Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc: Địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống

Thứ ba - 26/04/2022 05:54 0
Sự kiện Trường Đảng Trung ương ra đời mang tên Nguyễn Ái Quốc tại ATK Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như một mốc son đánh dấu tư tưởng và hoạt động chỉ đạo của Người đối với lĩnh vực công tác này.
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1). Sự kiện Trường Đảng Trung ương ra đời mang tên Nguyễn Ái Quốc tại ATK Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như một mốc son đánh dấu tư tưởng và hoạt động chỉ đạo của Người đối với lĩnh vực công tác này.
Tại Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu (1/1949), đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày báo cáo về tình hình, nhiệm vụ của Đảng và nêu ra chủ trương mới về công tác huấn luyện cán bộ. Hội nghị nêu rõ “Trung ương cũng như các khu cần mở trường huấn luyện thường trực, thống nhất chương trình huấn luyện thường trực, thống nhất chương trình huấn luyện các cấp và kiện toàn các ban tuyên huấn các cấp; ra nội san và huấn luyện cho đều” (2). “Các trường Đảng mở luôn, liên tiếp, phân công rành mạch giữa trường của Trung ương, khu và tỉnh”(3). Thực hiện chủ trương đó của Đảng, từ đây Trường Đảng Trung ương trở thành trường huấn luyện, đào tạo cán bộ thường xuyên, mang tên Nguyễn Ái Quốc và được xây dựng tại khu căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là mốc lịch sử đặc biệt quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng của Đảng ta.
Vừa xây dựng đội ngũ và cơ sở vật chất cần thiết, vừa mở lớp đào tạo cán bộ, trong năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã mở 2 khóa học tại cơ sở đầu tiên của Trường Làng Luông, xã Quảng Nạp (nay là xã Bình Thành, huyện Định Hóa): Khóa I (2/1949) với 40 học viên; khóa II (9/1949) với 175 học viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm ngay ngày học đầu tiên của khóa II và nói chuyện với lớp học. Người đã ghi trên trang đầu cuốn Sổ vàng của Nhà trường những lời dạy vô cùng quý giá:
“Học để làm việc,
làm người,
làm cán bộ.
Học để phụng sự Đoàn thể,
phụng sự giai cấp và nhân dân,
phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”(4).
Lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ sự thống nhất giữa mục đích và phương châm học tập, giữa việc học tập nâng cao kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đó cũng là quan điểm cơ bản của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện lời dạy của Bác, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, thầy trò trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã khắc phục khó khăn, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, của Đảng ủy, chính quyền địa phương vừa làm, vừa học, vừa xây dựng nhà hiệu bộ, lớp học, nhà lán nghỉ cho học viên, bếp ăn, sân tập luyện...
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 8/1950, Trường chuyển lên xây dựng tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và nhiều địa điểm khác trước khi chuyển về Hà Nội. Trong thời gian đặt địa điểm tại Làng Luông (từ đầu năm 1949 đến tháng 8/1950), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp to lớn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của Đảng. Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt đó, Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Làng Luông đã được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
image 20220426165515 1
Bia Di tích lịch sử Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại xóm Làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên
Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc là di tích lịch sử quý giá, có tầm quan trọng không chỉ với Thái Nguyên mà còn với cả nước, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân; để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đi về và thực hiện lời dạy của Bác về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cách mạng. Hướng về cội nguồn,với kinh phí hơn 20 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đầu tư tôn tạo di tích xứng tầm với ý nghĩa lịch sử. Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc rộng trên 9.000m2, trong đó có các hạng mục: Nhà hiệu bộ, nhà giảng đường, nhà ở học viên, nhà bếp được thiết kế trên cơ sở mô phỏng nguyên mẫu; nhà hội thảo, trưng bày hai tầng có kiến trúc kiểu nhà sàn. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, thể hiện sự tri ân sâu sắc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đối với các thế hệ đi trước và những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ở địa phương đã che chở, bảo vệ an toàn bí mật tuyệt đối cho hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
image 20220426165515 2
Đại diện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên ký kết bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo
Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc
Công trình di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2019. Để phát huy hiệu quả di tích, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã bàn giao công trình cho tỉnh Thái Nguyên quản lý, bảo vệ và khai thác. Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đã tiếp nhận để quản lý công trình; hướng dẫn các đoàn khách đến tham quan di tích cũng như tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch của trung tâm căn cứ địa kháng chiến - ATK Định Hóa, Thái Nguyên./.

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H, 1995, T5, tr.269.
(2, 3) Văn kiện Lịch sử Đảng, T.IV, Trường Nguyễn Ái Quốc xuất bản, tr. 333, 278
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, T5, tr 684
                            Hứa Thị Kiều Hoa
              (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập284
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm282
  • Hôm nay42,084
  • Tháng hiện tại1,172,864
  • Tổng lượt truy cập24,090,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây