Đi hội Đền Đuổm mùa Xuân

Thứ sáu - 28/01/2022 05:53 0
Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Bắc, sát với Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên đi Cao Bằng. Toạ lạc trên sườn phía Đông của núi Đuổm thuộc xóm Đuổm, xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là ngôi  Đền Đuổm cổ kính và linh thiêng.
Cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Bắc, sát với Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên đi Cao Bằng. Toạ lạc trên sườn phía Đông của núi Đuổm thuộc xóm Đuổm, xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là ngôi  Đền Đuổm cổ kính và linh thiêng.
Đền Đuổm - di tích với nét kiến trúc văn hóa thời Lý
Đền Đuổm ẩn mình dưới vách núi Đuổm, dưới các tán cây cổ thụ, bên những tảng đá lớn hình voi phục, hình đầu rồng. Các hạng mục chính gồm Lầu chuông, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng. Đền Hạ ở dưới cùng, thờ hai phu nhân của Dương Tự Minh. Đền Trung thờ Dương Tự Minh. Phía trên cùng, sát vách đá núi Đuổm là Đền Thượng thờ Mẫu. Đền Đuổm là quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên.
Đền Đuổm được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1993,  nơi đây thờ phò mã Dương Tự Minh, là người dân tộc Tày, quê ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay là phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên). Ông được phong làm thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới ba triều vua nhà Lý: Lý Nhân Tông (1072 - 1128), Lý Thần Tông ( 1128 - 1138) và Lý Anh Tông (1138 - 1175). Là bậc trung quân ái quốc, bằng tài thao lược của mình, ông đã xây dựng phủ Phú Lương thành địa hạt phồn vinh, thịnh trị. Tin cậy và ghi nhận công lao của Dương Tự Minh, năm 1127 vua Lý Nhân Tông đã gả công chúa Diên Bình, đến năm 1144 vua Lý Anh Tông lại gả công chúa Thiều Dung. Ông được nhà Lý phong sắc “Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ tri thần” . Các đời sau đều phong sắc cho ông là “Cao Sơn quý minh”. Với người dân Phú Lương, ông được coi là Thánh Đuổm có quyền năng siêu phàm, là chỗ dựa tinh thần cho người dân trong vùng nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc nói chung. Họ thờ Ngài làm thần chủ của cộng đồng, cầu mong sự phù trợ.
image 20220128175406 1
Du khách thăm viếng Đền Đuổm
Lễ hội Đền Đuổm với nhiều nghi thức diễn xướng dân gian độc đáo
Lễ hội Đền Đuổm được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng hàng năm với các phần nghi lễ rất đặc trưng như: Nghi thức rước đất, rước nước, nghi thức dựng cây Nêu của người Tày, Lễ Mộc Dục, Lễ gia quan, Rước lễ vật vào Đền, Đại Tế lễ.
Vào ngày Mùng 5 tháng Giêng, dân làng làm lễ rước nước và rước đất. Xưa có hai địa điểm dân làng có thể đến rước nước về Đền: thông thường, đoàn rước đến Giếng Dội để rước nước; khi mưa gió, dân làng đến rước nước từ Giếng ở chân núi gần Đền (nay Giếng đã bị lấp). Đất được lấy từ bãi bồi của cánh đồng bên cạnh Giếng Dội.
Giếng Dội là mạch nước ngầm chảy từ chân núi Đuổm về, bốn mùa đều có nước trong, mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Mạch nước từ trong núi chảy ra suối, vào sông Đu, đến sông Giang Tiên và chảy ra sông Cầu. Người dân trong vùng cho rằng đây là vùng đất thiêng với núi thông thiên, giếng thông địa. Nước từ Giếng Dội được coi là nguồn nước thiêng của mạch nguồn núi Đuổm. Trong những ngày lễ hội tháng Giêng nhân dân làng Đuổm và đồng bào các dân tộc trong vùng lại tụ hội về đây rước hồn nước thiêng về đền Đuổm dâng cúng.
Sáng sớm ngày mùng 5 tháng Giêng các đoàn rước tề tựu đông đủ trước sân đền Đuổm, sau ba hồi kèn trống như thông báo với Trời - Đất ngày hôm nay dân làng mở hội, rước đất, rước nước về Đền Đuổm dự hội để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, dân làng may mắn bình an.
Đi đầu đoàn rước là cờ hội, cờ thần, trống chiêng, thanh la, não bạt để đuổi ma quỷ và thông linh trời đất. Tiếp đến là kiệu long đình, bát âm bát bửu, rồi đến đoàn rước nước, rước đất. Đoàn rước nước, rước đất trước đây là những người đàn ông mặc áo the đen, quần trúc bâu trắng, đầu đội khăn xếp; nay dân làng lựa chọn những cô gái người Tày đi rước. Nối tiếp là đoàn người đội các mâm lễ để dâng thần linh. Lễ vật gồm một mâm quả còn, bên trong các quả còn đựng các loại hạt giống, các mâm xôi ngũ sắc, gà luộc, hoa quả, là sản vật của dân bản sản xuất trong năm. Tiếp đến là chủ tế, bồi tế cùng nhân dân và du khách thập phương về dự hội.
Đoàn rước nước, rước đất tề tựu ở khu vực Giếng Dội, nơi có miếu thờ bà chúa Giếng Dội. Chủ tế thắp hương ở miếu thờ, làm lễ cáo yết lên trời đất, Thủy vương, Sơn thần, Thổ địa cùng chư vị thánh thần đương cai nơi thoải phủ cho dân làng được rước hồn nước, hồn đất tại nơi mạch nguồn linh thiêng này về Đền Đuổm cúng lễ.
Tích xưa, ông quan viên được làng cử ra lấy nước là người trung tuổi, có uy tín đối với người dân làng Đuổm, ngày nay không gian hội được mở rộng hơn không bó hẹp trong làng Đuổm vì vậy người lấy đất, lấy nước là người được nhân dân tín nhiệm thay mặt dân làng thực hành nghi lễ lấy nước, lấy đất thiêng. Nước được đựng trong hai ống bương to tượng trưng cho ống bố và ống mẹ. Ống bương miệng vát, thân ống được quấn dây rừng. Nước được múc bằng gáo đồng, cán bằng thân cây tre. Khi ống đầy nước được bịt lại bằng vải màu đỏ để cầu mong sự may mắn, tốt lành. Nước được thiếu nữ dùng đòn gánh bằng thân tre gánh về Đền.
Rước đất, rước nước là nghi lễ của đồng bào Tày ở Phú Lương để cầu xin Mẹ đất, Mẹ nước phù hộ cho đất đai luôn màu mỡ, cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp người dân  trong vùng có đủ đất, đủ nước để sản xuất làm ăn, để cho cuộc sống quanh năm no đủ. Nghi lễ này nhằm tưởng nhớ đến Dương Tự Minh, người mồ côi cha từ nhỏ, phải kiếm sống bằng nghề câu cá để nuôi mẹ già nên nước có ý nghĩa rất quan trọng; đồng thời tái hiện việc công chúa Thiều Dung và công chúa Diên Bình không chỉ giúp ông an dân trị quốc, mà còn đảm đang hướng dẫn người dân làng Đuổm xưa biết làm lúa nước để có cuộc sống ấm no.
Sau khi lấy nước và lấy đất, chủ lễ làm lễ cảm tạ trời đất, Thủy vương, Sơn thần, Thổ địa cùng chư vị thánh thần đã ban linh địa, linh thủy cho con dân làng Đuổm, cho bách tính gần xa một năm mới may mắn no đủ và xin rước về Đền.
Nước và đất được chủ tế rước đặt vào trong hậu cung của đền Trung. Nước thiêng được dùng làm lễ mộc dục (tắm bài vị, tượng thánh) và cho vào bát để thờ. Nước dùng cho lễ mộc dục không hết sau đó sẽ mang ra tưới vào gốc các cây to trong khu Đền. Cây cũng đại diện cho sự sống của người dân trong vùng nên hành động tưới nước thiêng cho cây là mong muốn của con người được tăng sinh lực cho chính họ và cây cối trong khu vực.
Trong tâm thức người dân nơi đây, rước đất - rước nước không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân làng Đuổm mà còn là hoạt động tín ngưỡng cầu xin đức thánh cho nguồn sinh khí, mong muốn được thần linh bảo trợ để sinh sôi, phát triển.
Với những nghi thức tín ngưỡng độc đáo, lễ hội Đền Đuổm được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Du xuân chảy hội Đền Đuổm với một tâm tưởng thành kính và trang nghiêm về đức thánh Dương Tự Minh, với bao điều mong ước chân thành và bình dị, đó chính là giá trị nhân văn lớn lao mà tất cả chúng ta ai ai cũng tâm niệm./.
Bùi Quang Sơn
(Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lương)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Góp ý
UBND tỉnh
Giải búa liềm vàng
Liên kết website

Lựa chọn truy cập nhanh đến Website các đơn vị, địa phương.!

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập108
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay49,696
  • Tháng hiện tại1,106,901
  • Tổng lượt truy cập13,528,400
Hỗ trợ quảng bá doanh nghiệp

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây