Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên

Thứ năm - 29/02/2024 04:39 0
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã tạo một cơ chế hòa giải mới để đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân. Trong đó giao chỉ tiêu cho tòa án các cấp“Số vụ hòa giải thành đạt 60% trở lên/năm; 100% số quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; không có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự khó thi hành hoặc không thi hành án được”; đồng thời, phát động phong trào thi đua “Nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hòa giải vụ án dân sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
Quán triệt chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó giao Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên “chú trọng công tác hòa giải và đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính”, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thi hành nhằm tích cực tổ chức công tác hòa giải, đối thoại, qua đó giảm số lượng các vụ án phải đưa ra xét xử, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc của Tòa án.
Xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh bổ sung các nội dung về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vào nhiệm vụ trọng tâm công tác; chỉ đạo chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí; thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và các văn bản hướng dẫn thi hành được Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên triển khai nghiêm túc, phổ biến bằng nhiều hình thức. Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên thông tin, tuyên truyền về công tác hòa giải, đối thoại. Đồng thời, tổ chức Hội nghị sơ kết thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án, các hội nghị rút kinh nghiệm sau kiểm tra chuyên môn đối với các tòa án nhân dân cấp huyện; các buổi toạ đàm trực tuyến rút kinh nghiệm đối với các tòa án nhân dân cấp huyện trong công tác giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại. Thông qua đó, đã thống nhất việc áp dụng pháp luật trong hệ thống tòa án nhân dân hai cấp thuộc tỉnh; chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo trong công tác hoà giải, đối thoại; khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc, đặc biệt liên quan đến công tác hoà giải, đối thoại.
Hiện nay, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên có 22 Hòa giải viên. Các Hòa giải viên sau khi được bổ nhiệm đã tích cực thực hiện nhiệm vụ, tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, mang lại nhiều kết quả tích cực. Hằng năm, Tòa án nhân dân tỉnh đều hỗ trợ Hòa giải viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Với những kết quả đã đạt được, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đã tặng giấy khen đối với 13 Hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
image 20240229163925 1
Hòa giải viên Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên tiến hành hòa giải, đối thoại
Sau hơn 03 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, số vụ đối thoại, hòa giải thành của tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên là 8.663 vụ/13.208 vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, lao động, hành chính đã giải quyết (đạt tỷ lệ 65,6%). Trong đó, hòa giải thành theo Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính là 6.683 vụ; hòa giải thành, đối thoại thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là 1.980 vụ (hòa giải đoàn tụ 241 vụ; đối thoại thành 16 vụ).
Trong quá trình triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, sự phối hợp từ các cơ quan, ban, ngành. Đội ngũ Hòa giải viên trước khi được bổ nhiệm đều là những người có tín nhiệm cao trong xã hội, đa số là Thẩm phán, Thẩm tra viên tòa án, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, luật sư có kiến thức sâu rộng, hiểu biết xã hội, có uy tín, có khả năng hòa giải đối thoại. Thẩm phán tòa án có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và các Thư ký tòa án tích cực hỗ trợ về nghiệp vụ cho Hòa giải viên khi có yêu cầu. Người dân trên địa bàn quan tâm, tìm hiểu, nhiều đương sự đã lựa chọn Hòa giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư cho tòa án nhân dân cấp huyện xây dựng, trang bị cho phòng hòa giải, đối thoại. Đơn cử như Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ đã hỗ trợ số tiền 40.000.000 đồng để Tòa án nhân dân huyện Đại Từ đầu tư, sửa chữa phòng hòa giải, đối thoại. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế như: Công tác tuyên truyền ở một số đơn vị, địa bàn chưa được sâu rộng nên tỷ lệ lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại còn thấp; việc lựa chọn Hòa giải viên đủ tiêu chuẩn theo quy định còn gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án còn chưa được đảm bảo…
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án, tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên tập trung thực hiện tốt các giải pháp như: Tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về công tác hòa giải nhằm bảo đảm người dân nắm bắt được mục đích, lợi ích và trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho Thẩm phán; kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Hòa giải viên; bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động hòa giải, đối thoại; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác hoà giải, đối thoại; thực hiện sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác hoà giải, đối thoại.
Hoàng Thơ Huyền


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập206
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay55,960
  • Tháng hiện tại223,260
  • Tổng lượt truy cập23,140,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây