Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên kiểm tra cải cách hành chính tại xã Cù Vân (Đại Từ)
Theo đó, kết quả Chỉ số SIPAS năm 2024 trung bình cả nước là 83,94% (tăng 1,28% so với năm 2023). Với kết quả 90,23%, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí số 2 toàn quốc, sau Hải Phòng.
Về Chỉ số CCHC năm 2024, các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 5 cả nước (tăng 1 bậc so với năm 2023) với 91,47% (sau Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội và Quảng Ninh).
Năm 2024, Thái Nguyên tiếp tục giữ vững vị trí số 2 toàn quốc về Chỉ số SIPAS
Theo đánh giá, năm 2024, tỉnh Thái Nguyên nói riêng, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo và tổ chức triển khai công tác CCHC một cách toàn diện và hiệu quả. Kết quả đánh giá nhiều tiêu chí cho thấy sự chuyển biến rõ nét so với năm 2023, phương pháp chỉ đạo, điều hành CCHC có nhiều sáng tạo, đổi mới tích cực. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành CCHC ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.
Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, nhiều mô hình mới được triển khai thí điểm, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và Đề án 06 đã mang lại nhiều hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục là điểm sáng của cải cách, khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện; các ứng dụng, cơ sở dữ liệu được phát triển mạnh mẽ, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, kết nối chia sẻ liên thông, phục vụ ngày càng hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND các cấp ở địa phương.
Thái Nguyên đứng thứ 5 toàn quốc về Chỉ số cải cách hành chính
Kết quả SIPAS 2024 đã cho thấy những nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp ở địa phương trong triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Trong những năm qua, Chỉ số hài lòng của người dân đã mang lại những kết quả, tác động tích cực đối với cả cơ quan nhà nước và người dân; cung cấp cơ sở để các cơ quan nhà nước xác định thực trạng, triển khai các biện pháp cụ thể, thúc đẩy tiến trình cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ. Người dân, xã hội đang dần quan tâm, ủng hộ, giám sát, phản hồi ý kiến tích cực hơn đối với các cơ quan nhà nước để cùng xây dựng một nền hành chính phục vụ, lấy người dân làm trung tâm, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Thu Huyền
(https://www.baothainguyen.vn/)