Công tác dân vận và Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở tỉnh Thái Nguyên

Thứ bảy - 08/10/2022 22:07 0
Trong những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trong đó, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lực lượng làm công tác dân vận quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả với các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã thực sự đi vào cuộc sống.
Đặc biệt là Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 2.157 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân “Dân vận khéo” có tính lan tỏa cao trong cộng đồng, góp phần thiết thực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị chung, đặc biệt là công tác xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng cơ sở hạ tầng dân cư, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
image 20221009090800 1
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, Nhân dân huyện Phú Lương năm 2022
Trên lĩnh vực kinh tế, đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất hàng hoá, phát triển ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thêm chất lượng, giá trị sản phẩm để nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Tiêu biểu là các mô hình vận động Nhân dân xây dựng cánh đồng một giống ở huyện Đồng Hỷ, Phú Bình; mô hình trồng chè VietGap ở thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Phú Lương, mô hình vận động Nhân dân phát triển trang trại, gia trại ở các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương, Phú Bình; mô hình giúp dân giảm nghèo làm giàu chính đáng ở cả 9 huyện, thành  của tỉnh… Thông qua các mô hình, điển hình đã góp phần hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh, chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hỗ trợ tích cực cho công cuộc giảm nghèo của địa phương. Nhiều địa phương đã lấy việc xây dựng các mô hình, điển hình về vận động hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các công trình dự án trọng điểm của tỉnh như xây dựng khu công nghiệp Yên Bình, Sông Công 2, đường quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đường vành đai V… làm mũi nhọn của phong trào.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn chặt với chương trình “Thái Nguyên chung tay xây dựng nông thôn mới”, từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia tích cực của Nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động xây dựng nông thôn mới. Kết quả đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,6%, trong đó có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 33,33%.
Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, trọng tâm là vận động Nhân dân xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước của xóm, làng, tổ dân phố; vận động xây dựng gia đình, xóm, phố, cơ quan văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... đã mang lại hiệu quả thiết thực. Một số mô hình, điển hình như: Mô hình Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu của thành phố Thái Nguyên;  xây dựng tuyến phố văn minh đô thị ở thành phố Sông Công; câu lạc bộ Tắc Xình, câu lạc bộ hát Then đàn Tính, câu lạc bộ giữ gìn bản sắc dân tộc Dao của huyện Đại Từ; mô hình Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu tiếng hát Soọng Cô của huyện Đồng Hỷ… đang được duy trì và nhân rộng. Đặc biệt trong những năm gần đây, phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hoá - xã hội được gắn chặt với công tác an sinh xã hội. Hằng năm tỉnh tổ chức Chương trình tuần cao điểm Tết vì người nghèo và các hoạt động chăm lo tết cho người nghèo, các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh. Tính riêng “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2021” toàn tỉnh huy động đạt trên 30 tỷ đồng; vận động, huy động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội đạt trên 131 tỷ đồng; “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2022” toàn tỉnh huy động đạt 40,9 tỷ đồng...
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tập trung vào các mô hình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát hiện, cung cấp nguồn tin kịp thời, có giá trị cho cấp ủy, chính quyền để ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân. Tiêu biểu là mô hình “Tổ 3 cùng” của Công an tỉnh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ; mô hình “Tổ an ninh nhân dân” của tổ dân phố Ba Hàng, phường Ba Hàng thành phố Phổ Yên; “Tổ liên gia tự quản”, “Câu lạc bộ pháp luật trẻ” ở huyện Phú Bình và thành phố Thái Nguyên; mô hình “Vận động đồng bào dân tộc Mông không tin, không  theo các đạo lạ, tà đạo và tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” ở xã Phú Đô, huyện Phú Lương…
Đối với lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII về xây dựng Đảng. Thông qua phong trào, nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận được nâng lên. Nhiều cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu đã tổ chức tốt việc tiếp dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Từ năm 2015 đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.836 hội nghị tiếp xúc, đối thoại định kỳ và đột xuất (cấp tỉnh 10 cuộc, cấp huyện 172 cuộc, cấp xã 1.654 cuộc) với hơn 94 nghìn lượt người tham gia; tiếp nhận hơn 15,7 nghìn ý kiến, kiến nghị và đã giải quyết hơn 15,5 nghìn ý kiến, kiến nghị (đạt 98,52%). Thông qua các hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp những vấn đề Nhân dân bức xúc, thắc mắc, băn khoăn, phản ánh được tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay tại cơ sở, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn.
Từ kết quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX đề ra với 14/19 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2015 -2020 là 11,1%/năm. Đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,17%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh tăng 7,08% (cao nhất trong 03 năm gần đây). Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 9.500 tỷ đồng, tăng 29,1% và bằng 52,8% dự toán cả năm.
image 20221009090800 2
Nhân dân tổ dân phố Hiệp Đồng, phường Hồng Tiến, thành phố Phổ Yên tổ chức san gạt tạo mặt bằng
để thi công cứng hóa tuyến đường liên thôn
Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2015 - 2022, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc, sâu rộng, thực sự đi vào đời sống xã hội, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Phong trào thi đua đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ; phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của Nhân dân. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực, tạo sự đồng thuận trong xã hội; huy động nhiều lực lượng, nguồn lực để phát triển và góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào “Dân vận khéo” ở tỉnh Thái Nguyên đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, nội dung của việc triển khai, thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Coi đây là một giải pháp quan trọng để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác dân vận của đảng bộ.
Hai là, trong quá trình triển khai phong trào phải có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị theo phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham mưu và làm nòng cốt”.
Ba là, căn cứ vào nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của địa phương, đơn vị lựa chọn những lĩnh vực cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để phát động, xây dựng phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm thiết thực góp phần thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, giải quyết những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của Nhân dân.
Bốn là, phải tập trung chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trên cơ sở thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là gốc của công việc”, “cán bộ nào phong trào đấy”, “cán bộ tốt việc gì cũng xong”.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, theo dõi để điều chỉnh phương pháp, nội dung phong trào cho phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ. Định kỳ phải tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng để đưa phong trào ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua “Dân vận khéo” ngày càng phát huy hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Tập trung hướng hoạt động của phong trào vào những vùng trọng điểm như vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo; quan tâm nhân rộng những mô hình, điển hình để tạo sức lan tỏa của phong trào trên tất cả các lĩnh vực./.
Dương Văn Tiến
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay31,876
  • Tháng hiện tại1,367,993
  • Tổng lượt truy cập13,789,492
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây