Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó, đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đó, nhận thức và sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư pháp được tăng cường. Chất lượng hoạt động tư pháp được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp được phân định rõ hơn; tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được sắp xếp, củng cố, kiện toàn ngày càng tinh gọn; đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được tăng cường về số lượng, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp được quan tâm đầu tư. Cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp được đổi mới và duy trì thường xuyên. Kết quả công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng tham gia đóng góp vào một số dự thảo dự án luật chưa cao; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với một số vụ án, vụ việc chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, việc phối hợp có lúc chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu; trụ sở làm việc, trang thiết bị phục vụ công tác của các cơ quan tư pháp cấp huyện chưa bảo đảm tiêu chuẩn quy định; việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp trong một số lĩnh vực còn gặp khó khăn...
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn ,Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh
chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020
Để tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cải cách tư pháp; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU ngày 18/10/2021 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025” (Đề án 10).
Mục tiêu tổng quát của Đề án 10 là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tư pháp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đề án đề ra 09 mục tiêu cụ thể, trong đó trọng tâm là: Tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; trong đó tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%; ra quyết định truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; truy tố bị can đúng tội đạt trên 95%.
Trong công tác xét xử, tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự đạt từ 90% trở lên, tỷ lệ giải quyết các vụ, việc dân sự đạt từ 85% trở lên, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính đạt từ 65% trở lên. Ra quyết định thi hành án hình sự, dân sự đúng quy định của pháp luật đối với 100% các bản án, quyết định đã có hiệu lực; tỷ lệ các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở hằng năm đạt từ 90% trở lên; 100% các địa phương cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng…
Đồng chí Phùng Đức Tiến, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Nguyên phát biểu
tại Hội nghị chuyên đề: “Một số giải pháp hạn chế các quyết định hành chính bị kiện, bị Tòa án xét xử hủy do ban hành trái pháp luật”
do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh tổ chức
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Đề án 10 đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư pháp và các cơ quan tư pháp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu cho cấp ủy về công tác cải cách tư pháp và đội ngũ cán bộ, công chức có chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; tăng cường, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp; đầu tư kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp...
Tin tưởng rằng trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 10 sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tư pháp và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nguyễn Hùng Cường
(Ban Nội chính Tỉnh uỷ)