Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Đảng, thời gian qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở của Thái Nguyên đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, kịp thời, trong đó chú trọng đổi mới thực hiện đồng bộ, toàn diện các khâu.
Nghị quyết là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền là khâu đầu tiên, quan trọng nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai các nghị quyết của Đảng, thời gian qua, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở của Thái Nguyên đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo nghiêm túc, chất lượng, kịp thời. Trong đó, chú trọng đổi mới thực hiện đồng bộ, toàn diện các khâu: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp; xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện nghị quyết… và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Quan tâm đổi mới hình thức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng
Công tác tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết theo hướng kết hợp trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Thái Nguyên chú trọng triển khai hình thức học trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối từ điểm cầu Trung ương đến cấp huyện và cấp cơ sở. Các hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết gần đây có số lượng điểm cầu và đảng viên tham gia ngày càng cao, khoảng 30% đảng viên trong toàn Đảng bộ; trong đó, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII có số điểm cầu và đảng viên tham gia nhiều nhất, toàn tỉnh có 224 điểm cầu và trên 34.800 cán bộ, đảng viên tham gia học tập. Công tác tổ chức các lớp học được thực hiện một cách trang trọng, nghiêm túc; việc quản lý đại biểu tham gia học tập thực hiện chặt chẽ, đối với các đồng chí vắng phải báo cáo, có lý do chính đáng và phải học tập bổ sung tại các hội nghị khác của cấp ủy…
Quang cảnh điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên tham dự Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (ngày 04/12/2023)
Có thể khẳng định, việc đa dạng, linh hoạt hình thức tổ chức học tập vừa đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, được triển khai đồng loạt trong Đảng bộ tỉnh, vừa đảm bảo chất lượng, phù hợp từng đối tượng. Việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức triển khai, quán triệt nghị quyết, nhất là bằng hình thức trực tuyến được cán bộ, đảng viên đánh giá cao; các địa phương được mở rộng thêm thành phần và cán bộ, đảng viên được nghe trực tiếp báo cáo viên Trung ương truyền đạt nghị quyết; tiết kiệm thời gian và kinh phí cho cơ sở; từng bước khắc phục được sự thiếu kịp thời, khô cứng, chiếu lệ, hình thức, kém hiệu quả trong học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng.
Chú trọng phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy trong quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng
Đồng chí bí thư cấp ủy các cấp là người chủ trì và chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết ở địa phương, đơn vị. Đối với các nghị quyết không tổ chức học tập trực tuyến, đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp hoặc phân công các đồng chí trong thường trực, thường vụ, cấp ủy và báo cáo viên quán triệt nghị quyết. Thực tế cho thấy, việc chỉ đạo đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp báo cáo nghị quyết vừa giúp chính đồng chí bí thư có điều kiện nghiên cứu nghị quyết sâu sắc hơn, vừa quán triệt vận dụng thực hiện nghị quyết sát với điều kiện cụ thể, đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị, giúp người nghe dễ hiểu, dễ nhớ; đồng thời việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cũng sát thực hơn, khả thi hơn. Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp quán triệt nghị quyết cũng đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần nâng cao ý thức, thái độ học tập, tiếp thu nghiêm túc của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ.
Công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng được triển khai đồng bộ, kịp thời, hình thức phong phú, sinh động, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả tích cực. Tiêu biểu như: Triển khai Cuộc thi báo chí “Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống”; hằng năm thu hút hàng trăm tác phẩm báo chí tham gia với chất lượng ngày càng được nâng lên. Tháng 5/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” bằng hình thức sân khấu hóa.
Căn cứ tình hình, điều kiện thực tiễn, các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền nghị quyết bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp thông qua sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, sinh hoạt của khu dân cư, xóm, tổ dân phố, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… Một số địa phương, đơn vị phát động tổ chức các hội thi trực tuyến để tìm hiểu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động.
Các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục chuyên trang, chuyên mục về “Xây dựng Đảng”, “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Đảng và cuộc sống hôm nay”; tích cực tuyên truyền những nội dung cơ bản của nghị quyết và việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết ở các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh…
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Giấy chứng nhận cho các tác giả,
nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải A và giải B Cuộc thi báo chí “Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên
lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống” năm 2023 (ngày 01/02/2024)
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành quan tâm chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tận dụng tối đa ưu thế của internet và mạng xã hội để tuyên truyền các nghị quyết của Đảng trên không gian mạng; đẩy mạnh tuyên truyền trên trang/cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook, Fanpage chính thức của các địa phương, đơn vị… đã thu hút đông đảo người truy cập, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sát với tình hình thực tiễn
Để cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong nghị quyết của Đảng, cấp ủy các cấp đã chủ động, sớm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết; trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ các điều kiện, phân công nhiệm vụ, lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi, thiết thực và có chế độ kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết... đồng thời tổ chức thảo luận dân chủ, rộng rãi trước khi ban hành.
Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đòi hỏi chúng ta càng phải nhanh nhạy bắt kịp xu thế thời đại, nắm bắt cơ hội phát triển, khắc phục kịp thời những khó khăn, khuyết điểm, hạn chế. Đặc biệt khi mới đây, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đây là sự kiện chính trị quan trọng sẽ đề ra chủ trương, đường lối
phát triển đất nước trong những năm tới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, thiết nghĩ, các cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng; coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị, phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, bài bản; là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị. Quan tâm xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu công tác học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhất là cấp cơ sở trong tuyên truyền, giới thiệu các nghị quyết của Đảng.
Hai là, để việc nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng ngày càng chất lượng, đi vào chiều sâu thì yếu tố đầu tiên, quan trọng và cốt lõi chính là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong nghiên cứu, học tập nghị quyết; xác định học tập nghị quyết là nhu cầu tự thân, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm; tăng cường trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ gắn với chuyên môn; từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài góp phần khắc phục có hiệu quả biểu hiện “lười học” nghị quyết của Đảng, theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện nghị quyết hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, mạng xã hội, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, điều kiện cụ thể; đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, phục vụ công tác học tập, quán triệt nghị quyết. Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, kinh phí và mở rộng đối tượng tham gia.
Bốn là, chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết vì đây là một trong những yếu tố có tính quyết định để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết phải được xây dựng sớm, có giải pháp trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị; phát huy trí tuệ tập thể, thảo luận kỹ lưỡng; đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung; đặc biệt phải khắc phục tối đa những hạn chế mà Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát sau mỗi đợt tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng, thực hiện kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, của cá nhân thực hiện nghị quyết; chú trọng sơ kết, tổng kết việc thực hiện của cấp ủy các cấp; qua đó, kịp thời biểu dương những đơn vị thực hiện tốt; khắc phục hạn chế, yếu kém; kiểm điểm, xử lý nghiêm những vi phạm trong việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Nguyễn Lan