Tổ chức phiên tòa trực tuyến: Hiệu quả bước đầu ở Thái Nguyên

Thứ năm - 26/10/2023 06:32 0
Phiên toà trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Để triển khai thực hiện nội dung trên, ngày 12/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp liên quan đến bí mật Nhà nước, các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Việc áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án.
image 20231026173341 1
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến
(ngày 23/5/2022)
Thực hiện Nghị quyết số 33 và Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, ngày 15/12/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai đến đội ngũ lãnh đạo các cơ quan tư pháp của tỉnh, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan. Ban hành Kế hoạch số 49-KH/BCĐCCTP, ngày 02/6/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể cùng tiến độ thực hiện và giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp hằng năm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.
Qua gần 02 năm triển khai thực hiện, đến nay, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các yêu cầu đề ra. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/9/2023, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 123 phiên tòa xét xử trực tuyến. Các phiên tòa xét xử trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật, bảo đảm các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng, đặc biệt đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức các phiên tòa trực tuyến.
image 20231026173341 2
Các điểm cầu trong một phiên toà trực tuyến
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như: Chỉ tổ chức xét xử các vụ án về hình sự, chưa tổ chức được các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự, hành chính. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ; đường truyền chưa ổn định; thiếu nguồn nhân lực vận hành máy móc, thiết bị; nguồn kinh phí còn hạn chế; các điểm cầu thành phần là phòng xét xử tại trại tạm giam, nhà tạm giữ có lúc chưa đảm bảo theo quy định…
Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 33 trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã xác định, chỉ đạo các cơ quan tư pháp hai cấp của tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, quan tâm công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33. Các đơn vị Tòa án trong tỉnh cần được cấp có thẩm quyền đầu tư nguồn kinh phí để trang bị máy móc chuyên dùng cho công tác tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến; chủ động tham mưu, tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ Thẩm phán và đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn. Trên cơ sở đó, nâng cao hiệu quả, số lượng, chất lượng của các phiên tòa trực tuyến, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử theo yêu cầu của công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Hoàng Thơ Huyền - Nguyễn Hùng Cường


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập277
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm269
  • Hôm nay37,255
  • Tháng hiện tại1,168,035
  • Tổng lượt truy cập24,085,326
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây