Chiều ngày 26/7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Phó Chủ nhiệm Đề tài; các thành viên Hội đồng, Ban Chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu Đề tài, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Quang cảnh họp Hội đồng
Đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do 04 cơ quan tham gia phối hợp chính và 32 cá nhân thực hiện, trong đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì. Thời gian thực hiện Đề tài từ tháng 01/2023 đến tháng 01/2025.
Đây là công trình nghiên cứu về khoa học lịch sử, văn hóa đầu tiên của tỉnh dưới dạng gắn với từng bài giảng của chương trình lý luận chính trị và giáo dục phổ thông theo hình thức chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thông qua thực hiện Đề tài, Ban Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu đã đánh giá thực trạng việc sử dụng các công trình khoa học, tài liệu về lịch sử, văn hóa Thái Nguyên; xây dựng 47 chuyên đề khoa học về lịch sử, văn hóa và xử lý thông tin, dữ liệu, tài liệu của 3 bộ ngữ liệu số phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng 05 tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm của Đề tài phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục; xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương...
Đồng chí Nguyễn Xuân Quang phát biểu tại buổi họp Hội đồng
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban Chủ nhiệm Đề tài. Các sản phẩm của Đề tài đảm bảo chất lượng, được trình bày khoa học, có tính thuyết phục cao và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra. Việc thu thập thông tin đảm bảo tính toàn diện, các số liệu được thể hiện chính xác và có sự minh họa bằng biểu đồ giúp việc tổng hợp, đánh giá thuận lợi. Ban Chủ nhiệm và nhóm nghiên cứu Đề tài đã sử dụng tổng hợp các cách tiếp cận, khai thác, xử lý vấn đề rất toàn diện; nghiên cứu xây dựng Đề tài công phu, phù hợp mọi đối tượng khai thác, sử dụng; vừa có tính tổng quan, vừa có tính cụ thể.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị nhóm nghiên cứu Đề tài bổ sung thêm các hạn chế, tồn tại nếu có trong công tác tuyên truyền giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, việc khai thác các công trình lịch sử, văn hóa trong giảng dạy tại địa phương; một số chuyên đề cập nhật lại số liệu đến năm 2023…
Kết quả, 100% thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí đánh giá Đề tài đạt yêu cầu.
Thu Hương