Thái Nguyên là vùng đất có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm kháng chiến chống xâm lược cũng như trong dựng xây, phát triển đất nước, Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu. Từ sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc (năm 1954) đến năm 1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 01/01/1964, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm và nói chuyện, căn dặn cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên
(Ảnh tư liệu)
Ngay từ trước khi trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc nhận thấy vị trí quan trọng của Thái Nguyên, coi đây là một đầu cầu để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người viết “Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”(1).
Từ khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn vùng rừng núi Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng để xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên) cùng với các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi xây dựng An toàn khu của Trung ương. Đó là những nơi có đủ các yếu tố “địa lợi” và “nhân hòa” đảm bảo sự an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến hoạt động. Trong đó, Thái Nguyên vừa ở vị trí tiếp nối giữa vùng châu thổ sông Hồng với miền núi phía Bắc, vừa ở vào vị trí trung tâm căn cứ địa. Chính điều này đã tạo ra địa thế “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” của Thái Nguyên.
Tại ATK Thái Nguyên, những quyết định, sắc lệnh, thông tư quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, quân đội đều ra đời trong thời gian các cơ quan lãnh đạo cao nhất có mặt ở Định Hóa. Và từ đây, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cùng với nhân dân các dân tộc căn cứ địa Việt Bắc, ATK Thái Nguyên không chỉ che chở, đùm bọc Người và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, mà còn trực tiếp đóng góp sức người, sức của, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn đơn sơ trên đồi Thành Trúc, xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ trở về Thủ đô Hà Nội. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Thái Nguyên đã để lại nhiều kỷ niệm cho nhân dân các dân tộc nơi đây. Người viết thư gửi đồng bào “Tuy hiện nay tôi ở Hà Nội, xa cách với đồng bào, nhưng không bao giờ tôi quên đồng bào... người tôi tuy xa cách nhưng lòng tôi luôn gần anh em”(2). Từ tháng 12/1954 đến ngày 01/01/1964, đã có 7 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp về thăm hỏi, động viên Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.
Lần cuối cùng Bác về thăm tỉnh Thái Nguyên trong hai ngày, 31/12/1963 và 01/01/1964. Ngày 01/01/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy điện Cao Ngạn. Trước hơn 45.000 đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh tại sân vận động Thái Nguyên, Người căn dặn “Tỉnh ta sớm có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hoá, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Hội thảo khoa học “Bác Hồ về An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên - Quyết định lịch sử mở ra thắng lợi vẻ vang
của cuộc kháng chiến, kiến quốc” được tổ chức tháng 5/2022
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên phấn khởi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, năm 1955, ba hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được thành lập ở xã Hùng Sơn huyện Đại Từ. Năm 1956, thành lập thêm hai hợp tác xã ở huyện Đại Từ để rút kinh nghiệm cho việc xây dựng và phát triển hợp tác hóa nông nghiệp rộng lớn trong toàn tỉnh. Đây là một thành tựu lớn lao đầu tiên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặt nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thái Nguyên làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Đến cuối năm 1960, toàn tỉnh đã xây dựng được 851 hợp tác xã, với 36.122 hộ xã viên, bằng 86,9% tổng số nông hộ trong toàn tỉnh. Hai huyện Phú Bình và Định Hóa đạt hơn 93% số nông hộ vào làm ăn tập thể.
Về công nghiệp, thực hiện lời dạy của Hồ Chủ tịch: Đoàn kết xây dựng Khu Công nghiệp Gang thép - con chim đầu đàn của ngành Luyện kim Việt Nam, từ năm 1959 đến năm 1963, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã đóng góp hàng nghìn mét khối gỗ, hàng chục vạn cây tre, nứa, hàng triệu tầu lá cọ cho việc xây dựng nhà ở, lán, trại cho cán bộ, công nhân; cùng lực lượng cán bộ, công nhân san gạt 50 quả đồi, san lấp gần 11.000.000 m3 đất đá, tạo mặt bằng cho các hạng mục công trình. 8 giờ 30 phút ngày 29/11/1963, mẻ gang đầu tiên của lò cao số 1 đã ra lò. Cùng với Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ sắt Trại Cau được khởi công xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng, khai thác từ tháng 12/1963, đưa Thái Nguyên trở thành một khu công nghiệp lớn trên miền Bắc.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân tỉnh Thái Nguyên vừa chiến đấu giỏi, vừa ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện đắc lực cho tiền tuyến miền Nam. Những tấm gương dũng cảm hy sinh của các anh hùng liệt sỹ người Thái Nguyên, Bắc Thái trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc đã gửi một thông điệp cho các bạn trẻ hãy noi gương cha ông, tiếp bước lịch sử hào hùng của dân tộc…
60 năm đi qua, những lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu vẫn khắc sâu trong tâm trí các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nỗ lực phấn đấu kiến tạo xây dựng Thái Nguyên ngày càng có nhiều đổi thay tích cực, thắp sáng địa danh An toàn khu - Thủ đô kháng chiến.
27 năm tái lập tỉnh (01/01/1997 - 01/01/2024) là một mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nếu như năm 1997, năm đầu tiên sau khi tái lập tỉnh, thu ngân sách của tỉnh là hơn 200 tỷ đồng, thì đến năm 2023, thu ngân sách của tỉnh đã tăng 100 lần, nằm trong Top 20 cả nước; giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng đạt 10,48%; giai đoạn 2021-2022, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 7,55%/năm; năm 2023 là 5,01%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Nhiều năm liên tục, giá trị xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước; thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh lọt vào Top đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên là 1 trong 5 địa phương đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt…
Thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị khoá X, XI, XII và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên chủ động tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung làm tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; nhất là đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị luôn gương mẫu đi đầu, tiên phong trong các lĩnh vực khó để làm gương, lôi cuốn cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cùng tham gia thực hiện. Qua đó, góp phần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu… góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị.
60 năm đã trôi qua, kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Nguyên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thái Nguyên đã và đang nỗ lực, quyết tâm hiện thực hoá mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên “trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Người. Trong hành trình đó, chúng ta vô cùng tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành tựu được bồi đắp qua các giai đoạn lịch sử đến hiện tại. Để hôm nay, Thái Nguyên vững bước trên chặng đường mới./.
Vũ Duy Hoàng
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
------------------------------
(1) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr. 38.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 220.