xây dựng tư liệu, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên thống nhất, đảm bảo theo hình thức số hóa phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hoá của địa phương. Sau khi hoàn thiện, các sản phẩm của đề tài sẽ được chuyển giao cho Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, C-ThaiNguyen để người dân thuận lợi truy cập, khai thác bộ ngữ liệu số lịch sử, văn hóa, con người Thái Nguyên phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa được thực hiện thường xuyên, mới chủ yếu tập trung vào các đợt cao điểm, các ngày lễ lớn. Hình thức, phương pháp tuyên truyền chưa phong phú; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát động các phong trào thi đua, hưởng ứng các cuộc thi về tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng còn chưa thật sự hiệu quả…
Để công tác giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần làm tốt một số nội dung đó là:
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Hai là, tiếp tục đưa nội dung lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống cách mạng lồng ghép vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thông qua các chương trình ngoại khóa bằng các hình thức phù hợp như: Nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, văn hóa... Hình thức tuyên truyền, giáo dục cần linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi, ứng dụng thành tựu của công nghệ số.
Ba là, tích cực tuyên truyền có hiệu quả về công tác giáo dục truyền thống cách mạng, như: Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương bằng hình thức phù hợp; khuyến khích sự sáng tạo trong tổ chức các cuộc thi. Các cơ quan truyền thông của tỉnh cần tiếp tục mở các chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn “Tìm hiểu lịch sử cách mạng”, “phổ biến kiến thức lịch sử Đảng”, “câu chuyện lịch sử cách mạng”, “tìm hiểu nhân vật lịch sử Đảng”… với nhiều hình thức chuyển tải đa dạng, phong phú, tích hợp công nghệ để thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng.
Giáo dục truyền thống cách mạng là một trong những nhiệm vụ của công tác tuyên giáo, thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục góp phần củng cố niềm tin, lòng tự hào dân tộc, từ đó, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Đào Quỳnh Thơ


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập232
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm230
  • Hôm nay58,185
  • Tháng hiện tại1,295,738
  • Tổng lượt truy cập25,892,491
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây