Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nước ta tiếp tục chịu tác động trực tiếp từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện; tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường. Công tác dân vận của hệ thống chính trị đã góp phần quan trọng vào thành tựu của đất nước, tiếp tục tạo được chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng quà Tết cho đoàn viên công đoàn, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Tuyên Quang
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục được tăng cường và đổi mới
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục quan tâm ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận. Bộ Chính trị đã trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành 01 nghị quyết và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo, giao Ban Dân vận Trung ương chủ trì tham mưu tổng kết 5 nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận; chủ trì xây dựng một số đề án mới về công tác dân vận; chỉ đạo các cấp ủy đảng, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị quán triệt, triển khai thực hiện nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về công tác dân vận của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị; phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã kịp thời chỉ đạo, tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác dân vận. Đã chỉ đạo sơ kết, tổng kết về công tác dân vận, như: (1) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”; (2) 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; (3) 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... Qua sơ kết, tổng kết, nhiều tỉnh, thành ủy đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác dân vận phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Một số tỉnh, thành ủy đã có cách làm mới đáp ứng kịp thời với tình hình như Thành ủy Hà Nội ban hành đề án về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn Thành phố; Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030; Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành đề án về tập hợp công nhân lao động và phát triển đoàn viên hội viên các tổ chức chính trị - xã hội tại các khu, cụm công nghiệp; Thành ủy Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Phú Yên ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quyền hạn của một bộ phận cán bộ, công chức; nâng cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức trong sử dụng Internet và mạng xã hội…
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài và đoàn công tác thăm, chúc mừng, chung vui với Giáng sinh 2023 cùng Linh mục Trần Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Uy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thanh Hóa và bà con giáo dân Chính xứ Phúc Lãng (xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa)
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận đã được các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng. Điểm mới là, nhiều cấp ủy đã gắn việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng với việc kiểm tra, giám sát đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản về công tác dân vận. Qua đó, đã nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong việc phát huy dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời, nêu gương, giới thiệu, lan tỏa các mô hình, điển hình, cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả công tác dân vận của địa phương, đơn vị.
Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, nhiều đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy đã trực tiếp đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, thắc mắc của cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân để chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ sở, giải quyết cơ bản tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp; góp phần ổn định an ninh trật tự cơ sở, tăng cường niềm tin trong Nhân dân.
Thường trực cấp ủy cấp tỉnh, huyện đã thực hiện nền nếp, định kỳ việc tổ chức giao ban với chính quyền, lực lượng vũ trang, cơ quan tư pháp, ban dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để định hướng chương trình, kế hoạch công tác dân vận, nắm tình hình kết quả tuyên truyền, vận động Nhân dân, những vấn đề mà dư luận xã hội, Nhân dân quan tâm; qua đó, kịp thời đề xuất, thực hiện những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để phát huy những mặt đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác dân vận trên địa bàn.
Hoạt động đối ngoại nhân dân được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều kết quả, tại các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn đã diễn ra nhiều hoạt động hội đàm, trao đổi cấp tỉnh, cấp huyện với nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân song phương góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, thắt chặt tình hữu nghị với các quốc gia láng giềng.
Ban Dân vận cấp ủy các địa phương, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương mới ban hành về công tác dân vận; tổ chức sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và xây dựng các đề án mới về công tác dân vận theo hướng dẫn của Ban Dân vận Trung ương và theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham mưu cho cấp ủy ban hành được các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận gắn với tình hình thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, Ban Dân vận cấp ủy các địa phương, đơn vị đã có nhiều đổi mới trong hoạt động. Một số ban dân vận cấp tỉnh đã có những cách làm mới, hiệu quả, đạt kết quả tích cực, trong đó tiêu biểu là việc hệ thống dân vận các cấp đã thực sự đồng hành với chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển kết cấu hạ tầng.
Công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp tiếp tục có chuyển biến tích cực
Hoạt động của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng “gần dân”, “thực chất và hiệu quả”, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Trong năm, Quốc hội đã tiến hành 03 kỳ họp bất thường và 02 kỳ họp thường kỳ, thông qua 15 luật, bộ luật, 26 nghị quyết, cho ý kiến 16 dự án luật và nghị quyết quyết định cơ chế đặc thù cho một số địa phương phát triển kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Hội đồng Nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp; ban hành các nghị quyết thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh của các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... tăng cường giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là, giám sát gắn với việc đánh giá việc thực hiện các chính sách chăm lo quyền lợi, giải quyết nguyện vọng của nhân dân. Nhiều địa phương đã tập trung giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại kỳ họp, giám sát việc tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết các đơn thư của người đứng đầu chính quyền.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên dự Lễ gắn biển Nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Cứ Nhìa Sùng, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ
Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt; triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng; chỉ đạo đổi mới lề lối, phương pháp làm việc, thực hiện phong cách làm việc của cán bộ, công chức gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và giải quyết kịp thời ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2023, đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều mô hình hiệu quả về công tác dân vận của các cơ quan nhà nước ở địa phương tiếp tục được duy trì, phát huy và nhân rộng.
Các cơ quan tư pháp đã có nhiều đổi mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động tư pháp, cùng với việc quan tâm, chú trọng thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa; tổ chức các phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai các bản án, quyết định của tòa án… còn triển khai thực hiện mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân.
Lực lượng vũ trang chủ động phối hợp nắm chắc tình hình, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng. Quân đội nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân”, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc. Phối hợp với các địa phương làm tốt công tác dân vận đưa dân ra sinh sống ổn định, lâu dài ở khu vực biên giới, biển đảo, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích, kịp thời có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm tham gia phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân. Công an nhân dân đã phát huy vai trò nòng cốt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng thành công và tổ chức thực hiện hiệu quả Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp và quản lý căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho các tổ chức và công dân, bảo đảm kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, qua đó phát huy vai trò tích cực của Nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân nhiều nơi ghi nhận, đánh giá cao.
Đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở, tăng cường các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo”
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận thành chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực; nội dung, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, sáng tạo, thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của tình hình thực tiễn, có những mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, được đoàn viên, hội viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Bên cạnh đó, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, ngày càng thực chất. Nhiều kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được các cấp ủy, chính quyền tiếp thu, quan tâm chỉ đạo giải quyết. Công tác tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền và hoạt động phản biện xã hội đối với xây dựng cơ chế, chính sách, dự thảo luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả.
Hội thi “Dân vận khéo” tỉnh Đắk Lắk năm 2023
Các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ và pháp luật; hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu theo ngành, nghề, chăm lo lợi ích của hội viên... Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường. Ban Dân vận Trung ương phối hợp chặt chẽ và tổ chức thực hiện bằng những việc làm cụ thể với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, một số ngành liên quan, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và các hội có đảng đoàn để triển khai có hiệu quả công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại và hỗ trợ kiều bào về nước sinh sống, làm việc tại Việt Nam tiếp tục được quan tâm, nhất là làm tốt các biện pháp bảo hộ công dân; công tác thông tin tuyên truyền, vận động đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc hướng về Tổ quốc, đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế cho sự phát triển của đất nước tiếp tục được chú trọng.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, ban hành văn bản triển khai gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Ban Dân vận nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã có trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ số, phối hợp tốt với các cơ quan báo, đài tại địa phương thực hiện việc phát hiện, giới thiệu các tập thể, cá nhân, các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để biểu dương, nhân rộng, lan tỏa những việc làm mới, cách làm hay. Năm 2023, cả nước có 183.676 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký, trong đó, các cấp có thẩm quyền đã công nhận 120.622 mô hình; có 281 cuộc thi, hội thi về công tác dân vận, dân vận khéo. Các cấp, các ngành đã kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác dân vận. Qua triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” đã huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, có hiệu ứng xã hội tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chăm lo đời sống của nhân dân ở địa phương, nhất là các xã, phường trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Nhìn chung, trong năm 2023, hệ thống dân vận các cấp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Ban Dân vận Trung ương tiếp tục tham mưu ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định góp phần hoàn thiện thể chế về công tác dân vận để áp dụng thống nhất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, làm căn cứ cho cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nhiệm vụ thuận lợi. Tiêu biểu là, đã tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; tham mưu Ban Bí thư ban hành Quyết định số 118-QĐ/TW, ngày 22/8/2023 về “Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương” và Kết luận số 58-KL/TW, ngày 23/6/2023 về “Tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam”; triển khai thực hiện 02 đề tài khoa học cấp quốc gia và thực hiện Đề tài trọng điểm phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Ban Dân vận cấp ủy các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường nắm tình hình triển khai thực hiện các văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác dân vận, đặc biệt là những vấn đề nhân dân quan tâm và những vấn đề phát sinh trên địa bàn, ở cơ quan, đơn vị để kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp công tác dân vận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan nhà nước, tổ chức đảng, người đứng đầu, một bộ phận cán bộ công chức, viên chức nhất là cấp cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc công tác dân vận; việc quán triệt, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận ở một số nơi còn mang tính hình thức, kết quả, hiệu quả còn hạn chế. Công tác phối hợp thực hiện công tác dân vận ở một số ngành, địa phương, giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận còn có việc chưa thật chặt chẽ, kết quả, hiệu quả chưa như mong muốn; việc phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng cốt cán trong tôn giáo ở một số nơi còn hạn chế. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội… có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, tôn giáo, dân tộc ở một số địa phương có việc còn bị động, lúng túng; khả năng dự báo tình hình, kỹ năng tham mưu giải quyết những tình huống cụ thể ở cơ sở còn hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên cần được mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nghiêm túc nhìn nhận, soi chiếu, sớm có giải pháp khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao và sự kỳ vọng của nhân dân.
Tích cực đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận
Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm then chốt thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Dự báo tình hình thế giới, trong nước trong năm 2024 và thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, khó lường, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Phát huy thành tích đạt được trong năm 2023 và nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, công tác dân vận của hệ thống chính trị cần tiếp tục được đổi mới, nâng cao hiệu quả, phát huy mạnh mẽ hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Ban Dân vận các cấp tiếp tục đẩy mạnh học tập, quán triệt, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân vận trong tình hình mới; nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, sáng tạo tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng và đại hội các cấp đề ra; ban hành và thực hiện hoàn thành các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác dân vận, trong đó tập trung một số công việc trọng tâm sau:
Một là, tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy các cấp ban hành, triển khai thực hiện, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các đề án, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy về công tác dân vận, trọng tâm là: (1) Tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; (2) Tổng kết 25 năm thực hiện Thông báo số 165 về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo trong tình hình mới. (3) Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới. (4) Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
Tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới ban hành liên quan đến công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dân vận, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng các cấp về công tác dân vận và các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác dân vận, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Hai là, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các Ban chỉ đạo về công tác dân vận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác theo đúng quy chế, kế hoạch công tác đã đề ra, tập trung kiểm tra việc thực hiện công tác dân vận. Thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp công tác dân vận với các ban, bộ, ngành Trung ương và ban, sở, ngành địa phương.
Ba là, tham mưu cấp ủy chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn có vấn đề phát sinh phức tạp. Nâng cao hiệu quả công tác vận động nhân dân, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách mới được ban hành, chính sách phục hồi kinh tế, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thực hiện tốt việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, trên cơ sở đó tập hợp, thu hút, phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện. Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp tiến tới Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029 đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình các tầng lớp Nhân dân để chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy về chủ trương, giải pháp liên quan đến công tác dân vận đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Chủ động nắm chắc tình hình dân tộc, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chính sách an sinh, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc; chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc; quan tâm đời sống của nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người, đồng bào các dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Chú trọng công tác vận động, tuyên truyền và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong các tôn giáo. Tích cực phối hợp đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên và cấp ủy cùng cấp về công tác dân vận. Phối hợp tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận. Phối hợp với các cơ quan liên quan sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.
Sáu là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; phát động và thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, nhất là trong thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia; gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của các cơ quan nhà nước. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá và kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình, điển hình tiêu biểu. Bên cạnh đó, hệ thống dân vận các cấp tập trung tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 25 năm ngày Dân vận của cả nước, 75 năm Bác Hồ viết tác phẩm "Dân vận" vào dịp 15/10 và các ngày kỷ niệm, sự kiện lớn của đất nước trong năm 2024; tạo khí thế thi đua sôi nổi, tích cực trong các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội; nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng./.
BÙI THỊ MINH HOÀI
Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng Ban Dân vận Trung ương
(http://www.danvan.vn/)