PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và TS Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến đến 30 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Thái Nguyên
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Ngày 01/6/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW “một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”. Đây là Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách xã hội, với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.
PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quyền an sinh của người dân theo Hiến pháp 2013. Các chính sách xã hội được thực hiện toàn diện từ trung ương đến địa phương. Đời sống của Nhân dân trên khắp các vùng, miền, mọi thành phần, dân tộc đều được nâng lên là tiền đề và điều kiện cơ bản để đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người và phát triển con người, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Phát triển với mục tiêu vì con người đã mang lại những thay đổi vượt bậc của Việt Nam, chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam ngày càng tiến bộ. Điểm số HDI của Việt Nam tăng từ 0,48 năm 1990 lên 0,71 năm 2020, chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm “các quốc gia phát triển con người cao”, đứng ở vị trí 117/189 quốc gia. Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao về chỉ số vốn nhân lực (HCI), chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Các thành tựu nổi bật đã đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, càng khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta và tính đúng đắn, hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Hội nghị đã nghe 12 ý kiến tham luận về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 của một số địa phương trong toàn quốc. Định hướng hoàn thiện các chính sách xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập đủ sống cho người lao động, phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, bao phủ toàn bộ lực lượng lao động…
Hội nghị toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp nhận thêm các ý kiến đánh giá về tình hình thực tiễn, các vấn đề cần quan tâm của các bộ, ngành và địa phương. Các ý kiến đóng góp đối với dự thảo báo cáo làm cơ sở để Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI bổ sung, hoàn thiện báo cáo, xác định các vấn đề trọng tâm cần triển khai thực hiện đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045./.
Thu Hiền