Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 10/10/2024 03:32 0
Trải qua 94 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Thái Nguyên là tỉnh có truyền thống cách mạng, là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến. Từ khi tổ chức cơ sở đảng đầu tiên được thành lập năm 1936 tại La Bằng, Đại Từ đến khi Đảng bộ tỉnh được thành lập và phát triển vững mạnh như ngày nay, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác vận động quần chúng.
Trong giai đoạn 1930-1945, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, quán triệt, tuyên truyền, vận động thành lập các cơ sở quần chúng, cơ sở Đảng; vận động Nhân dân xây dựng lực lượng cách mạng, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận đã hướng vào việc vận động Nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến; tham gia xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh hướng vào việc vận động Nhân dân thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tích cực chi viện chiến trường miền Nam. Nhân dân các dân tộc Thái Nguyên vừa ra sức đẩy mạnh sản xuất, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa dũng cảm chiến đấu hai lần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ và làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần vào chiến công chung của dân tộc, đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975.
Từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cách mạng nước ta bước sang thời kì mới. Giai đoạn trước đổi mới, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh tập trung vào động viên Nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất, cải thiện đời sống Nhân dân. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, nhất là sau Đại hội XIII của Đảng, thực hiện cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh ngày càng hướng về cơ sở, giúp đỡ, động viên Nhân dân thi đua lao động, sản xuất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra, xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển, trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp, giáo dục của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Đặc biệt những năm gần đây, Thái Nguyên có những bước phát triển vượt bậc, kinh tế luôn trên đà tăng trưởng cao, quy mô kinh tế trong tốp cao của cả nước, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả; quốc phòng - an ninh được tăng cường, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. 
Có được những thành tựu trên là do Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt, triển khai và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; năng động, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của các cấp, các ngành, mà trọng tâm là phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, trí tuệ của Nhân dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và phát triển của tỉnh.
image 20241010143234 1
Quang cảnh Hội nghi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của BCH Trung ương Đảng,
05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW
về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới"
của Tỉnh ủy Thái Nguyên
Phát huy những thành quả đạt được, để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị đề ra, trong thời gian tới các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận với một số nội dung cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, phổ biến, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân vận. Trọng tâm là tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" và Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW..., góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hai là, nâng cao trách nhiệm thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành các chương trình, đề án, kế hoạch phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống cho Nhân dân khu vực nông thôn, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân và giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác dân vận của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp theo Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh thực hành dân chủ, đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống; bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng các cấp để thực hiện tốt việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội; việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Nâng cao hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách mới về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch bệnh, bão lũ, thiên tai. Theo dõi, tổng hợp tình hình các tầng lớp nhân dân trước, trong và sau đại hội; đồng thời tổ chức tốt việc lấy ý kiến góp ý của Nhân dân vào các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Năm là, sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, các địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, kịp thời tham mưu, đề xuất với các cấp ủy về chủ trương, giải pháp về công tác dân vận đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách an sinh xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm đời sống của nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo.
Sáu là, ban dân vận các cấp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên và cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo về công tác dân vận. Nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận với các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Bảy là, tham mưu, tuyên truyền, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng; Ngày Dân vận của cả nước và 75 năm Ngày Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2024) ý nghĩa, hiệu quả, tiết kiệm; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện Di chúc của Người trong giai đoạn mới.
Tám là, đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, gắn với phát động đợt thi đua chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và Đại hội thi đua yêu nước ngành Dân vận, giai đoạn 2020 -2025, được tổ chức vào dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 -15/10/2025). Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh.
Với bản lĩnh, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên chắc chắn sẽ tiếp tục có những bước tiến vững chắc và thành công mới, đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030./.
Đồng chí PHẠM THÁI HANH
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập306
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm304
  • Hôm nay54,914
  • Tháng hiện tại1,224,972
  • Tổng lượt truy cập27,471,622
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây