Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm làm rõ các thời kỳ lịch sử hoạt động đấu tranh của Đảng; đồng thời để tổng kết thực tiễn lịch sử cách mạng, khẳng định những thắng lợi, thành tựu và cả những sai lầm, khuyết điểm, làm sáng tỏ những bài học kinh nghiệm, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Mỗi công trình lịch sử đảng bộ sẽ làm phong phú thêm lịch sử của toàn Đảng; giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm cách mạng và lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung và của Thái Nguyên nói riêng, qua đó góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Lịch sử càng lùi xa, các nhân chứng lịch sử dần không còn; với nhiều những sự kiện quan trọng đang diễn ra trong thực tiễn, nhận thức, tư tưởng của mỗi con người có thể bị phai mờ về một số nội dung, sự kiện lịch sử. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch, phản động đã cắt xén, thêm bớt, đánh tráo khái niệm, xét lại lịch sử, bôi nhọ lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do vậy những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” và các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương về công tác lịch sử; đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác lịch sử Đảng đảm bảo đúng quy định và thống nhất thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Góp ý nội dung bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên Tập 2 (1945 - 2025)”
(ngày 13/3/2025)
Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng được chú trọng, điển hình như từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã nghiên cứu, biên soạn và chỉnh lý, tái bản 55 công trình lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống các ban, ngành trong tỉnh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử tỉnh Thái Nguyên được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội thảo khoa học để làm sáng tỏ hơn giá trị của các di sản văn hóa lịch sử và làm rõ hơn vị thế của tỉnh Thái Nguyên trong chiều dài lịch sử dân tộc, tiêu biểu là: Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định mở ra thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến, kiến quốc”; Hội thảo “Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” - Giá trị lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị” nhân kỷ niệm 75 năm năm Bác viết tác phẩm sửa đối lối làm việc; Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 85 năm thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2021)”,... Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng chủ động liên kết với các địa phương trong vùng Chiến khu Việt Bắc để tổ chức giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá, lịch sử, về nguồn. Các cơ quan báo chí trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh thông qua các tin, bài, phóng sự, thước phim tư liệu giới thiệu về các di tích văn hóa lịch sử gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Thái Nguyên đã ra mắt bộ phim truyện “915” tái hiện một phần cuộc sống, chiến đấu, lao động của các TNXP thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ và của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái hy sinh tháng 12/1972. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy); Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Đại học Thái Nguyên ký kết và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương thông qua các hoạt động tham quan, nghiên cứu, học tập, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại các di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, nhà trưng bày, nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến nay, hằng năm Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã chỉ đạo, phối hợp với Đài PT-TH Thái Nguyên xây dựng và tổ chức Gameshow “Dân ta phải biết sử ta” phát định kỳ trên sóng truyền hình, đây chính là sân chơi sinh động để các em học sinh bậc học phổ thông thể hiện sự hiểu biết và tình yêu với lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương.
Có thể khẳng định, thời gian qua công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức thực hiện, nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên và cán bộ, đảng viên, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, là cội nguồn, là sức mạnh nội sinh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của địa phương.
Kết quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, để giúp mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Thái Nguyên nói riêng hiểu ngày càng đầy đủ, chân thực, sâu sắc hơn về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng đã góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng chính là lợi khí sắc bén đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc các sự kiện lịch sử, đồng thời góp phần quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào truyền thống quý báu, nâng cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân trong tình hình mới.
Nguyễn Thị Hoa